Nhạc làm nghề buôn lá trầu, từng buôn bán với Mán, đường đi qua núi An Dương, được một thanh gươm, tự bảo là gươm thần, mang đi để lừa dối dân chúng, nhiều người tin tưởng. Lại từng theo tên giáo Hiến ( bỏ thiếu họ) để học, Hiến là khách ở nhà ngoại hữu Trương Văn Hạnh, Hạnh bị Trương Phúc Loan giết chết, Hiến trốn vào Quy Nhơn ngụ ở ấp An Thái, mở trường dạy văn, võ, anh em Nhạc theo học. Hiến khen là có tài lạ. Sau Nhạc làm biện lại ở bến tuần Vân Đồn, tiêu mất tiền thuế, đốc trưng là Đằng truy bắt rất khẩn cấp, bèn vào núi làm kẻ cướp, Hiến bảo riêng Nhạc rằng: câu sấm nói rằng ʽʽ Tây khởi nghĩa Bắc thu công” , ngươi là người Tây Sơn, phải cố gắng đi. Nhạc cho là phải, tự mừng thầm.
Năm Tân Mão là năm Duệ Tông hoàng đế nối ngôi năm thứ 6, ( năm Cảnh hưng đời Lê thứ 32; năm Kiền long nước Thanh thứ 36 ), Nhạc bèn dựng đồn trại ở miền thượng đạo ấp Tây Sơn ( thượng đạo tức là Man Trung, hạ đạo tức là ấp Kiên Thành) chiêu nạp những tên trốn tránh, phần nhiều nhưng hung ác và vô lại trong khi ấy theo về tới Nhạc. Khi bấy giờ quốc phó là Trương Phúc Loan ở trong tự tiện bỏ vua này lập vua khác, chuyên giữ cả quyền bính triều đình, mọi người đều oán giận. Gặp năm mất mùa, giặc mới nổi lên, cướp của người giàu cấp cho người nghèo, làm ơn nhỏ giả dối để mua chuộc lòng người. Có tên Huyền Khê, nhà vốn phong phú, bỏ của ra giúp. Nguyễn Thung là thổ hào ở Thuận Nghĩa, lại dỗ dành súi dục mọi người hộ cho Nhạc, nên bọn lũ càng nhiều, tan đi cướp bóc làng ấp, đi đến đâu thì hò hét ứng tiếp cho nhau thế lực ngày càng hăng mạnh, quan địa phương không thể kiềm chế được. Bọn Nhạc cùng nhau bàn mưu rằng: nay gian thần là Trương Phúc Loan công nhiên ăn của đút lót, làm rối loạn triều chính, ta cất quân để trừ khử đi. Con Thái bảo ( Thế tử Hiệu ) là Hoàng tôn Dương, là người nhân hậu thông minh, ta nên đón về lập làm vua, để cho yên nhà vua. Lời ước đã định, truyền bá xa gần, người đều tin cả. Sau này phàm quan quân tiến đánh ở đâu, đều bảo rằng đấy là quân của quốc phó, quân giặc đến đâu đều nói rằng đấy là quân của Hoàng tôn. Cho nên có câu nói là quân của triều quân quốc phó, quân gầm thét, quân của Hoàng tôn ( á o tức là gầm thét vậy ).
