Vào năm thứ 35 triều Caung-sbung[1] [Cảnh Hưng], nhà vua Nam Hà khi đó 50 tuổi (năm 1774 của kỷ nguyên Cơ Đốc), một cuộc nổi dậy đã bất ngờ bùng nổ ở kinh đô, thành phố Quin-nong [Quy Nhơn], và bắt đầu tràn ra khắp nơi. Cuộc phiến loạn này do ba anh em cầm đầu. Người anh có tên là Yin-yac [Nguyễn Nhạc], là một thương gia giàu có đã tiến hành công việc buôn bán mở rộng với Trung Quốc và Nhật Bản; người thứ hai tên là Long-niang [Long Nhương][2], tướng lĩnh cấp cao, một nhà chỉ huy lớn; còn người em thứ ba là một thầy tu. Một sự kết hợp nguy hiểm như vậy giữa tiền của, binh quyền và ảnh hưởng trong tinh thần dân chúng chỉ gặp phải sự kháng cự yếu ớt phần nào của nhà vua, một người có thể tạng ốm yếu và thói quen bạc nhược về cơ thể, trong nhiều năm đã giao nhượng quyền bính cho đám tướng lĩnh của ngài, phần lớn là những hoạn quan. Lúc đó còn có những hoàn cảnh khác dẫn dắt người ta đi theo ý đồ của những thủ lĩnh quân phiến loạn. Việc áp đặt thuế thân đã gây nên một nỗi bất bình chung trong dân chúng. Bước đầu tiên mà quân giặc tiến hành, theo cách thức thường sử dụng trong những trường hợp như vậy, là bắt giữ nhà vua và bảo đảm không cho một ai trong hoàng gia đến tiếp cận; tất cả những người rơi vào tay họ đều bị lập tức xử tử. Thành phố Sai-gong được coi là nơi thuận tiện cho công việc dấy nghĩa của vị quân vương bị phế truất; do đó, một đạo quân được điều về tấn công thành phố. Những thành lũy bị san bằng, 20.000 cư dân bị chém giết.
Những sự xét sử và những cuộc hành hình đã diễn ra hằng ngày trên mọi miền của đất nước, lấy cớ là do có những âm mưu chống lại những kẻ tiếm quyền. Về phía họ, những người này đã không bỏ qua được bất kỳ biện pháp hoặc cơ hội nào để có thể gây được ảnh hưởng trong quần chúng. Thương nhân tổ chức những bữa tiệc sang trọng, hội hè, những cuộc bắn pháo bông; tướng lĩnh thì phỉnh nịnh quân sĩ; các nhà sư thì tuyên truyền trong đám quần chúng vô tư về những thánh chỉ của Tien [Thiên, Thượng đế] ra lệnh cho ba con người nổi tiếng đó, tới đây sẽ đứng ra làm những người cai trị họ.
Để sắp xếp lại chính quyền tương lai của đất nước rộng lớn này, họ quyết định rằng Yin-yac sẽ nắm giữ hai phân khu Chang và Dong-nai [Đồng Nai], Long-niang sẽ nắm giữ phân khu Hué, giáp với xứ Bắc Hà, và người em út sẽ là vị tu sĩ cao cấp nhất trong toàn bộ xứ Nam Hà. Với sự bố trí này, Yin-yac đã sắp đặt một cách xảo quyệt cho người em mình vào ở giữa khu vực của bản thân ông ta và những người Bắc Hà, lúc đó vẫn được coi là một quốc gia hùng mạnh. Long-niang hầu như chưa đặt chân tới kinh đô của mình là Hué-foo [Huế phủ], trước khi ông ta có cơ hội để gây sự với nhà vua Bắc Hà, vốn là một chư hầu nộp cống cho hoàng đế Trung Hoa. Thực vậy, với bản chất và tính tình giống như người Trung Quốc, những người Bắc Hà ít có khả năng đương đầu với đội quân dày dạn và có kỷ luật của một kẻ tiếm quyền dũng cảm và liều lĩnh. Vị vua này đã bỏ rơi quân đội của mình ngay sau cuộc giao chiến đầu tiên, trốn chạy sang Bắc Kinh cầu viện hoàng đế Trung Hoa. Nhà vua Càn Long, do đã thắng lợi ở mọi nơi trên nước Tartary [Thát Đát vùng Mông Cổ] và trên hòn đảo Formosa [Đài Loan], đã đi tới chỗ tin tưởng rằng những đội quân của mình là bất khả chiến bại, cho rằng sẽ chẳng khó khăn gì để đánh đuổi kẻ tiếm quyền ra khỏi xứ Bắc Hà, và lập lại vị quân vương hợp pháp, đưa lên ngôi báu.
