CÂU CHUYỆN GIẾNG CŨ LẠI TRÒN
Ở trước chùa Kim Tiên(1), phía tây đường Nam Giao(2) ấp Bình An(3) thuộc phủ Thừa Thiên có một cái giếng bỏ hoang. Cỏ tranh rậm rạp, chim rắn náu nương, người hái củi, trẻ chăn trâu cũng không bén mảng đến. Mùa xuân tháng Hai năm nay, vào tiết Kinh Trập, đào mới nở hoa, tôi lại đến kinh đô ở. Thủy thổ […]. Một hôm, dẫn hai ba cụ già trong ấp đi dạo chơi […]. Trời biển mênh mông, tâm hồn thoải mái. Mỗi mô đất, mỗi gốc cây đập vào mắt, càng ngắm càng vui… Vừa đi vừa nghỉ, tôi chợt nghe những người cùng đi với mình lớn tiếng kêu lên: “Ông ơi! Có giếng! Dừng lại đừng tới nữa, nguy đấy!”. Lòng hồi hộp, tôi đứng lại ngay, quay nhìn các cụ hỏi: “Có giếng ư?”. Tôi cảm ơn người làng ngăn lại, may mà thoát khỏi cái nạn kẻ mù rơi tỏm xuống ao sâu.
Rồi tôi thong thả bước đến, rẽ gai góc cúi trong, thì thấy giếng có cái thế hiểm trở, bên trong xếp đá chồng chất lên nhau san sát, rêu bám lổ chổ, rong nổi bồng bềnh, ném vật cứng xuống thì nghe tiếng kêu như ngọc, múc nước lên nếm thì cảm giác thấy ngọt mát. Lòng tôi chuyển nguy thành yên, hướng về các cụ hỏi: “Cái giếng này do ai bắt đầu đào vào thời nào? Vì sao lại bỏ hoang?”. Các cụ đáp: “Những điều ấy, xưa nay trong ấp chúng tôi không nghe ai nói tới […]”. Tôi bảo: “Lạ thay! Cái giếng này chẳng phải là cửa động chơi cõi tiên ở Đào Nguyên, có chi lạ lẫm khôn lường mà bị thất truyền nhỉ ? Than ôi! Đấy là phong thái đào giếng, nghỉ ngơi(4). Người khuất giếng còn, đạo xưa vẫn tỏ, nỡ nào ngồi nhìn nó bị bỏ hoang sao!”. Tôi bèn sai người dẫy cỏ đuổi rắn, sắp xếp đá chồng trên bề mặt, vét bỏ nước dơ dưới đáy sâu, bàn với dân ấp lập bia ghi sự việc, gọi là Cổ kính trùng viên, để làm mới cái cũ mà dựng lại cái đổ nát vậy. Dân ấp đến thưa với tôi rằng: “Giếng này có hai chuyện lạ, xin đều chép vào bia luôn, được không?”. Tôi hỏi: “Chuyện lạ thế nào?”. Đáp: “Nước giếng này, múc uống thì có thể chữa được bệnh dịch, lấp đi thì phát sinh đám cháy. Những điều ấy, người chung quanh đều thấy biết, đúng với lời nói trước kia của thầy bói, há chẳng lạ sao?”.
Nhân đó, tôi dẫn dân làng đi theo đến bên giếng, đè cỏ ngồi xuống đất, nói: “Tôi xin bảo với các cụ rằng sự ấy có thật đấy! Cái gì ta càng ít thấy thì càng cho là lạ. Thuyết giữ gìn nguyên khí của sách Tố nguyên thọ thế trong y học dạy: muốn chữa chứng nóng sốt hoắc loạn thì dùng gừng sống thái mỏng, lấy nước hòa cho tan ra (sao với bột bạch hoạt thạch thủy) mà uống, lành dứt ngay. Nay còn có người múc nước giếng ấy uống mà chữa được bệnh dịch, bởi vì chứng nóng sốt hoắc loạn gặp được nước giếng ấy có cỏ cây che phủ mát mẻ hơn nhiều, chẳng đợi phải hòa tan thêm gì mà riêng nó cũng thành vị thuốc, uống vào có thể giải nhiệt mà dứt bệnh. Chuyện thứ nhất đó cũng chỉ là lẽ thường thôi, có chi lạ! Thuyết Ngọc xích thẩm khí của Trần Hi Di(5) nói: Hỏa Long (rồng lửa) sợ thấy Đoài Canh gặp Bắc thần mà tự hỏng nên đau buồn gây nạn lửa, thấy Tây Đoài mà thương tổn thần hồn. Thuyết ấy có thể suy ra chuyện lấp giếng thì phát sinh các đám cháy.