Mùa thu năm Quý Tỵ ( 1773 ) Nhạc từ Tây Sơn thượng đem quân xuống đánh ở ấp Kiên Thành, tự xưng là chủ trại thứ nhất, coi quản hai huyện Phù Ly, Bồng Sơn. Nguyễn Trung là chủ trại thứ nhì, coi huyện Tuy Viễn, ( Thung sau bị Nhạc giết ), Huyện Khê là chủ trại thứ ba, coi việc lương quân. Nhạc mật ước với nữ chúa Chiêm Thành ( tên là thị Hoả, lập trại ở Thạch Thành, sau bị quân của Tống Phúc Hợp giết chết ) để làm chỗ nương tựa viện trợ. Lại chiêu tập được các tên Nhưng Huy, Từ Linh, ( hai tên này sau bị Nhạc giết chết ở Nguyên An tượng ( thuộc huyện Tuy Viễn)), sai cùng với Nguyễn Thung đem một chi quân xuống phủ lỵ Quy Nhơn, nhân ban đêm đánh cướp, chúng đều sợ tan. Tuần phủ là Nguyễn Khắc Tuyên chạy trốn. ( Một thuyết nói: Nhạc là người nhiều mưu cơ trí trá, một hôm tự ngồi vào trong cũi, sai bè lũ xe đến nói là bắt được Nhạc giải nộp Nguyễn Khắc Tuyên không ngờ là dối, sai mở cửa thành để nhận, đêm hôm ấy bọn lũ của Nhạc lẻn đến ngoài thành, Nhạc phá cũi ra mở to cửa doanh, bọn lũ sấn vào đốt doanh giết tướng, chiếm cứ lấy thành ). Nhạc đem quân đến 2 xứ Kiền Dương và Đạm Thuỷ, cướp lấy kho tạm. Đốc trưng là Đăng, khâm sai là Lượng ( đều chép thiếu họ) đều chạy cả. Nhạc đuổi giết Lượng, và giết cả họ của Đăng; bèn giữ Quy Nhơn, dựng hiệu cờ Tây Sơn, chia đặt Trung, Tiền, Tả, Hữu, Hậu 5 đồn, cùng đánh nhau tiến đến địa giới Quảng Nam. Việc đến tai Duệ Tông, Duệ Tông sai bọn Chưởng cơ là Nguyễn Cửu Thống, Nguyễn Cửu Sách, Tổng Nhung là Tống Sùng, tán lý là Đỗ Văn Hoảng đi đánh; quân đến bến Bản Tân ( thuộc Quảng Nam ) giặc dựa vào luỹ để chống lại, quân ta đánh đuổi phải chạy; giặc lui giữ Thạch Tân; bèn nhân thế thắng đuổi dài mãi, gặp có quân phục, bọn Thông thua chạy, Sùng và Hoảng đều chết ở trận, bởi đấy thế giặc càng hung hăng. Người buôn nước Thanh là bọn Tập Đình, Lý Tài cũng đều họp bọn lũ để ứng theo. Nhạc kết làm viện trợ, gọi là Tập Đình Trung nghĩa quân, Lý Tài Hoà nghĩa quân. Lại lấy người thổ trước cao lớn, cạo đầu dóc tóc, lẫn lộn với người Thanh. Lúc đánh thì cho uống rượu say, cởi trần, đeo giấy vàng giấy bạc vào cổ, để tỏ ý tất là chết; thường làm quân tiền sung, quan quân không thể chống được.
Tháng 12 năm ấy, tiết chế là Tôn Thất Hương đem Nội quân và các thân binh đi đánh, tiến đến núi Bình Khê ( thuộc huyện Phù Mĩ trấn Bình Định ), bị quân phục của tướng giặc là Tập Đình, Lý Tài giết chết; còn quân đều tan vỡ cả. Nhạc tiến giữ Quảng Ngãi, cai cơ là Tôn Thất Mân ( con Tôn Thất Tĩnh ) chống đánh không được, dẫn quân về. Nhạc lại sai bọn lũ lấn cướp các phủ Diên Khánh, Bình Khang. Từ đấy, từ Quảng Ngãi trở vào Nam đến Bình Thuận, đều là đất của Nhạc cả. Nhạc lại lấn cướp Quảng Nam, quân ta nhiều lần đánh không lợi, chỉ có cai đội là Nguyễn Cửu Dật đem quân đánh úp, quân giặc sợ chạy tan, lui về giữ xứ Thiên Lộc ( tên đất, ở bờ bên Nam Sài Thị ) giữ chỗ hiểm đặt đồn làm kế cầm cự lâu dài.
Mùa xuân năm Giáp Ngọ, sai Tôn Thất Thăng ( con Tôn Thất Tứ ) điều bát các quân đến đánh, Thăng sợ thế giặc to, bỏ cả quân liền đêm chạy về. Mùa hạ năm ấy, lưu thủ Long Hồ là Tống Phúc Hợp, cai bạ là Nguyễn Khoa Tuyền coi lĩnh tướng sĩ 5 doanh và làm tờ hịch mộ quân ứng nghĩa các đạo, quân thuỷ quân bộ đều tiến đánh nhau với giặc, giặc bị thua, lấy được ba phủ Bình Thuận, Diên Khánh, Bình Khang, quân đóng ở Văn Phong, liền tiến lấy được Phú Yên; quân bộ đóng ở Xuân Đài, quân thuỷ đóng ở Lâm Đàm, cùng chống cự với giặc. Khi ấy, Nhạc xâm lấn Quảng Nam, quan quân nhiều lần đánh không được. Duệ Tông lại sai Nội hữu chưởng doanh là Tôn Thất Nghiễm đem đại binh vào Quảng Nam thống lĩnh các đạo đánh giặc; gặp khi quân của họ Trịnh xâm lấn vào Nam đến châu Bắc Bố Chính, thủ biên giới cáo cấp, bèn triệu Tôn Thất Nghiễm về cho Cửu Dật là Tả quân đại đô đốc, ở lại chống giặc Tây Sơn. Cửu Dật đã làm tướng, liệu thế giặc, chống đánh lấy được, thường đánh hơn mười trận, đều được cả. Quân giặc sợ, lui giữ Bản Tân.