Với cách nhìn đó, hoàng đế bèn ra lệnh cho phó vương Quảng Châu cầm đầu một đạo quân 100.000 người lập tức tiến quân. Long-niang bằng kế do thám, đã được báo cho biết cặn kẽ về mọi hành động chuyển quân của đạo binh khổng lồ này. Khi đã nắm chắc đường hành quân của địch, ông bèn cử các chi đội đi tiêu thổ những thị trấn và làng mạc mà quân địch phải đi qua. Gặp phải kế vườn không nhà trống như vậy, đạo quân Trung Quốc, dù còn cách xa mới tiến đến biên giới Bắc Hà1, đã bị kiệt quệ vì thiếu lương thực, buộc phải quay trở về.
Kẻ tiếm ngôi là một tướng lĩnh giỏi hơn nhiều so với ông bạn Foo-chang-tong2 của chúng tôi (chúng tôi đã gặp ông này ở triều đình Bắc Kinh). Kẻ tiếm ngôi chỉ huy quân tiếp tục quấy rối hậu quân của đạo binh Trung Quốc khi họ rút lui. Họ đã hứng chịu khá nhiều tổn thất trong cuộc viễn chinh được chỉ huy tồi này; do mệt mỏi, đói khát, gươm đao, không dưới 50 nghìn quân sĩ được báo là đã bị tiêu diệt, mà không xảy ra một trận đánh tổng lực nào3. Rút đám tàn quân trở về cách Quảng Châu chừng một trăm dặm, viên phó vương, để tránh bị mất quân, và quan trọng hơn đối với ông ta là mất uy tín và có thể bị thất sủng, đã đi đến kết luận rằng bước đi khôn ngoan nhất mà ông ta có thể tiến hành lúc đó là nên mở cuộc đàm phán với kẻ tiếm quyền.
Với giọng điệu của người thắng trận, Long-niang mạnh mẽ tuyên bố rằng ông ta đã được đưa lên ngôi hoàng đế của xứ Bắc Hà do ý trời và tiếng nói của nhân dân, ông quyết định sẽ giữ vững quyền đó đến cùng. Ông nói rằng ông có tới 200.000 quân ở Bắc Hà và cũng nhiều chừng đó ở Nam Hà; họ sẵn sàng nhỏ đến giọt máu cuối cùng để ủng hộ ông. Ông bấy giờ không chỉ là Long-niang, kẻ tiếm quyền nữa, vì ông đã lên ngôi hoàng đế với tên gọi là Quang-tung [Quang Trung], nhà vua của các vương quốc Bắc Hà và Nam Hà hợp nhất.
Viên phó vương chưa chuẩn bị kỹ đối với giọng điệu kiêu căng và quyết đoán này của kẻ tiếm quyền, tuy nhiên không còn thời giờ để ông ta cân nhắc kỹ lưỡng nữa. Foo-chang-tong là một chiến binh tồi, nhưng nếu ông ta thiếu lòng dũng cảm và tài quân sự thì lại có thừa mưu mẹo xảo quyệt. Của cải và danh tiếng của ông ta bị đưa ra đặt cược, và ông thấy rằng mình đã bị dồn vào thế cần phải chơi một ván bài liều mạng. Ông ta bèn cử một người đưa thư về triều đình Bắc Kinh, dâng một tấu trình lên hoàng đế về thắng lợi vô song của cuộc viễn chinh, và sau khi vẽ ra một vài chi tiết về những trận giao chiến không bao giờ xảy ra, nhưng trong đó quân đội của hoàng đế được miêu tả là luôn luôn chiến thắng; thì người ta cũng phải chứng kiến sự dũng mãnh của kẻ địch, thấy được tính chính đáng và hợp lý của việc đối phương đòi hỏi lên ngôi vua mà người chiếm giữ trước đó đã từ bỏ, tính cách ngay thẳng của kẻ địch và lòng quý trọng của đông đảo dân chúng đối với kẻ đó. Tóm lại, theo ý kiến của viên phó vương, thì nên mời Quang-tung đến triều đình Bắc Kinh để bái kiến theo thường lệ, và nhận tấn phong của hoàng đế Trung Hoa cho Quang-tung giữ ngôi vua Bắc Hà. Đồng thời, ông gợi ý rằng nên ban tặng cho vị quân vương trước đó của xứ Bắc Hà1 một chức phẩm quan tước ở trong những tỉnh của Trung Quốc, như là một sự đền bù hào phóng cho những gì vị quân vương đã mất đi ở Bắc Hà.