Nay tôi xin lấy giếng ấy làm điểm trung tâm của vùng ta đối với phương vị ba mặt từ nam đến đông gồm với thuyết Ngọc xích làm lửa phát sinh để ví dụ cho các cụ hiểu. Hãy đi vòng quanh các gò đồi ấp Bình An. Mạch đất đều do núi lửa ở phương Nam quẻ Li […] nổi lên, Tổ (?) rời ngôi điện dưới lầu đi đến đàn Nam Giao làm một trạm dừng của Long Thần ở đoạn giữa, đó là một chỗ nổi lên; núi Thủy Cơ quay về bắc chạy dài đến núi chùa Tường Vân, lại là một chỗ nổi lên. Gò chùa Kim Tiên đều thuộc Đoài Canh phương Tây, xứ đầu gò Kim Long là cái giếng bỏ hoang. Gò chùa Từ Đàm, Thiền Lâm(6) cách khe ở trước mặt giếng đều thuộc Mộc Long quẻ Chấn phương Đông. Đất ấy nhiều đá sỏi chân hỏa; đông tây giúp nhau làm lửa mà không giao nhau.
Quay nhìn núi lửa Tổ phía tây, một nhà ông cháu mẹ con, hơi lửa thông nhau tạo thành một khối lớn lao. Xưa âm bình dương bí, lửa Long Lôi (sấm rồng) chẳng vọng động mà không ngờ sợ gì… Hiềm một nỗi cư dân từ trước đã đào dựng cái giếng này ở chỗ long mạch giao thông khiến cho nước Nhâm Tí (?) chảy lại, do đó kim có chỗ tưới nhuần mà hỏa có cái khắc. Đầu Hỏa ở phương Nam quẻ Li với chân Hỏa ở phương Đông quẻ Chấn ngăn cách không thông. Hỏa Long tự thấy sợ mà dẹp bỏ cái nóng cái sáng vậy. Trong khoảng thời gian ấy, người địa phương phủ lấp giếng này, hơi nóng và sáng của Hỏa Long bị nén lâu ngày chờ dịp phát ra, gặp chỗ trống của khí Kim Long giống như nước ngưng đọng rồi khô cạn đi, khí Hỏa vượt đi lên, Hỏa thành ra nhà Kim Long ở gò Kim Tiên mà bốc cháy. Ở phương Đông quẻ Chấn của gò trước giếng, ở phương đông quẻ Chấn của gò các chùa, rồng gặp nạn lửa, mộc vị và kim hương đều thành ngọc côn, nó có cái không thấy mà tổn thương thần hồn(7). Xem đó thì lấp giếng mà lửa phát sinh cũng là lẽ thường, chẳng có chi là lạ.
Này, trong khoản trời đất, nước lửa là vật có tác dụng lớn. Biển xanh hóa ruộng dâu, thiêu đốt thành tro bụi, ấy là nước và lửa; lên xuống thì làm ra mây mưa, hoạt động thì làm ra sấm sét, ắt là nước và lửa; xéo cho chết là bởi con người, giúp cho sống là nhờ có nước và lửa vậy. Nước và lửa có lòng nào ở chỗ làm ra tro, làm ra sự lạ, huống chi một cái giếng cũ! Người xưa nói: vạch vào gương thì mất vẻ sáng, lọc hết cát mới thấy vàng. Bọn chúng ta qua đấy, suy nghĩ chu đáo mà hiểu ra lẽ ấy, giữ lấy dấu tích ấy, lợi dụng nó để làm cho đời sống dày dặn hơn vậy.