Mùa đông năm ấy, quân họ Trịnh phạm đến Đô thành, Duệ Tông chạy đi Quảng Nam, sai Hoàng Tôn Dương đi trước qua ải Hải Vân. Mùa xuân năm Ất mùi, vua đóng ở xứ Giá Tân, cho triệu Cửu Dật đến hành tại bàn việc. Bèn sách lập Hoàng Tôn Dương làm Đông cung, coi quân đánh dẹp. Cửu Dật ở vài ngày, Nhạc sai bọn Lý Tài đem thuyền quân ra cửa biển Đại Áp, Nhạc đi men núi ra sông Thu Bồn, hai đường đến xâm phạm, Cửu Dật cùng giặc đánh nhau không lợi, chạy đến núi Trà Sơn, Duệ Tông chạy đi Gia Định, để Đông cung lại lui đóng đồn đất Câu Đê để hệ thuộc lòng người. Nhạc mưu muốn đón Đông cung lập lên nhà thế lực để mê hoặc dân chúng. Bèn sai bọn lũ là thống suất Diện, tiền phong Tường đem 2000 quân đóng đồn ở các xứ thuý Loan, Bố Bản làm thượng đạo; Tập Đình, Lý Tài đem 2000 quân đóng đồn ở xứ Ba Độ làm trung đạo, đốc chiến phong, hổ tướng Hân đem 2000 quân đóng đồn ở Hà Thân làm Hạ đạo; giao ước rằng ai đón được Đông cung thì được công cao hơn hết. Đông cung sai người dỗ bảo bọn Diện và Tường vào Nam, bọn Diện đều chịu mệnh. Đông cung đi đến xứ Ô Dã, Lý Tài bức bách đón về Hội An. Quân của Ngũ Phúc đi qua núi Hải Vân, Nhạc sai Tập Đình làm tiên phong, Lý Tài làm trung quân, Nhạc tự làm hậu đội cùng quân Bắc đánh nhau ở Cẩm Sa. Quân của Tập Đình bị quân đột kỵ của Trinh đánh và dày xéo phải chết và bị thương rất nhiều. Nhạc cùng Lý Tài lui về Bản Tân. Nhạc cho Tập Đình người hung bạo khó kiềm chế, nhân lúc thua quân mưu muốn giết đi. Tập Đình sợ chạy sang Quảng Đông, sau bị tổng đốc nước Thanh giết chết. Nhạc bèn đón Đông cung quay về Quy Nhơn, khi ấy, quân Hoàng Ngũ Phúc đóng đồn ở Quảng Nam, quân của Tống Phúc Hợp tiến đến Phú Yên, Nhạc sợ không chống được, bèn thiên Đông cung đến các xứ Hà Liêu, An Thái, đem hết của báu để ở Tây Sơn Thượng để tránh. Bèn sai bè lũ là bọn Phan Văn Tuế cầm thư và vàng lụa xin hàng nộp đất 3 phủ Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Phú Yên cho ngũ Phúc, cầu làm tiểu tướng, làm quân tiền khu cho đại quân tiến lấy Gia Định. Ngũ Phúc nghe cho, bèn tạm bổ cho Nhạc làm Tây Sơn hiệu Trưởng tráng tiết tướng quân, sai bọn Nguyễn Hữu Chỉnh mang sắc ấn cờ gươm để cấp cho. Nhạc lại sai người đến quân thứ của Phúc Hợp xin hàng, muốn mượn tiếng là hưng phục lại, bèn đón Đông cung về Bồng Giang, tiến con gái là Thọ Hương. Nhiều lần xin Đông cung chính vị ngôi vương, Đông cung không nghe. Vừa gặp sứ của Phúc Hợp sai đến, Nhạc đặt sập sân rồng ở gian chính giữa,nước Đông cung ngồi quay mặt hướng Nam, bên tả thì bọn Nhạc đứng hầu, bên hữu thì bọn Tôn Thất Chất đứng hầu, để ra mắt sứ giả. Nhạc nhân nói rằng: tướng sĩ 5 doanh nghìn dặm giúp việc nhà vua, có thể gọi là có