Triều đình tán thành với lời đề nghị của viên phó vương. Giống như trường hợp của Federigo xứ Naples đã được Louis XII phong cho làm Công tước xứ Anjou, ông vua Bắc Hà đi trốn chạy đã từ bỏ yêu cầu lên ngôi vua, chấp nhận tước vị kém hơn của một viên quan Trung Quốc. Sau đó, một lời mời hợp thức đã được gửi tới Quang-tung để đi Bắc Kinh.
Tuy nhiên, vị tướng quân cảnh giác này nghĩ rằng đây có thể là một mẹo lừa của viên phó vương định bắt mình. Và, tất nhiên là ông không tin vào con người mà mình vừa đánh bại đến chỗ nhục nhã, lưỡng lự xem mình nên đi theo hướng giải quyết nào. Rồi, trong khi tham vấn ý kiến của một trong những tướng lĩnh tin cậy của ông, họ đi đến kết luận rằng viên võ tướng này cần đi tới kinh đô Trung Hoa như người đóng vai thay ông làm vị vua mới xứ Bắc Hà và Nam Hà. Ông này đã được đón tiếp tại triều đình Bắc Kinh với mọi nghi thức trọng thể, được biếu các tặng phẩm theo thông lệ, và được xác nhận về tước vị của mình đối với các vương quốc hợp nhất, sau đó sẽ được coi như một phiên thuộc của hoàng đế Trung Hoa. Khi ông vua giả mạo này trên đường trở về Hué, Quang-tung khá lúng túng không biết mình nên xử sự ra sao, nhưng khi thấy rằng sự việc này không thể giữ bí mật lâu được với nhiều bằng chứng sống như thế, ông bèn sai giết người bạn mình cùng toàn bộ đoàn tùy tùng, như giải pháp chắc chắn nhất và có lẽ cũng là duy nhất để ngăn ngừa không cho mưu kế mà ông sử dụng rất thành công đối với hoàng đế Trung Hoa bị phát hiện. Sự kiện này xảy ra năm 17791.
Những ai đã quen với tính cách Trung Hoa và bản chất của chính quyền đó sẽ chẳng ngạc nhiên cho lắm khi viên võ tướng chỉ huy một đạo quân lại có thể chuyển tới tối cao pháp đình ở Bắc Kinh một bản báo cáo sai lạc về những công việc mình đã làm. Ở đâu mà những sự dối trá đã có cơ may thoát khỏi bị phát giác, ở đâu mà những công trạng quân sự chỉ được đánh giá theo chuẩn mực là phải chiến thắng, ở đâu mà chỉ một trận thất bại, khi được xác nhận, cũng đưa đến hậu quả là thòng lòng treo cổ, thì ở đó khó mà trông chờ rằng sự thật sẽ được viết ra do ngòi bút của chính con người phải kể lại câu chuyện về những tai họa của bản thân mình. Thỉnh thoảng Kien-Lung [Càn Long] và Kia-King [Gia Khánh] cũng ban bố những chiếu chỉ trừng trị những viên tướng nào tấu trình về những trận chiến không hề có giao tranh, những chiến thắng không bao giờ giành được, nhưng cũng chẳng mang lại hiệu quả. Vào lúc này, tòa quân pháp ở Bắc Kinh còn lâu mới nhận được một báo cáo chân thực về các sự kiện xảy ra, cũng như những bậc tiền bối của họ từ hai ngàn năm về trước. Vậy thì không lạ gì khi Foo-chang-tong, ở cách xa 2.000 dặm trong một vùng đất hoang vu ít người qua lại, đã bị lôi kéo vào những việc lừa gạt triều đình, mà mưu kế đó vẫn không hề bị phát hiện.
