1. Một lần, Hà thắc mắc hỏi chú Chín: “Thưa chú, giúp Tây Sơn có Thất hổ tướng, Ngũ phụng thư, Lục kỳ sĩ mà người đời thường gọi là Thập bát cơ thạch. Vậy, khi triều đại Tây Sơn sụp đổ thì những con người ấy ra sao?”. Tía Hà nhẹ nhàng rầy con, góp chuyện:
“Ban ngày làm rẫy vất vả, đêm cứ thức khuya đọc sách, lâu dài sức đâu con lao động?”.
Rồi tía bảo, hơn ba trăm năm trước, cụ Nguyễn Du còn phải than: “Nhất sinh từ phú tri vô ích, mãn giá cầm thư đồ tự ngu”, nghĩa là, một đời chuyên về từ phú biết là vô ích, sách đàn đầy giá chỉ mình làm ngu mình. Chú Chín đưa tay vỗ lên vai bạn già, ánh mắt hiền từ nhìn cháu Hà bênh vực:
“Huynh có đứa con gái hiếu thảo, quanh năm suốt tháng làm quần quật chứ không phải cái loại nói như rồng leo, làm như mèo mửa, lại mê đọc sách, mà đọc sách chính là mình đang nói chuyện với người xưa. Trời đã ban tặng cho huynh một món quà tuyệt cú mèo đó”.
Nói xong, chú và tía cười khanh khách. Chú bảo rằng phần lớn những danh tướng Tây Sơn đã chết trước khi Nguyễn Ánh tiêu diệt nhà Tây Sơn. Khi Bắc thành thất thủ, Nguyễn Văn Tuyết cùng gia đình tuẫn tiết; Vũ Văn Nhậm lộng quyền bị Nguyễn Huệ giết; Cảnh Thịnh nghe lời Bùi Đắc Tuyên lại giết Quang Thiệu, Lê Văn Trung, Lê Văn Hưng; còn Võ Đình Tú trúng tên chết ở thành Quy Nhơn, Đặng Xuân Bảo tử trận ở Thanh Hóa, Võ Văn Dũng lập mưu giết Bùi Đắc Tuyên, Ngô Văn Sở…
Tía Hà trầm ngâm suy tư, vụt thốt: “Đúng là thời suy quỷ lộng!”. Hà lại truy kích chú Chín: “Vậy, còn ai sống sót sau ngày Nguyễn Ánh lên ngôi không chú?”. Chú chín kể ra một số danh tướng của Tây Sơn thoát khỏi nanh vuốt của Gia Long, như Võ Văn Dũng, Đặng Văn Long, Phan Văn Lân, Phạm Công Chánh, Đặng Xuân Phong, Lê Sỹ Hoàng, Nguyễn Văn Lộc, Nguyễn Quang Huy… Trong số những người này, không ai nuôi chí phục thù và phục dựng triều đại Tây Sơn, trừ Võ Văn Dũng. Tía Hà như bị hút vào câu chuyện:
“Vì sao những khai quốc công thần nhà Tây Sơn, những người bạn, những người từng vào sinh ra tử với Nguyễn Huệ chịu thúc thủ trước Nguyễn Ánh?”. Hà ôn tồn chêm vào:
“Theo con, năm lần Tây Sơn đưa quân vào Gia Định là năm lần Nguyễn Ánh tan tành manh giáp, thiếu sống thừa chết. Nếu nói theo từ thời thượng bây giờ: Nguyễn Huệ đuổi Nguyễn Ánh chạy mất dép! Nhưng khi Nguyễn Huệ rút về Quy Nhơn thì tướng sĩ, ba quân, dân chúng Gia Định lại tựu về với Nguyễn Ánh. Và, Nguyễn Ánh chỉ cần đánh một trận Phú Xuân đã kết liễu triều đại Tây Sơn. Tại sao? Có lẽ, Nguyễn Ánh chính danh, dù Nguyễn Huệ đã hai lần đánh thắng quân xâm lược - thiên hạ mãi nhớ ơn - nhưng lòng thiên hạ bấy giờ thuộc về Nguyễn Ánh!”.
