Trong bài tựa cho tác phẩm này, chúa Nguyễn đã có những ngôn từ khá cẩn trọng : “…Từ mùa Xuân năm Ất Hợi, Hòa thượng qua đến nơi, lưu lại đến mùa Hạ năm Bính Tý, được gần gủi hôm sớm, cung dưỡng chuyện trò; sau những giảng luận thiền kinh, còn chỉ vẻ luân thường cương kỷ, từ việc lớn đến việc nhỏ, rạch đường chỉ nẻo, lời lẽ rõ ràng; khác nào dắc (sic) người từ trong chỗ tối tăm, đem ra nơi thanh thiên bạch nhật; giúp ích cho quả nhơn trong việc chính trị nhiều biết chừng nào….”
(Hải ngoại kỷ sự - Viện Đại học Huế - 1963 - trang 10).
Chân dung HT Thích Đại Sán
“Thời xưa trong việc võ bị, chẳng phân biệt binh với dân, lúc quốc gia vô sự, người dân được an cư nơi vườn ruộng, lo việc cấy cày, đến lúc có chiến tranh sẽ gọi ra nhập ngũ… Nay nghe, dân trong nước một lúc đã biên tên sổ lính, trọn năm phải phục dịch cửa quan, chẳng được về làng thăm viếng vợ con, cha mẹ; tuy chúng sợ phép chẳng dám làm trái, nhưng trong lòng sao khỏi oán hờn. Sao chẳng cho quân sĩ luân phiên thao diễn, mỗi năm, hoặc nửa năm, hoặc một quý, cho ở quan phủ phục dịch huấn luyện, rồi cho thay phiên nhau về làng cày cấy, đoàn tụ với gia đình…”
(Hải ngoại kỷ sự - sđd - trang 52-53).
Thích Đại Sán đã miêu tả Hội An bằng một bút pháp sinh động như sau:” …Vì Hội An là một mã đầu lớn, nơi tập hợp của khách hàng các nước; thẳng bờ sông, một con đường dài ba bốn dặm, gọi là Đại-Đường-Cái, hai bên đường hàng phố ở liền nhau khít rịt, chủ phố thảy đều người Phúc Kiến, vẫn ăn mặc theo lối tiền triều (nhà Minh). Phần đông phụ nữ coi việc mua bán. Những khách trú ở đây hay cưới vợ bản xứ cho tiện việc thương mãi. Cuối đường là cầu Nhật Bản, tức Cẩm Phố; cách bờ bên kia tức Trà Nhiêu, nơi đỉnh bạc của các tàu ngoại quốc. Nhân dân đông đúc, cá tôm rau quả tập họp mua bán suốt ngày. Thuốc Bắc hay các món hàng khác, tìm mua ở Thuận Hóa không có thì người ta vào mua ở đây…”
(Hải ngoại kỷ sự - sđd - trang 154).
Khi đến vương phủ để tương kiến với chúa Nguyễn Phúc Chu, nhà sư nhìn thấy “ … vương phủ, mênh mông không có thành quách, chung quanh trồng tre gai làm rào, trong tre cất một hàng trại lợp bằng cỏ tranh; mỗi trại đều có đặt súng đồng, nặng từ vài trăm cân đến vài ngàn cân, đúc rất tinh xảo, khảm châu sa phỉ túy, văn vẻ sáng ngời … Sau trại súng lại có hàng rào tre gai, phía trong có vòng tường thấp, rộng chừng một, hai dặm, Vương phủ ở trong ấy”
(Hải ngoại kỷ sự - sđd - trang 34).
Hôm ấy, Chúa Nguyễn ngồi trên kiệu có 16 người khiêng…. “ toàn người cao lớn, xõa tóc, mình trần truồng, chỉ có một sợi dây thắt ngang lưng, đeo một vuông vải che đàng trước, quấn lại cột tréo ra sau lưng,,,”
(Hải ngoại kỷ sự - trang 82)
Quân lính tham dự trai đàn đứng thành hai lớp, “…lớp ngoài toàn người cao lớn râu ria, ai râu ít thì kẻ thêm râu giả, đội mão bằng gỗ đỏ thếp vàng, mặc áo đoạn đỏ, cầm kim thương, đứng thẳng hàng khít rịt. Lớp trong toàn thanh niên mạnh mẽ, chít khăn đà-la-ni đỏ, mặc áo nhung lục, cầm kim đao, cũng đứng như lớp ngoài. Cán đao và cán thương đều sơn màu anh đào. Mỗi khi quốc vương (tức chúa Nguyễn Phúc Chu - LN) trong điện bước ra, quân lính đều xây mặt ngó vào. Quốc vương đi vào, thì sắp hàng đứng hai bên đối diện nhau rất thẳng. Ngoài giậu có vài nghìn quân, thế mà trong ngự tọa lặng thinh, chỉ nghe tiếng chim kêu lá rụng mà thôi…”
(Hải ngoại kỷ sự - sđd - trang 82)
Diễn viên ngày hôm ấy là khoảng 40-50 cung nữ, “ người nào cũng thoa son đánh phấn, bận áo hoa màu lục dài phết đất, đội mão vàng giống mão “Thất phật”, hoặc tay cầm nhạc khí, quá nửa giống nhạc khí Trung Hoa, chỉ có yêu cổ (trống đeo lưng) dài độ hai thước, giữa eo nhỏ, hai đầu bằng phẳng lớn hơn, dùng tay vỗ có tiếng vang hùng tráng, như tiếng trống đồng; lại có đàn giống đàn tranh hình vuông dài, giữa trống-bỗng, giăng bốn dây có tua, ôm trên gối, để khảy, âm vận nghe rất thanh tao. Bọn cung nữ nhịp nhàng sắp thành hàng ngũ, âm nhạc hòa tấu, ca nhi hát khúc “Thái liên” (hái sen), ngân giọng chậm rãi cho ăn nhịp với trống đàn, vũ nữ hoa tay múa bộ như đương hái hoa sen vậy….”
(Hải ngoại kỷ sự - sđd - trang 40)
[ Do Lê Nguyễn giới thiệu và trích dẫn)