Vào lúc nổ ra cuộc phiến loạn ở Nam Hà, trong khi ba anh em đã sai người giết nhà vua cùng số người trong hoàng tộc và những người ủng hộ nhà vua đã bị rơi vào tay họ, trong triều đình đã có một giáo sĩ người Pháp tên là Adran, mà qua những bản tin khác nhau được in trong cuốn Những bức thư khuyến thiện và kì lạ (Lettes édifiantes et curieuses), ông đã tự xưng là Giám mục Thừa sai của xứ Nam Hà (Apostolic Vicar of Cochinchina). Giáo sĩ đó đã gắn bó chặt chẽ với hoàng gia, mà về phần mình, cũng tỏ ra rất tôn kính và quý trọng ông. Thay vì truy bức khu giáo dân nhỏ bé mà Adran đã lập nên trong xứ, nhà vua đã che chở cho ông ta, và ngài thấy chẳng có gì đáng nguy hiểm từ một con người trung thành với một tôn giáo khác với tôn giáo của bản thân ngài. Do vậy, nhà vua đã không ngại ngần giao cho giáo sĩ đó trông nom dạy dỗ riêng đứa con trai duy nhất của mình và là người sẽ kế vị ngôi vua.
Khi cuộc phiến loạn bắt đầu bùng nổ, Adran thấy rằng hy vọng duy nhất cho bản thân ông và đám con chiên muốn được an toàn là chạy trốn. Vua cha bị quân giặc bắt giữ, nhưng hoàng hậu, thái tử trẻ tuổi cùng với vợ, đứa con nhỏ cùng người em gái của thái tử đã được Adran tận tình giúp đỡ và trốn thoát. Nhờ đêm tối, bọn họ lánh đi đến một nơi cách xa kinh đô, ẩn náu trong một cánh rừng. Ở đây, trong nhiều tháng, vị vua trẻ tuổi xứ Nam Hà – cũng giống như một Charles khác – cùng với những người còn lại trong cái gia đình khốn khổ đó, phải lẫn trốn dưới cành lá um tùm của một cái cây – không phải là sồi mà là cây đa hoặc cây vả – mà họ cho là tính chất linh thiêng của nó có thể đem lại nhiều an toàn hơn. Trong tình hình đó, một thầy tu Cơ Đốc tên là Paul1 đã liều mạng tiếp tế cho họ tới khi quân giặc không còn lùng sục nữa và những toán quân đi truy bắt được triệu hồi.
Ngay sau khi quân địch rút đi, đám người lẩn trốn khốn khổ đã cố gắng tìm đường về Sai – gong, nơi dân chúng tụ tập đông đảo theo cờ ứng nghĩa của vị quân vương chính thống của họ, người được họ tôn lên làm vua xứ Nam Hà, dưới danh nghĩa vủa vua cha Caung – sbung trước kia2. Lúc đó, có một chiến thuyền do một người Pháp là Manuel3 chỉ huy, bảy thuyền buồm của thương nhân người Bồ và một số lớn thuyền mành và những thuyền chèo đang đậu ở bến Sai – gong. Theo sự cố vấn của Adran, người ta đã mua lại số thuyền đó, cung cấp người và trang bị trong thời gian ngắn nhất, với mục đích mở một cuộc tập kích bất ngờ vào đội thuyền của kẻ tiếm quyền đang ở trong cảng Quin – nong và không kịp chuẩn bị đối phó với một sự biến như vậy. Gió mùa lại thuận lợi cho kế hoạch. Họ tiến vào vịnh nơi đội thuyền của kẻ địch đang neo đậu một cách yên tĩnh. Tuy nhiên, lệnh báo động đã được truyền, những đoàn quân nhanh chóng lên thuyền. Cuộc chiến ngày hôm đó còn chưa ngã ngủ, cho tới khi một con tàu của người Pháp gặp phải sự cố bất thường, bị mắc cạn, trong khi những người chỉ huy của bảy chiếc thuyền Bồ Đào Nha lập tức tháo chạy, mang theo tàu thuyền của họ tới Macao. Nhà vua trẻ tuổi tỏ ra rất điềm tĩnh và gan dạ, nhưng bị áp đảo bởi số đông quân địch, buộc phải trốn chạy, vội vã tháo lui.