lòng trung nghĩa phân phát vậy. Nay đã trừ được tên Quốc Phó, nên nước Hoàng tôn lập lên để định nghiệp lớn, đó là công lớn muôn đời, nên cùng tướng sĩ mưu tính việc ấy, Sứ giả nói: mình công có tâm giúp đỡ như thế, tiếng ấy đi đến đâu, ai là chẳng hướng theo. Nay quân 5 doanh đến, nên đóng ở chỗ nào ? Nhạc ngẫm nghĩ hồi lâu nói rằng: cái đó do Điện hạ xử trí, chúng tôi xin theo mệnh lệnh thôi. Đông cung nói rằng: bọn người điều độ thế nào cho khéo. Nhạc lặng yên. Bãi triều, Nhạc làm thư giản ước, giao sứ giả mang về. Lại sai Tôn Thất Chất vào Phú Yên đem ý phù lập Đông cung, giữ yên xã tắc để dỗ dành hợp tin lời, không đặt phòng bị. Nhạc sai Huệ đánh úp, phá vỡ được, cai đội Nguyễn Văn Hiền chết ở trận; bắt được cai cơ Nguyễn Khoa Kiên đem về, để lại Lý Tài đóng đô ở Phú Yên ( Nhạc dụ Kiên hàng, Kiên không theo, Nhạc liền giết chết ) Phúc Hợp lui giữ Vân Phong. Lý Tài rồi sau đến chỗ quân của Phúc Hợp đầu hàng. Hoàng Ngũ Phúc tiến đóng ở Châu Ô ( đầu địa giới Quảng Ngãi ). Nhạc đem công đánh phá Phú Yên xin với Ngũ Phúc, Ngũ Phúc tạm cho Huệ làm Tây Sơn hiệu tiên phong tướng quân. Gặp bệnh dịch phát ra, quân họ Trịnh chết quá nửa, Ngũ Phúc bèn dẫn quân về Phú Xuân rồi ốm chết ở đường.
Mùa đông năm ấy, Tôn Thât Quyền, Tôn Thất Xuân khởi quân ở Quảng Nam, lấy Trương Phúc Tá làm mưu chủ. Lại có người buôn nước Thanh tên là Tất đem của nhà hàng ức hàng vạn để giúp, thế quân lừng lẫy chiếm giữ hai phủ Thăng, Điện, Nhạc đem hết quân chống đánh, cùng giữ nhau hơn 2 tháng. Gặp năm đói, quân lính của Quân thiếu lương ăn, Nhạc đánh phá được, quân đều tan vỡ cả. Nhạc để bọn lũ là Nguyễn Văn Duệ giữ Quảng Nam, tự dẫn quân về Quy Nhơn.
Mùa xuân năm Bính Thân, Nhạc sai em là Lữ làm tiết chế, đem quân thuỷ vào xâm lấn Gia Định. Duệ Tông chạy đi trấn Biên ( nay là Biên Hoà ) Lữ giữ Sài Gòn ( tức là Gia Định ). Gặp Đỗ Thanh Nhân ở đạo Đông Sơn nổi quân, lấy lại Sài Gòn, Lữ cướp lấy thóc kho chở về Quy Nhơn.
Tháng 2, Nhạc đắp thêm thành Đồ Bàn tiếm xưng là Tây Sơn Vương, đúc ấn vàng, vẫn khuyết vẹt mãi, ba lần đúc mới nên. Cho Lữ làm thiếu phó, Huệ làm phụ chính; còn các bọn lũ đều cho làm quan chức của nguỵ. Bèn thiên Đông cung đến chùa Thập Tháp, Đông cung nhân khi sơ hở vượt biển vào Gia Định. Khi ấy, hàng tướng là Hoà Nghĩa, Lý Tài giữ núi Chiêu Thái để làm phản, nghe Đông cung đến bèn dẫn binh xuống Sài Gòn lập Đông cung làm Tân Chính Vương; Tôn Duệ Tông làm Thái Thượng Vương.
Năm Đinh Dậu ( 1777 ), Nhạc sai bề tôi là Đỗ Phú Tuấn sang sứ họ Trịnh yêu cầu cho tiết việt coi trấn Quảng Nam. Trịnh Sâm cũng chán việc binh, bèn cho Nhạc làm Quảng Nam trấn thủ tuyên uý đại sứ, phong làm Trung quốc công.