Nghe hai tía con trao đổi lý thú, chú Chín nhịp đùi, châm thuốc hút: “Tui xin mượn lời của tướng Nguyễn Quang Huy nói với tướng Nguyễn Văn Lộc: Trung với một người, một nhà mà làm hại cho dân, cho nước, thì trung ấy, kẻ chân chính không nên nghĩ đến”.
Thời Tây Sơn đã hết. Gia Long hiếu sát và tàn độc đối với Tây Sơn bằng hành động “tận pháp trừng trị”. Người sống không tha, người chết không bỏ. Những người con của Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ như: Quang Toản, Quang Duy, Quang Bàn, Quang Khanh, Quang Tự, Quang Điện, Nguyễn Văn Trị… đều bị voi xé hoặc bị giết bằng những cực hình đau đớn khác. Đó là chưa kể 31 người bị xử lăng trì vì có huyết thống với Nguyễn Huệ. Chưa thỏa mãn, Gia Long nham hiểm ra chỉ dụ: “Hễ ai là bà con tộc thuộc của Tây Sơn ra khai báo, sẽ được trọng dụng bổ làm quan”. Được chỉ dụ của nhà vua, 24 gia đình gốc họ Hồ ở Hưng Nguyên (Nghệ An) như mở tấm lòng, thiệt thà khai báo. Tất cả đều bị thảm sát trong ngày đại tang Tây Sơn, kỵ vào ngày 20 tháng 10 hằng năm! Chưa hả cơn thù hận, Gia Long ra lịnh đào mồ, cuốc mả vua Thái Đức vua Quang Trung, giã nát hài cốt vứt đi. Ba cái đầu của Thái Đức, Quang Trung, Quang Toản cùng bài vị vợ chồng Nguyễn Huệ bị giam vào ngục tối vĩnh viễn. Vợ chồng danh tướng Trần Quang Diệu - Bùi Thị Xuân và gia đình đều chết thảm dưới đòn thù của Gia Long. Ngô Thời Nhậm, Phan Huy Ích bị đánh đòn trước Văn Miếu… (Phan Huy Ích sống, còn Ngô Thời Nhậm chết vì sự trả thù hèn hạ của Đặng Trần Thường). Các con vua Thái Đức: Văn Đức, Văn Lương; con Nguyễn Bảo là Văn Đẩu (cháu nội vua Thái Đức) lẩn trốn khoảng 30 năm tại vùng Mộ Điểu (An Khê); năm 1832, trở về Kiên Mỹ bị chỉ điểm, Minh Mạng bắt giết. Nhổ cỏ dại nhổ tận gốc!
Hà thắc mắc, động cơ gì đẩy Gia Long thành một ông vua hiếu sát? Và sự hiếu sát ấy lên đến cực điểm? Một người trải qua sống chết, đau khổ, được lòng dân và sĩ phu Gia Định; một người nuôi chí lập thân, kiên cường và quyết tâm khôi phục dòng tộc, mà xử sự với Tây Sơn - dù là kẻ thù - như một kẻ tiểu nhân? Hà không tin Gia Long tầm thường đến như vậy!
Đang vẩn vơ suy nghĩ, tía sai Hà nướng khô và đem chai “nước mắt quê hương” để tía cùng chú Chín nhâm nhi. Chú Chín tiếp lời Hà: “Cháu nhớ rằng, từ năm 1776, thế và lực Tây Sơn phát triển không gì ngăn cản nổi. Đông cung Nguyễn Phúc Dương nhờ Lý Tài (Hoa kiều) giúp đỡ trốn vào Gia Định và xưng là Tân Chánh vương. Năm Đinh Dậu 1777 Nguyễn Huệ mang đại quân đánh Gia Định bắt và giết Tân Chánh vương, Thái Thượng vương Nguyễn Phúc Thuần. Đồng thời, diệt sạch dòng họ chúa Nguyễn, trừ cháu của Thái Thượng vương Nguyễn Phúc Thuần là Nguyễn Phúc Ánh chạy thoát. Năm ấy, Nguyễn Phúc Ánh 15 tuổi. Tây Sơn căm giận người Hoa và Lý Tài giúp đỡ chúa Nguyễn, nên tàn sát, đốt phá, cướp bóc sạch sành sanh Cù lao Phố (Biên Hòa) một thương cảng phồn thịnh vào bậc nhất, nhì Đàng Trong thời bấy giờ. Xác người làm nghẽn sông rạch xung quanh Cù lao Phố và đến năm 1779, xem như Cù lao Phố bị xóa. Sau nầy, Tây Sơn còn nhiều lần càn quét người Hoa, đốt phá các trung tâm mua bán sầm uất của họ ở Chợ Lớn, Đại Phố Mỹ Tho. Chưa dừng lại, Tây Sơn còn xâm phạm các lăng tẩm liệt thánh, liệt tổ từ Nguyễn Hoàng đến Nguyễn Phúc Khoát.