Do cuộc tấn công này, một phần đáng kể đội tàu thuyền của Yin – yac đã bị hư hại hoặc bị phá hủy, nhưng cũng khiến ông ta tăng thêm sự chú ý đến những phần đất phía Nam của đất nước. Thật vậy, Caung – sbung đã về tới Don – nai một cách vất vả, gặp khó khăn vì gió mùa thổi ngược trên đường trở về, rồi nhận được tin thám báo rằng có một đạo quân lớn đang tìm đến để tiến đánh ông. Người ta sớm nhận ra rằng mọi sự kháng cự của nhà vua vào lúc này có thể không đem lại hiệu quả, và vì vậy ông đã lập tức rời khỏi đất nước. Sau khi tập hợp những người còn lại trong gia quyến và một số ít những phần tử trung thành đi theo, ông lên thuyền trên sông Sai – gong xuôi dòng ra biển, an toàn đến một hòn đảo nhỏ không có dân cư trong vịnh Xiêm La có tên là Pulo – Wai1. Ở đây, dần dần ông đã tuyển mộ được khoảng gần 1.200 thần dân của mình có thể cầm vũ khí. Kẻ tiếm ngôi, sau khi phát hiện nơi ông ẩn náu, quyết định cử một đoàn quân vĩnh chinh tiến đánh ông. Nhưng Caung – sbung, biết được ý đồ này, cho nên khôn ngoan đáp tàu đi qua Xiêm và nhờ vua nước đó che chở, hơn là ở lại hòn đảo không có gì bảo vệ lúc đó và thế nào bản thân ông và những người của ông cũng sẽ bị tiêu diệt.
Hoàng đế Xiêm La lúc này đang có chiến tranh với người Braamans [người Miến Điện]; cho tới khi đó họ vẫn luôn luôn chiến thắng, xâm lấn nhiều nơi trên lãnh thổ của ngài. Caung – sbung vốn là một người kiêu hãnh, ông không chịu được cảnh ngồi yên làm một thần thuộc tầm thường và thụ động, sống nhờ vào lòng hào phóng của vua Xiêm. Ông bèn đề nghị được giúp đỡ nhà vua chống lại kẻ thù; ông cầm đầu một đội quân ít ỏi những người đi theo, lúc này lên tới khoảng 1.000 người có thực lực. Nhà vua chấp nhận đề nghị của ông.
Dưới sự chỉ dẫn của giáo sĩ người Pháp, ông đã nắm vững được một vốn kiến thức đáng kể về những chiến thuật châu Âu. Giờ đây, lần đầu tiên, ông có cơ hội đêm những kiến thức đó ra thực hành. Thay vì mở cuộc giao chiến tổng lực với kẻ địch, ông chỉ tiến công họ từ một số vị trí có tầm nhìn bao quát, ném ra những phân đội liên tục gây rối, tiêu hao địch. Tóm lại, ông đã sử dụng nhiều thủ thuật mà người Miến Điện không biết được, buộc họ phải cầu hòa theo những điều kiện của ông. Sau đó, ông đã chiến thắng trở về kinh đô nước Xiêm. Mọi người đều hân hoan đón tiếp và bày tỏ lòng mến mộ ông. Về phần vua Xiêm, ngài đã tặng ông nhiều vật phẩm vàng bạc và châu ngọc quý giá.
Hình như trong lúc Caung – sbung2 vắng mặt vì còn đang bận ngoài chiến trường, nhà vua Xiêm đã đề nghị với mẹ ông được nhận người em gái của ông làm một nàng thiếp, nhưng mẹ ông đã bác bỏ đề nghị này một cách khinh bỉ. Dù vậy, vì đã bị sắc đẹp của nàng hoàn toàn đánh gục nên nhà vua Xiêm quyết định phải chiếm hữu được nàng bằng bất kì giá nào và vì mục đích đó, đã đề nghị sẽ chia sẻ ngai vàng cho nàng, nhưng vẫn bị từ chối. Lúc này, đến lượt vị hoàng đế Xiêm thấy mình bị xúc phạm, đã quở trách vị hoàng tử tị nạn – là một con người bơ vơ bị ruồng bỏ - không nên quá tự đề cao bản thân và gia đình mình như thế. Có tin đồn rằng hai vị quân vương đã lời qua tiếng lại với nhau về vấn đề này; nhưng những nguồn tin khác, có thể đúng hơn, lại nói rằng những tướng lĩnh của Xiêm, vì ghen tị với vị hoàng tử tị nạn, đã âm mưu ám hại ông. Bản thân trong lòng vua Xiêm cũng có thể có sự ghen tị như thế. Biết được cơn bão tố đang nổi lên chống lại mình, ông đã bày tỏ nỗi lo ngại của mình với một vài người thân cận; họ khuyên ông nên rời bỏ ngay lập tức cái triều đình này, mà nếu ở lại thêm một đêm cũng có thể nguy hại cho ông. Vì vậy, họ quyết định rằng ngay tối hôm đó, với vũ khí trong tay, phải tìm đường tiến đến một cảng biển gần nhất, chiếm đoạt số tàu thuyền đậu ở đó, lên tàu dong buồm đi thẳng về hòn đảo Pulo Wai hiu quạnh xưa kia. Những người nguyện chung số phận, đã từng đi theo ông từ xứ Nam Hà, và những người gia nhập từ khi ông tới Xiêm, đã lên tới khoảng 1.500 người. Cùng với gia đình cầm đầu lực lượng nhỏ bé đó, từ kinh đô nước Xiêm, ông đột phá mở đường, băng qua mọi cản trở, đưa các chiến hữu của mình lên một số các tàu thuyền của Xiêm và thuyền buồm Mã Lai đang đậu trên cảng đủ chứa đội quân, hướng thẳng ra biển, an toàn tìm đến đảo Pulo Wai. Ở đó, lúc này ông đã tăng cường lực lượng, sao cho với những vũ khí và súng lớn tìm thấy trên những tàu thuyền đoạt được, có thể bảo đảm chống lại bất kỳ một cuộc tấn công nào, dù là từ phía vua Xiêm hoặc từ phía quân phiến loạn ở Nam Hà.