Nhạc lại sai Lữ và Huệ chia đi đường thuỷ đường bộ đến xâm lấn Gia Định. Lý Tài chống cự, quân tan vỡ, Tân Chính Vương lui giữ Trà Tân ( thuộc Định Tường ) lại xuống Ba Vượt ( thuộc Vĩnh Long ). Thái Thượng vương chạy đến đền Long Xuyên ( thuộc Hà Tiên ), bọn Huệ đuổi theo kịp, đều bị hại cả. Lữ và Huệ dẫn quân về Quy Nhơn, để bọn lũ của Nguỵ là tổng đốc Chu, hổ tướng Hãn, tư khấu Uy, điều khiển Hoà, cai cơ Chấn ( đều chép thiếu họ ) giữ Gia Định.
Mùa đông năm ấy, Thế tổ ta dấy quân ở Long Xuyên tiến lấy lại Sài Gòn, bọn chu thua chạy về Quy Nhơn.
Năm Mậu Tuất ( 1778 ), Nhạc tự lập làm đế, niên hiệu nguỵ là Thái Đức năm thứ I, gọi thành Đồ Bàn là thành Hoàng đế, lấy Lữ làm tiết chế, Huệ làm Long nhương tướng quân. Lại sai tổng đốc Chu, tư khấu Uy, hộ giá Phạm Ngạn, đem thuỷ sư lấn cướp trấn Biên ( nay là Biên Hoà ) Phiên trấn ( nay là Gia Định ) các địa phương ven biển. Thế tổ tự làm tướng đi đánh. Đỗ Thanh Nhân chém chết tư khấu Uy ở Ngưu Chử; tổng binh là Nguyễn Văn Hoàng tiến đóng ở Lộc Dã, chém chết tướng của Nhạc là Liêm và Lăng ( 2 người đều chép thiếu họ), Phạm Ngạn thua chạy, quân ta nhân thế thắng lấy lại Bình Thuận, tiến đến sát phủ Diên Khánh.
Năm Canh Tí ( 1780 ), ( Lê Cảnh Hưng năm thứ 41. Thanh năm Kiền Long thứ 45 ). Thế tổ lên ngôi vương ở Sài Gòn. Năm Nhâm Dần Đỗ Thanh Nhân có tội bị giết chết, Nhạc nghe thấy mừng nói rằng: ʽʽ Hữu Phương ( tên riêng của Thanh Nhân) chết rồi, các tướng khác không đáng lo nữaʼʼ. Bèn cùng Huệ đem vài trăm chiếc thuyền chiến vào cửa biển Cần Giờ, đánh nhau ở sông Thất Kỳ, quân ta đánh không lợi, lui giữ ở Tam Phụ. Bấy giờ Nhạc lại chiếm cứ Sài Gòn. Mùa hạ tháng 4, tiết chế ở Bình Thuận là Tôn Thất Dụ đem quân đạo Hoà Nghĩa vào cứu viện, chém chết Phạm Ngạn ở cầu Tham Lương. Nhạc giận đạo quân Hoà Nghĩa giết Phạm Ngạn, phàm người nước Thanh không kể là quân hay dân hay người buôn bán, bắt hết chém đi, vất xác đầy sông. Khi ấy vua chạy đến Lã Phụ, Đô đốc của nguỵ là Học đuổi theo sau, bị tướng của ta là Nguyễn Kim Phẩm chém giết, còn quân chúng tan vỡ chạy cả. Quân của Huệ chợt đến, bày trận quay lưng xuống nước, quân ta phải lui. Vua chạy đi đảo Phú Quốc, Nhạc dẫn quân về Quy Nhơn, để Đông Sơn hàng tướng là Đỗ Nhàn Trập, Hộ bộ là Bá ( chép thiếu họ ) giữ Gia Định. Mùa thu tháng 8, Chưởng cơ là quận công Chu Văn Tiếp từ Phú Yên vào viện trợ, bọn Nhàn Trập thua chạy. Vua trở về Gia Định. Năm Quý mão ( 1783 ), Lữ và Huệ lại xâm lấn Cần Giờ, ngược dòng mà lên, quân Văn Tiếp bị vỡ. Vua chạy đi Tam Phụ. Nguyễn Hoàng Đức đi sau cùng, bị giặc bắt được. Vua chạy đi đảo Côn Lôn. Phò mã của nguỵ là Trương Văn Đa đem thuỷ binh đến gặp gió mưa, ban ngày tới, thuyền của Tây Sơn quân nhiều bị trôi dạt và lật úp, bị đắm, thuyền vua lại trở về đảo Phú Quốc. Huệ trở về Quy Nhơn, sai Văn Đa giữ Gia Định.