Năm Canh Tuất (1790), Tây Sơn khai quật hài cốt thân phụ của Nguyễn Ánh là Nguyễn Phúc Luân đổ xuống sông Hương. Chỉ duy nhất có lăng bà phi Trần Thị Xạ, vợ chúa Nguyễn Phúc Khoát xây năm 1751 là còn nguyên vẹn. Đó là mối hận thù, Nguyễn Ánh không thể nào quên. Vì, không thể nào quên, Nguyễn Ánh công khai: Trẫm vì chín đời mà trả thù”.
Tía Hà hớp một hớp rượu, thở dài và thốt lên hai tiếng: nghiệp báo! Hà bất ngờ hỏi chú Chín: “Nếu là Nguyễn Ánh, chú có làm như thế không?”.
“Con nhỏ nầy hỏi cắc cớ. Chắc là cũng vậy thôi! Bao dung chỉ có Phật; người chẳng thể. Nhưng Nguyễn Ánh lạm sát và dùng cực hình quá nhẫn tâm, không đáng bậc trượng phu. Cũng có thể, Nguyễn Ánh dùng cực hình tàn độc nhằm uy hiếp những nhân sĩ Bắc Hà, những cựu thần vua Lê, chúa Trịnh sợ mà răm rắp cúi đầu phục tùng vương triều mới. Cũng có thể, từ nỗi oán hận bao lần Tây Sơn cố sát nhưng không thành, Nguyễn Ánh nằm gai, nếm mật nuôi thù 24 năm, khi có dịp là rửa hận. Và rồi, thù hận đó đã nhuộm đen trái tim Nguyễn Ánh đối với Tây Sơn chăng”.
2. Hà có cái nhìn Nguyễn Ánh hơi khác chú, cái nhìn khác nầy có từ thời Hà còn đi học. Chính cái nhìn không giống bài giảng của cô giáo chủ nhiệm lớp, Hà đã phải thi lại môn Sử. Nghe Hà nói có cái nhìn khác về Nguyễn Ánh, chú Chín thấy lý thú hỏi: “Cái nhìn khác của cháu về Nguyễn Ánh thế nào?”.
“Cháu chưa đồng ý rằng Nguyễn Ánh hiếu sát hay lạm sát. Nguyễn Ánh đã tha cho La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp, Phan Huy Ích, Ngô Thời Nhậm (hại bởi Đặng Trần Thường), cùng các ông Lê Đức Thận, Nguyễn Đăng Sở, Vũ Duy Nguy được Cảnh Thịnh sai đi sứ nhà Thanh, bị trả về và bị bắt, vua Gia Long đều tha. Vợ lẽ của Nguyễn Nhạc cùng hai người em họ tên Đại, Vạn cũng được Gia Long miễn tội chết. Sau khi giang sơn thu về một mối, mùng 2 tháng 7 năm Nhâm Tuất (1802) Nguyễn Ánh chính thức lên ngôi tại Phú Xuân, lấy niên hiệu là Gia Long; lại đích thân ra Bắc Hà, ngự ở Điện Kính Thiên huy động lực lượng vây bắt toàn bộ vua tôi nhà Tây Sơn và chiêu an dân chúng, các sĩ phu, các cựu thần Lê - Trịnh. Gia Long không giết ai ngoài Tây Sơn! Tại sao Tây Sơn truy sát và giết sạch dòng tộc chúa Nguyễn, xâm phạm lăng tẩm các chúa, đào mồ thân phụ Nguyễn Ánh rồi lấy hài cốt quăng xuống sông Hương khiến Nguyễn Ánh hận thấu tâm can? Tại sao Tây Sơn triệt phá, giết sạch, đốt sạch Cù lao Phố, Chợ Lớn, Đại Phố Mỹ Tho khiến lòng người oán thán, kẻ thù thêm lực lượng.