Trước đó ít lâu, Adran đã từ Xiêm trở về đến tỉnh phía Nam của Nam Hà để thăm dò tình cảm của dân chúng đối với vị quân vương hợp pháp của họ; và khi thấy họ vẫn còn trung thành với ông và mọi người đều bất bình với kẻ tiếm quyền, Adran bèn lập ra một kế hoạch thỉnh cầu vua Louis XVI nước Pháp giúp đỡ, nhằm đặt lại người thừa kế hợp pháp lên ngôi vua, với những điều kiện sao cho Caung – sbung sẽ không phản đối mà kết cục vẫn có thể rất có lợi cho nước Pháp. Với quan điểm đó, ông dong buồm đi tìm nhà vua di tản. Trong một bức thư gửi từ Pondichéry, Adran viết:
“Tôi đã gặp vị quân vương bất hạnh trong một tình trạng rất tồi tệ. Một số ít các chiến hữu trung thành đã đi theo ông, trên một hòn đảo trong những hòn đảo ở vịnh Xiêm La, gần chỗ vương quốc này tiếp giáp với Cămbốt. Binh lính của ông ta phải sống qua ngày bằng những củ, rễ cây mà họ đào bới được từ trong lòng đất”.
Hình như ở đây nhà vua đã ủy thác đứa con trai cả của mình cho viên giáo sĩ để nhờ chăm sóc, khẩn khoản yêu cầu rằng, trong trường hợp xảy ra tai họa đối với bản thân ông, vị giáo sĩ sẽ khuyên bảo và giúp đỡ cậu ta như một người cha và một người bạn, và dạy cho cậu ta biết rằng đừng bao giờ quên quyền lực cai trị hợp pháp của mình mà vua cha đã bị tước đoạt bằng bạo lực và sự tiếm quyền.
Adran, sau khi đã làm nhà vua hài lòng về vấn đề này, bèn từ biệt và lên tàu đi Pondichéry cùng với cậu bé được giao phó; và sau khi lên một chiếc tàu châu Âu khởi hành từ đó, họ đã tới Paris vào năm 1787. Vị thái tử trẻ tuổi được giới thiệu ở triều đình, được đối xử với mọi biểu thị của sự quan tâm và lòng kính trọng. Và dự án của viên giáo sĩ đã được nhiệt liệt tán thành, đến mức chỉ trong có vài tháng, một điều ước giữa vua Louis XVI và vua Nam Hà đã được thảo ra và ký kết tại Versailles bởi bá tước De Vergennes và Montmorin, thừa lệnh vua Pháp và vị thái tử trẻ tuổi, thừa lệnh vua Nam Hà1. Những điều khoản chính của bản điều ước kỳ lạ này, mà tôi tin rằng giờ đây được công bố lần đầu tiên bao gồm những điều sau:
I.Sẽ có sự liên minh tấn công và phòng thủ giữa vua Pháp và vua Nam Hà. Do đó, họ nhất trí thỏa thuận sẽ giúp đỡ lẫn nhau chống lại bất cứ ai gây chiến đối với một trong hai bên cam kết.