Dân làng vâng dạ mà cáo lui. Tôi cũng trở về nhà, ăn cơm xong, rượu ngà ngà say, nằm bên cửa sổ đông hóng mát. Chợt mơ thấy thần Hỏa Long gặp tôi ở xóm Nam Giao, mời vào trong tạm nghỉ, cho ngồi mà nói: “Rất cám ơn ông Mạnh Khả đã bỏ thì giờ một phen hùng biện về cõi âm, tả rõ cái tính lửa của ta. Ta cùng với các bạn Kim Long, Mộc Long xưa nay mỗi vị theo mệnh trời mà giữ một chức vụ, điều khiển âm dương, giữ gìn khí hậu, cộng tác với nhau để giúp cho đời sống chứ không hề cố ý gây ra nạn lụt, nạn cháy. Nhân cái nóng bị đè nén mà phát động, làm thương tổn cái khí chung của một nhà quyến thuộc. Việc qua rồi mới ăn năn, từ lâu chẳng trọn cái tình bạn bè tốt đẹp, cũng đau xót chứ sao không biết. Các bạn rồng có thể vì ta mà xin quy tụ lại để an ủi ta trong một ngày nào đó. Ông Mạnh Khả đã là một bậc đạt nhân, ắt có thể hiểu mọi chuyện, nếu ông giúp ta sắp đặt trước để được sum vầy; các bạn rồng của ta cũng được hội họp ở nơi cái giếng cũ ấy thì may lắm. Lời ông tuy không phải là châu ngọc, nhưng thông cảm nhau thật sâu sắc vậy!”.
Tôi đứng dậy đáp: “Không dám! Tôi chỉ là một kẻ quê mùa, thẹn mình tri thức ít ỏi, đã lỡ quấy rầy đến chốn linh thiêng. Nay ở góc giếng cổ, ngài nên mở rộng lầu Ngoạn Nguyệt (ngắm trăng), đặt một bữa tiệc thật sang để mời các bạn rồng đến dự, cùng đưa tặng một khoản lớn để củng cố lòng tin của các bạn rồng. Như thế thì nêu lên một việc hay, kẻ hèn này cũng lần đầu tiên được nhìn thấy, thú vị biết bao!”. Thần Hỏa Long gật gù nói: “Hay lắm! Hay lắm! Lạ thay! Lạ thay! Ông Mạnh Khả quả là một bậc Y Long quốc thủ chân chính vậy!”. Tôi bèn từ biệt về ngay.
Bấy giờ vào cuối hè đầu thu, cơn nồng nực đã lui, hoa sen đưa mùi thơm, đêm trăng sáng như gương. Thần Hỏa Long mở rộng lầu Ngoạn Nguyệt, đặt tiệc sang trọng ở gò giếng, sai hai sứ giả Phiêu Hỏa và Tạ Tiên mang hai bức thư son, hai hộc hỏa châu Chiêm Thành, chia đường tìm sang nhà hai thần Mộc Long, Kim Long, vừa đi vừa lạy dâng nạp, hết sức mời các ngài về dự tiệc. Hai thần xem xong hồi lâu mới lên đường. Hai sứ giả đi theo về trình lên, thần Hỏa Long rất sung sướng, lập tức sai mở tiệc và sai bề tôi lấy vành lửa năm vì sao dong ruổi mời khắp các tôn thần Kim Long, Mộc Long, cùng Bắc Thần, Đông Tỉnh Thủy Tinh, Thành Hoàng, Thổ Địa về dự cuộc vui. Các vị tôn thần đã đến, pháo mừng nổ liên tiếp, đỏ thắm đầy đất. Thần Hỏa Long và bà phi xuống thềm ngọc đón tiếp dắt các ngài lên lầu, ngồi xếp bằng vào giường ngọc.
Xích Cước Tử và Hồng Phạm Nhi rót rượu móc ngọc trong veo, quỳ dâng. Thần Hỏa Long đứng dậy, Cầm chén nâng ngang trán, khom mình thi lễ một cái mà nói : “Vô cùng cám ơn. Từ lâu xa cách, nay chưa say thì không về. Xin chúc quý tôn huynh trường thọ”. Thần Kim Long đáp: “Sao đức đã nhóm lại, núi đồng chưa sụp đổ. Xin chúc anh cả và chị cả cùng trường thọ”. Thần Mộc Long nối lời: “Cung rồng khắp nẻo đều vui, rạng rạng rỡ rỡ (gỗ có thể phát ra lửa, lấy chuyện mẹ con cùng một khí nên có lời chúc này), chúc con tiên cháu rồng đời đời dồi dào không dứt”. Thổ Địa dẫn Bắc Thần và Đông Tỉnh Thủy Tinh tiến vào giữa tiệc, đưa ra hoa bốn mùa tốt đẹp, múc nước mới tưới cho ai nấy chung quanh đều thấy mà nói: “Sinh khắc khắc sinh đều là cái hình di động của hai khí trong trời đất. Xin dâng một chén rượu thọ như Ngũ Hành”. Rồi ai nấy ngồi xuống ăn uống.