Tây Sơn bị xem là mất chính nghĩa! Có thể buổi khởi nghiệp (1771) Tây Sơn là phong trào nông dân nổi lên chống áp bức, bất công, sưu cao, thuế nặng, đói khổ do chiến tranh kéo dài triền miên giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài; bởi loạn thần Trương Phúc Loan ép chúa, giết dân. Nhưng càng về sau, phong trào nầy xa dần nông dân, trở thành một tập đoàn phong kiến cát cứ, phục vụ lợi ích riêng tư, dòng tộc. Tệ hại hơn, năm 1787 Nguyễn Nhạc - Nguyễn Huệ kéo quân đánh nhau, làm lòng quân ly tán, lòng người lo sợ. Chế độ cưỡng bức quân dịch, cưỡng bức lao động công ích hà khắc. Xây dựng Hoàng Đế Thành (Bình Định), Phụng Hoàng Trung Đô (Nghệ An). Tây Sơn gần như xuyên suốt ở chiến trận. Tất cả những điều ấy, đè nặng trong lòng người dân sống trong vùng Tây Sơn kiểm soát. Theo cháu, Gia Long tàn sát Tây Sơn chính từ những việc Tây Sơn đã làm trước đó.
Quả báo nhỡn tiền chăng? Có điều cháu muốn nói, tất cả những người của Tây Sơn bị Gia Long hành hình dã man, không một ai khiếp sợ, van xin, họ hiên ngang và đầy dũng khí bước đến pháp trường khiến quan quân nhà Nguyễn cảm phục. Nếu không lấy thành bại mà luận anh hùng, thì chính xác họ rất xứng đáng anh hùng, ngay như thời nay chắc hiếm có”. Chú Chín muốn thử sự hiểu biết và chính kiến của cháu Hà: “Về cơ bản thì chú đồng ý với cháu, nhưng cũng còn một số vấn đề chú cháu mình cần thời gian để bàn thêm. Vậy, cháu nghĩ gì về Quang Trung và Gia Long?”.
* * *
“Nếu cháu yêu mến Quang Trung bao nhiêu thì, cháu cũng cảm phục Gia Long bấy nhiêu. Nói đến đây, cháu nhớ hồi còn đi học, bị cô giáo dạy Sử nhận xét trò không có lập trường!”. Bởi trong lòng cháu cả hai đều là đấng anh hùng, sinh cùng thời tao loạn, đất nước chia cắt và can qua. Lê dân sống tủi nhục, đau khổ dưới những thế lực phong kiến cát cứ. Cả hai là hiện thân của hai thế lực, hai chiến tuyến đối địch một mất, một còn; hai kẻ thù bất cộng đái thiên. Và, chính vì thế mà cả hai cùng tạo môi trường thử sức, thử lòng can đảm, thử sự khôn ngoan, mưu lược để đạt mục đích cuối cùng là tiêu diệt đối phương giành chiến thắng. Nếu như Nguyễn Huệ là linh hồn của Tây Sơn, thì Nguyễn Ánh là hồn cốt của thế lực Đàng Trong. Nguyễn Huệ đánh Nam, dẹp Bắc thì Nguyễn Ánh năm 15 tuổi (1777) đã trực tiếp cầm quân xông pha chiến trường. Năm 1780, được tôn vinh làm chúa, xưng Nguyễn Vương đất Sài Gòn - Gia Định. Nhưng riêng rẽ từng cá nhân, Nguyễn Huệ và Nguyễn Ánh khác nhau là: Nếu, Nguyễn Huệ xuất thân áo vải cơ hàn (giai cấp cần lao), thì