II.Để thực hiện mục đích đó, một hạm đội gồm 20 chiến thuyền Pháp sẽ đặt dưới quyền của vua Nam Hà, có kích thước và lực lượng đủ đáp ứng cho những yêu cầu của vua Nam Hà.
III.Năm phân đội người châu Âu với biên chế đầy đủ và hai phân đội quân thuộc địa bản xứ sẽ lên thuyền đi đến Nam Hà không chậm trễ.
IV.Hoàng đế Louis XVI cam kết sẽ cung cấp trong vòng 4 tháng số tiền là một triệu đô la, trong đó 500.000 bằng tiền mặt, số còn lại bằng diêm tiêu, súng đại bác, súng trường và những đồ quân dụng khác.
V.Kể từ khi các đội quân Pháp đi vào lãnh thổ của nhà vua Nam Hà, họ và các tướng lĩnh của họ, cả trên biển lẫn trên bộ, sẽ nhận lệnh của vua Nam Hà. Để có hiệu lực, các sĩ quan chỉ huy sẽ nhận được những chỉ thị của hoàng đế Cơ Đốc nước Pháp là phải tuân theo trong mọi việc, mọi nơi ý muốn của người đồng minh mới của mình.
(Nguồn Việt Nam trong quá khứ: Tư liệu nước ngoài, J.Barrow, Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà (1792 - 1793), ( A Voiyage to Cochinchina in the years 1792 and 1793) Nxb Thế giới, năm 2008, tr.24 - 37)
[1] Caung-sbung [Cảnh Hưng]: Các chúa Nguyễn, vì để tôn trọng danh nghĩa nhà Lê, vẫn dùng niên hiệu của các vua Lê, trong đó có Lê Cảnh Hưng (tức Lê Hiến Tông). Trong cuốn sách này, J.Barrow đã dùng tên gọi Cảnh Hưng để chỉ Nguyễn Ánh trước khi lên ngôi, và cả sau khi lên ngôi, tức vua Gia Long.
[2] Đây chỉ là Nguyễn Huệ, đã được Nguyễn Nhạc phong cho tước hiệu là Long Nhương tướng quân.
1 Câu này hơi tối nghĩa , phải chăng biên giới Bắc Hà ở đây là để chỉ biên giới phía Nam, giữa Bắc Hà và Nam Hà.
2 Đây chỉ Phúc Khang An, viên tổng đốc Lưỡng Quảng kế nhiệm Tôn Sĩ Nghị.
3 Nhận định chủ quan này có phần không đúng với lịch sử.
1 Chỉ là Lê Chiêu Thống.
1 Nguyên bản viết nhầm. Sửa là 1789.
1 Trong sử sách Việt Nam, nhân vật này có tên Paul Nghị.
2 Đây chỉ chúa Nguyễn Phúc Thuần.
3 Manuel: người Pháp (có tài liệu ghi là người Ireland), theo giúp Nguyễn Ánh từ những ngày đầu, phụ trách huấn luyện thủy quân. Manuel có tên tiếng Việt là Mạn Hòe hoặc Mãn Noài, giữ chức cai cơ, chỉ huy đội Trung Khuông. Sau được phong chức Chưởng vệ, tước An Hầu. Năm 1782, Manuel chỉ huy một chiếc tàu lấy được của Bồ Đào Nha, đánh nhau với quân Tây Sơn ở cửa Cần Giờ. Bị vây hãm tuyệt vọng, Manuel đã châm lửa làm nổ tung tàu tự sát.
1 Pulo Wai: Theo các sách sử Việt Nam, Nguyễn Ánh khi trốn chạy Tây Sơn đã lập căn cứ ở đảo Phú Quốc. Trong các tư liệu và bản đồ Công ty Đông Ấn Độ của Hà Lan và Anh, có ghi tên Pulo Wai, một hòn đảo ở vịnh Xiêm La. Ngày nay ở ngoài khơi Kiên Giang (Việt Nam), có một hòn đảo mang tên Hòn Vây (đảo Vây). Ở tỉnh Khett Kampot (Campuchia), có hòn đảo mang tên Koh Wai. Có tài liệu ghi chú thích Pulo Wai là Hòn Tróc.
2 Nguyên bản in lầm là Quang – shung.
1 Thực ra trong hiệp ước Versailles, giám mục Adran, với tư cách là người giám hộ, đã kí thay cho hoàng tử Cảnh, người đại diện cho nhà vua Nam Hà.