Năm Giáp thìn, Thế tổ sang nước Xiêm, đem quân của Chiêu Tăng, Chiêu Sương đến, giặc trông thấy bong gió bỏ chạy cả. Quân ta bèn đóng ở Long Hồ. Văn Đa cáo cấp, Huệ lại dẫn quân đến, đánh vài lần không lợi, muốn dẫn quân về; có kẻ bề tôi làm phản là Lê Xuân Giác xui Huệ xem hết quân mạnh phục ở Suy Miệt(2) ( thuộc Định Tường ) ở Lâm Giang đặt kế để dụ quân nước Xiêm nhân thế thắng xuống thẳng Mĩ Tho, thuỷ quân lục quân của Huệ đánh úp, quân Xiêm thua to, chỉ còn vài nghìn quân tàn, do đường thượng lộ trở về.
Năm Ất tị, Thế tổ lại sang Xiêm. Huệ để nguỵ đô uý là Đặng Văn Chấn giữ Gia Định rồi về. Trước kia, đô thành bị quân họ Trịnh chiếm cứ, Hoàng Ngũ Phúc chết rồi, đem Bùi Thế Đạt thay trấn, Thế Đạt về lại đem Phạm Ngô Cầu thay làm trấn thủ. Nhạc muốn lấy đã lâu mà chưa có cơ hội. Năm Bính ngọ, Ngô Cầu sai thuộc hạ Nguyễn Phu Như đến Tây Sơn xem hư thực thế nào. Phu Như cùng Nguyễn Hữu Chỉnh vẫn quen nhau. Hữu Chỉnh hỏi Phu Như nói cho Chỉnh biết tình trạng có thể lấy được. Hữu Chỉnh là môn thuộc của Hoàng Ngũ Phúc. Ngũ Phúc sai đi sứ đến chỗ Nhạc, Nhạc có phần coi trọng Hữu Chỉnh, sai Chỉnh thuộc theo Hoàng Tố Lý. ( Tố Lý là con nuôi Hoàng Ngũ Phúc ). Kịp khi Tố Lý bị kiêu binh Tam phủ giết, Chỉnh ở Nghệ An, nghe có biến, sợ bị bắt, bèn mang gia quyến vượt biển đến với Nhạc, bàn kế hoạch cho Nhạc, nói gì Nhạc cũng theo cả. Kịp khi Phu Như đến, Chỉnh đem lời nói của Phu Như nói với Nhạc, bấy giờ, Nhạc cho Huệ làm tiết chế các quân thuỷ bộ, Chỉnh làm Đô đốc Hữu quân, con rể là Vũ Văn Sỹ ( có chỗ chép là Nhậm ) làm Đô đốc Tả quân; Lữ đem thuỷ quân kế tiếp tiến đi. Tháng 5, Huệ tiến lấy được Đô thành, sai Lữ ở giữ, mà tự đem thuỷ binh tiến thẳng lấy được Bắc Hà, đưa thư về báo ( lời trong thư chép ở truyện Huệ ). Nhạc không bằng lòng, sai người ngăn lại thì thuyền quân của Huệ đã vượt biển rồi. Kịp khi nghe tin Huệ lấy được thành Thăng Long, Nhạc cả sợ, cho là Huệ giữ quân ở ngoài, không thể dùng một mảnh giấy mà triệu về được, bèn đem 500 thân binh kịp đến Phú Xuân, chọn thêm quân tinh nhuệ đi gấp đường đến mau. Khi ấy, Lê Hiển Tông đã mất, cháu đích tôn là Lê Duy Kỳ nối ngôi, ( tức là Chiêu Thống đế ), nghe tin Nhạc đến, đem trăm quan ra ngoài cõi để đón. Nhạc đuổi quân đi mau, sai người đến nói là hôm khác sẽ đến ra mắt. Ngày hôm sau, Chiêu Thống đế thân đến chỗ Nhạc, Nhạc chấp tay đứng trên thềm, sai Huệ xuống thềm để đón rước. Nhạc ngồi ở giữa, Chiêu Thống đế ngồi hướng về bên đông; Huệ ngồi hướng về bên tây. Chiêu Thống đế thong dong yên ủi tạ ơn xin cắt mấy quận ấp, khao thưởng tướng sĩ. Nhạc đáp rằng: vốn vì họ Trịnh chuyên chế, cho nên mới làm việc tôn vua phù nhà Lê này; nếu đất của họ Trịnh thì một tấc không để, nếu như đất nhà Lê, một tấc cũng không dám lấy, chỉ mong tự hoàng phân phát giềng mối nhà vui, giữ yên trong cõi, đời đời hoà mục giao hảo với nước láng giềng, đó là phúc của hai nước vậy.