Nguyễn Ánh thuộc danh gia vọng tộc (giai cấp quí tộc). Nguyễn Huệ khởi binh vì muốn cứu lê dân thoát khỏi lầm than nô lệ, thì Nguyễn Ánh tất cả cho dòng tộc và cá nhân mình. Đặc biệt, Nguyễn Ánh gánh trách nhiệm nặng nề đối với dòng tộc. Nếu Nguyễn Huệ ra tay đập tan các thế lực phong kiến, thống nhất giang san thì Nguyễn Ánh hết lòng hết sức bảo vệ chế độ chúa Nguyễn Đàng Trong của dòng tộc. Nếu Nguyễn Huệ đặt độc lập và quyền lợi dân tộc lên trên hết thì, Nguyễn Ánh đặt dòng tộc và cá nhân mình lên trên hết. Đối với Nguyễn Ánh: tất cả cho chiến thắng, bất chấp thủ đoạn và hành động tệ hại miễn đoạt được thắng lợi từ tay của đối phương. Do đó, ông đã phạm sai lầm là rước hai vạn quân Xiêm về giày xéo quê cha, đất tổ mà người đời sau khó tha thứ! Đến năm 1788, Nguyễn Ánh còn có hành động muốn giúp lương thảo cho quân Thanh khi chúng vào Thăng Long, việc bất thành. Nhưng… Chữ nhưng trong cõi trần ai có biết bao điều dâu bể! Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên chăng? Chú Chín xem, một Nguyễn Huệ lẫy lừng đánh tan 2 vạn quân Xiêm xâm lược tại Rạch Gầm - Xoài Mút (1785) kẻ thù khiếp vía, họ sợ Tây Sơn như sợ cọp; nghe nói, mười năm sau, khi nhắc đến Nguyễn Huệ, quân Xiêm còn run… té đái!
Thưa chú, con nghĩ hoài không ra: Năm Giáp Thìn, tháng Sáu tức ngày 25/7/1784, quân xâm lược Xiêm do Chiêu Tăng, Chiêu Sương thống lĩnh tràn vào đất nước ta, giết dân và hoành hành dữ dội. Tháng Chạp, năm Giáp Thìn, Nguyễn Huệ dẫn đại binh vào Nam. Thân hào, nhân sĩ cùng dân chúng Gia Định ủng hộ Nguyễn Huệ và hết lòng chung lưng đấu cật với Nguyễn Huệ chống quân Xiêm xâm lược. Mặt trận Rạch Gầm - Xoài Mút chính là từ lòng dân mà ra, cộng với quỷ kế phục binh thủy chiến của Lê Xuân Giác dâng lên Nguyễn Huệ. Lê Xuân Giác bỏ chủ vì Nguyễn Ánh… rước quân Xiêm dày mả tổ. Bấy nhiêu, cũng thấy lòng dân Gia Định chẳng tha thiết gì Nguyễn Ánh. Dân chọn theo Nguyễn Huệ là cốt chống quân xâm lược bảo vệ đất nước. Vậy, tại sao Nguyễn Huệ không nhơn cơ hội ngàn năm có một nầy, ra sức an dân, chiêu hiền đãi sĩ đất Gia Định. Đồng thời, vạch trần bản chất coi dòng tộc nhà Nguyễn trên thiên hạ, sẵn sàng mần kẻ vông nô. Nếu, Nguyễn Huệ và Bộ Tham mưu của Huệ mần được điều đó, có lẽ Nguyễn Ánh mất hẳn con đường trở về Gia Định và, thân xác mãi mãi gửi nơi đất khách ở Đồng Khoai, Vọng Các.
Phải chăng, Nguyễn Huệ chỉ biết tạo ra chiến thắng, mà không biết giữ chiến thắng; đồng thời, không quan tâm đến việc vùi kẻ thù chết ngộp trong dư chấn chiến thắng của mình!?