Lại đốt pháo mừng và xông hương long diên. Tiên đồng hầu việc, Ngọc nữ dâng trà. Chu tước dương cánh múa ở đàng trước, xích xà uốn mình lượn ở đàng sau, tả phụ hữu bật xen nhau, rồng cọp chạy đùa ở giữa. Đồng thời, cây lửa hoa bạc chiếu sáng thấu cung Ngọc Thiềm (trăng). Tố Nga quay nhìn mà thích thú, sai Ngô Cương bẻ một bó hoa quế đỏ cài lên chiếc trâm lưu li, dẫn Phụng […] cỡi chim loan ngũ sắc, vượt không trung đáp xuống, áo quần phơi phới, châu ngọc lung linh, yêu kiều xinh xắn; gót sen bước vào, mĩm cười nói: “Đêm thanh như thế này, thú vị của các ngài chắc chẳng cạn nhỉ! Chị em chúng tôi xin lấy những thứ trong cung đặc biệt chúc mừng”. Bà phi Hỏa Long mời lên ngồi trên, các vị cùng nhau thi lễ. Thần Hỏa Long sai rót rượu bồ đào vào chén dạ quang, lại nâng cao chúc: “Mong hai cô ở cung cấm cõi tiên được xuân tươi mãi mãi”.
Trước lầu, đàn sáo rộn ràng. Bỗng thấy một con cọp có sừng sấn đến, chạy vào giữa đám tiệc, nhảy nhót múa điệu Thương dương, tấu khúc Vũ y, liếc nhìn Tố Nga gật đầu một cái mà nói: “Xin nàng Tiên ban cho tướng quân Hậu Nghệ một viên thuốc trường sinh nho nhỏ, để cùng bay lên thì may lắm”. Hằng Nga ửng hồng đôi má, phun vào mặt cọp một bụm nước lả lớn, mắng: “Cái con cọp này thật vô lễ!”. Cọp há miệng táp một cái rồi chạy trốn. Khắp bàn tiệc ai nấy đều vỗ tay cười lớn, náo động ra đến tận cửa đồn Thuận An, Phùng Di Hầu đã nâng mâm ngọc đỏ lên khỏi lòng sóng biếc(8). Trước lầu, chủ khách từng đôi từ biệt nhau ra về.
Bấy giờ vừa tang tảng sáng, chợt thấy một đám mây hồng ở trời tây, đức Quan Thế Âm ngồi trên đó, xa gọi sơn tăng mà bảo: “Ta biết lắm chứ! Các chùa được trùng tu đẹp như thế này, quả là nhờ sức của học trò vị thánh Trọng Ni ở Đông Sơn đấy”. Rồi ngài vượt qua đài Minh Kính mà đi. Ta quay lại, thấy từ trong nước giếng trên gò vọt lên một vừng sáng, thầy Trần Hi Dĩ ngã trên lừa xuống đường Nam Giao, cười nói: “Thiên hạ bình yên rồi!”. Thần Hỏa Long quay về phía trước cửa sổ đông ngôi sơn trang của ta, vuốt râu khen: “Ông Mạnh Khả không gì là không làm được!”, ném tặng ta một hạt minh châu dưới hàm rồi đi. Ta chợt tỉnh dậy, ghi lại đầy đủ câu chuyện.
Ôi! Cuộc phế hưng của một cái giếng kể cũng tầm thường. Một nước một lửa mà tạo nên điềm lành, chuyện lạ, lẽ ấy chẳng có gì quái đản. Nhưng thầy bói đã nói theo lời mách bảo của thần, người làng nghe chuyện cái giếng bỏ hoang cứ đinh ninh thế mà không ai biết cách giải thích. Ta cũng chẳng quan ngại gì lấy đạo y, đạo đất, đạo thần làm đạo đời, có thường có biến, có lên có xuống, có mới có cũ, có phế có hưng mà thuyết pháp một hồi để người sau hiểu rõ. Bèn ghi lại những lời ấy, khắc vào đá dựng ở gò, đợi bậc cao minh xem xét sửa chữa cho, để mở rộng đôi mắt nhỏ bé “ngồi đáy giếng trông trời” của ta…
Lời bình của Trừng Giang Binh bộ sư giám quân [Phạm Liệu]: “Câu chuyện này, trong cái nhỏ thấy cái lớn, khá gọi là lạ lùng thú vị. Một bữa tiệc trong lầu rồng tưng bừng lộng lẫy, phong lưu vô cùng, còn hơn cả hội tám vị tiên uống rượu nữa. Cái thú vị ấy ngay người tỉnh cũng truyền cho nhau biết”.