Nhạc khi mới đến Thăng Long, trong ngoài ngờ sợ, hoặc có kẻ khuyên Chiêu Thống đế dâng biếu xin hàng; đến đây tình người mới yên. Nhạc ở lại mười ngày, rồi đem Huệ và tướng sĩ trở về Nam. Lấy từ núi Hải Vân trở ra ngoài thuộc về Huệ và làm Bắc Bình vương; Gia Định thuộc về Lữ làm Đông Định vương, mà tự xưng là Trung ương Hoàng đế.
Nhạc đã đắc chí, ngày càng dâm ô, bạo ngược giết Nguyễn Thung, lại thông dâm với vợ Huệ, người đều chê là xấu. Việc đi xâm lấn miền Bắc, của báu ở phủ chúa Trịnh, về cả tay Huệ, Nhạc đòi không cho, Huệ muốn lấy cả đất Quảng Nam, Nhạc cũng không cho, mới thành ra cừu thù hiềm khích nhau. Huệ bèn truyền hịch kể tội ác của Nhạc, đến nổi bảo Nhạc là giống sài lang chó lợn. Hịch văn có câu nói rằng: ʽʽ tội không gì lớn là giết vua(3), sao có thể một sớm khinh suất can không nghe thì đổi ngôi, thực quan hệ đến sự yên nguy muôn đờiʼʼ.
Tờ hịch ấy là nguỵ Lại bộ Hồ Đông làm ra. Nhạc xem thấy cả giận, bèn sửa quân đánh nhau, Huệ tự cậy là thế lỡn, dẫn quân đánh thẳng vào Quy Nhơn bao vậy vài tháng. Nhạc đóng chặt thành tự giữ. Huệ đắp núi đất đặt súng lên để bắn, đạn rơi vào trong thành lớn như cái đầu, Nhạc sai người nhặt lấy, khóc và tố cáo ở nguỵ miếu. Tướng của Nhạc là Đặng Văn Chấn ( có tên là Trấn ) từ Gia Định về viện trợ, đi đến Phú Yên, bị Huệ bắt được. Nhạc bèn ở trên thành gọi Huệ bảo rằng: ʽʽ nồi da nấu thịt lòng em sao nỡ thếʼʼ . Cùng hướng vào nhau khóc rống lên hồi lâu, rồi đều giải quân giảng hoà, lấy Bản Tân làm giới hạn, từ Quảng Ngãi trở vào Nam thì Nhạc làm chủ; từ phủ Thăng, phủ Điện trở ra Bắc, thì Huệ làm chủ; đó là mưu kế của người bề tôi yêu của Huệ là Trần Văn Kỷ bày ra. Nhạc cũng đã cùng Huệ có hiềm khích, từ đây ở trong cùng phòng bị nhau, không kịp nhòm đến miền Nam nữa.
Năm Đinh mùi (1787 ), Thế tổ từ nước Xiêm trở về, tiến đến cửa biển Cần Giờ, Lữ lui giữ Lượng Phụ ( thuộc Biên Hoà ), nguỵ thái bảo là Phạm Văn Tham giữ Sài Gòn, quân ta đánh không hạ được; bèn giả làm một thư của Nhạc nói là Tham kiêu hoạnh, sai Lữ đặt kế để giết đi; rồi giả cách đưa lầm thư ấy đến chỗ Tham. Tham cả sợ, tức thì giả cách dựng cờ trắng lên, đem quân xuống Lượng Phụ. Lữ ngờ Tham đã đầu hàng, bèn chạy về Quy Nhơn, rồi chết. Tham sau sức kém đều hàng rồi lại mưu làm phản, bị giết chết.
Mùa đông, năm Mậu thân, Chiêu Thống đế dẫn quân nước Thanh vào giữ thành Thăng Long. Huệ xưng là Hoàng đế, cất quân ra miền Bắc, vua Lê chạy ra khỏi nước, Huệ bèn có cả cõi đất nước An Nam ( lời nói chép ở truyện của Huệ ).
Khi ấy, Thế tổ ta đã lấy được Gia Định, nhân thế thắng lấy lại Bình Thuận, Bình Khang, Diên Khánh, thanh thế lừng lẫy lên. Nhạc thế ngày càng cùng quẫn, chỉ bo bo giữ được Quy Nhơn, Quãng Ngãi, Phú Yên thôi. Mùa thu năm Nhâm tí, Huệ chết, con là Quang Toản nối ngôi nguỵ. Nhạc nghe tin Huệ chết, thân đem liêu thuộc hơn 300 người cùng với em gái đến hỏi thăm, đi đến đầu địa giới Quảng Ngãi bị đồn tướng của Huệ ngăn trở. Nhạc lại về Quy Nhơn, sai một mình em gái đi.
Năm Quý sửu (1793 ), quân ta vây sát thành Quy Nhơn. Nhạc sai con là Bảo chống cự, quân thua tan vỡ chạy cả. Khi ấy Nhạc đã bị bệnh, đưa thư đến Phú Xuân cáo cấp. Toản sai nguỵ thái uý là Phạm Công Hưng, Hộ giá Nguyễn Văn Huân, Đại tư lệ là Lê Trung, Đại tư mã là Ngô Văn Sở, đem 17000 bộ binh, 80 thớt voi; đại thống lĩnh là Đặng Văn Chân đem hơn 30 chiếc thuyền quân, chia làm 5 đạo vào cứu viện. Quân ta giải vây về. Bọn Hưng vào thành Quy Nhơn, Nhạc đem vàng bạc mỗi thứ một mâm khao quân. Hưng bèn biên các kho tàng thu lấy giáp binh mà giữ lấy thành. Nhạc giận bậc thổ ra máu chết ( tiếm vị 16 năm ). Toản phong con Nhạc là Bảo làm Hiếu công, cắt cho một huyện Phủ Ly để làm ấp ăn lộc, gọi là Tiểu tiều. Mẹ Bảo nói khích bảo rằng: ʽʽkhai thác cõi đất đều là công cha mày, nay chỉ ăn lộc có một huyện, nếu sống mà chịu nhục chẳng thà chết còn hơnʼʼ. Hưng rồi sau bị bệnh về Phú Xuân. Nguỵ thị trung tham mưu là Bùi Đắc Trụ ( là con thái sư Bùi Đắc Tuyên ), cùng Nguyễn Văn Huấn, Lê Trung cùng nối nhau ở lại giữ, tiếng là giúp Bảo, kỳ thực là ngầm ức chế Bảo. Bảo đã bị Toản bóc lột, lại bị bọn Trung hiếp chế, rất không bằng lòng.
Mùa hạ năm Đinh tị, Thế tổ ta thân đốc quân thuyền vào cửa biển Thi Nại, đánh không hạ được, bèn tiến đóng quân ở trấn Đà Nẵng thuộc Quảng Nam, sai người mật dụ Bảo rằng: Nay quân ta tiến lấy Quảng Nam, rồi sẽ lấy Quy Nhơn, ngươi muốn rửa thù cho cha ngươi, nên chiêu tập quân cũ, đợi khi quân ta đến dưới thành, thì giết Lê Trung để đón quân vua, đổi tội lập công, ở việc làm ấy, chớ cho là tội của cha lây đến con mà ngờ vực, ta quyết không giết người đầu hàng đâu, phải nên liệu tình đấy.
Mùa thu, quân ta về Gia Định. Bảo từ khi được mật dụ ấy, ngầm có chí quy thuận. Năm Mậu ngọ, Trung nghe tin thiếu phó là Nguyễn Quang Diệu cùng với các tướng không hoà mục với nhau, bèn tự đem quân trong bộ thuộc về Phú Xuân để Uyên thành hầu ( không chép tên ) ở lại giúp Bảo, Bảo bèn giam Uyên thành hầu mà giữ lấy thành, sai Đô đốc là Đoàn Văn Cát, Nguyễn Văn Thiệu giữ Phú Yên thị, dâng biểu xin đầu hàng ta; và nói rằng: trước kia Vi Tử chạy về nhà Chu, Trương Lương về với nhà Hán, thực cho là mệnh trời đã thuộc về Chu, Hán. Xin đại binh đến ngay tình nguyện làm quân tiền khu. Thế tổ nhận tờ biểu, sai bọn Nguyễn Văn Thành đến tiếp ứng. Quân ta chưa đến, Toản đã đem binh vây thành, bắt Bảo về, cho uống thuốc độc giết chết.
(Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện, Quyển 30, Truyện Chép Về Ngụy Tây, Bản dịch của Viện Sử Học, Nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế 1993, ( tr.491 – tr.503)).
(1) Thịnh Đức: niên hiệu của Lê Thần Tông ( 1653 – 1657 )
(2) Suy Miệt ở miền trong thường gọi là Soài Mít.
(3) tức là giết Duệ Tông.