Ấn Nam Nguyễn Mạnh Khả làm chức Hiệp tá về hưu, rửa tay viết khắc(9).
CHÚ THÍCH
- Kim Tiên: một ngôi chùa cổ do Bích Phong lão hòa thượng khai sơn khoảng nữa cuối thế kỉ XVIII, hiện ở phía tây đường Điện Biên Phủ. Tương truyền bà Vũ Hoàng hậu Lê Ngọc Hân, vợ vua Quang Trung Nguyễn Huệ, đem hai con ra ở đấy sau khi vua qua đời.
- Đường Nam Giao: nay là đường Điện Biên Phủ, chạy thẳng từ bờ sông Hương đến đàn Nam Giao, được làm từ năm 1897, gọi là Nam Giao tân lộ, để thay đường cũ (Nam Giao cựu lộ) tức nay là đường Phan Bội Châu, từ Bến Ngự lên đàn Nam Giao.
- Ấp An Bình: do dân xã Phú Xuân trưng mại và khai thác vùng Lâm Lộc thành lập khoảng năm 1840, nay thuộc địa phận phường Trường An, thành phố Huế.
- Đào giếng, nghỉ ngơi: cuộc sống yên ổn, thanh bình, do câu hát cổ của người dân đời vua Nghiêu “Mặt trời mọc thì đi làm, mặt trời lặn thì về nghỉ. Đào giếng mà uống, cày ruộng mà ăn. Sức nhà vua có làm gì cho ta đâu”.
- Trần Hi Di: Trần Đoàn hiệu Đồ Nam, người cuối đời Ngũ quý (hay Ngũ đại: Hậu Lương, Hậu Đường, Hậu Tấn, Hậu Hán, Hậu Chu) sang đầu đời Tống (cuối thế kỉ X - đầu thế kỉ XI), gặp thời loạn, không cầu danh lợi, ở ẩn tại núi Hoa Sơn, từng nằm ngủ hơn trăm ngày. Khi Tống Thái Tổ lên ngôi, ông đang cỡi lừa, cười ngất đến nỗi ngã xuống đường, đứng dậy nói: “Thiên hạ thái bình rồi!”. Vua mời ra làm quan, ông từ tạ, vua bèn ban hiệu Hi Di tiên sinh.
- Từ Đàm, Thiền Lâm: hai ngôi chùa gần nhau ở trên gò Bình An. Chùa Từ Đàm, tên cũ Ấn Tông, do sư Minh Hoằng Tử Dung khai sơn khoảng cuối thế kỉ XVII. Chùa Thiền Lâm cũ ở vị trí khác, do sư Khắc Huyền khai sơn khoảng cuối thế kỉ XVII, Thái sư Bùi Đắc Tuyên thời Tây Sơn từng dùng làm tư dinh và công quán; cơ sở hiện nay thì được xây dựng cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX.
- Đoạn văn trên chứa nhiều từ ngữ chuyên môn của giới phong thủy, chúng ta không cần phải hiểu biết hết. Mục đích của tác giả là giải thích nguyên nhân của nhiều vụ hỏa hoạn trong vùng thời bấy giờ. Nhân dân cho rằng vì lấp giếng nên các đám cháy mới xảy ra (không phải nước giếng dập tắt lửa rất tốt như sách Văn khắc Hán Nôm Việt Nam tóm tắt), còn tác giả thì cho rằng vì lấp giếng, nước ứ đọng lại một chỗ, khí lửa không bị kiềm chế, nên phát ra. Dĩ nhiên đấy chỉ là một thứ lí luận mơ hồ, phi khoa học.
- Đại ý của câu này nói mặt trời đã mọc, trời vừa sáng.
- Bản kia cũng như bản dập bị mờ nhiều chỗ. Những chỗ không đọc được chúng tôi tạm thay bằng dấu […]. Tuy vậy, nếu chỗ nào mất ít chữ, theo mạch văn vẫn hiểu được, chúng tôi cứ dịch tạm, còn chỗ nào mất nhiều chữ, chúng tôi cũng đành để khuyết.
L N L