Một Nguyễn Huệ đánh tan tác 29 vạn quân nhà Thanh ở Thăng Long (1789), Hứa Thế Hanh bị chém bay đầu, Sầm Nghi Đống quẫn trí thắt cổ. Tên đầu sỏ Tôn Sĩ Nghị, nửa đêm không kịp mặc áo, quăng ấn tín, chạy trối chết. Thế mà, trời phụ lòng người! Nguyễn Huệ giải phóng Thăng Long sau một tháng Nguyễn Ánh chiếm Gia Định. Tại sao Nguyễn Huệ không đem uy thế thắng giặc ngoại xâm phương Bắc, đưa đại quân về Nam chiếm lại Gia Định. Ý trời chăng?
Những lần Nguyễn Huệ đánh Nguyễn Ánh thân sơ, thất sở. Đánh xong, vội vã rút về Quy Nhơn. Nguyễn Huệ gần như bỏ ngỏ Nam Bộ, ít quan tâm Gia Định và xem thường Nguyễn Ánh. Binh sĩ Tây Sơn vào Gia Định thường tàn sát, đốt phá, vơ vét rồi về Quy Nhơn. Gây căm phẫn trong lòng dân chúng và sĩ phu Gia Định. Tại sao?
Khi tướng Võ Văn Dũng thoát được sự truy sát của Gia Long, trở về vùng Tây Sơn thượng đạo xưa, nuôi chí phục thù và xây dựng lại triều đại Tây Sơn. Than ôi! cảnh cũ như xưa, lòng người thay đổi. Người dân tộc ngày trước theo Tây Sơn như nước vỡ bờ, thế mà, bây giờ lạnh nhạt, xa lánh. Tướng Võ Văn Dũng sống trong cô quạnh và căm phẫn. Vùng đất Tây Sơn - Bình Định còn truyền tụng qua câu ca dao đầy thương cảm, ám chỉ việc khôi phục nhà Tây Sơn không thành do sự bất hòa giữa ông Dũng và các dân tộc Tây Nguyên: "Củ lang Đồng Phó/Đậu phộng Hà Nhung/Chàng bòn, thiếp mót bỏ chung một gùi/Chẳng qua duyên nợ sụt sùi/Chàng giận, chàng đá cái gùi, chàng đi/Chim kêu dưới suối từ bi/Nghĩa nhơn còn bỏ, huống chi cái gùi!"
Một Nguyễn Huệ tả xung, hữu đột. Nam dẹp Xiêm, Bắc đuổi Thanh, xóa thế lực Đàng Ngoài Lê - Trịnh , đập nát loạn Trương Phúc Loan, diệt cát cứ Nguyễn Hữu Chỉnh.
Đêm 29 tháng 7 năm Nhâm Tý (1792) khoảng 11 giờ, Hoàng đế Quang Trung băng hà, thọ 40 tuổi, ở ngôi 5 năm, quá ngắn ngủi! Ý trời chăng? Rõ ràng, cái chết đột ngột của Quang Trung - Nguyễn Huệ, đã kéo theo sự sụp đổ nhanh chóng của triều đại Nhà Tây Sơn, vô phương cứu vãn bởi Cảnh Thịnh bất tài, lại nghe bầy tôi xua nịnh tranh giành quyền lợi, và cũng bởi Nguyễn Huệ chết sớm đã tạo ra thế - thời thuận lợi nhất để Nguyễn Ánh thu giang sơn về một mối. Dân gian thường rỉ tai nhau rằng: Huệ làm, Ánh ăn!? Trời đã giúp Nguyễn Ánh lể cái gai khó lể, nhưng từ đây, Ánh vĩnh viễn mất một kẻ thù đáng mặt anh hùng kiệt xuất! Cuộc chiến tự nó coi như đã kết thúc. Giờ, chỉ còn là thời gian - một giai đoạn lịch sử hào hùng nhưng đầy bi thương - đáng cho hậu thế gẫm soi, chiêm nghiệm!”.
* * *
Mải mê nói chuyện, chiều lúc nào chẳng hay. Tiếng con Phấn réo: “Hà ơi, tưới bông! Sắp tối rồi đó”. Hà cố vớt cú chót câu chuyện: “Thế sự đã trải qua trên 200 năm, người đời khi nhắc đến Tây Sơn thì nhớ Quang Trung - Nguyễn Huệ và gần như quên Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ. Vì, Quang Trung - Nguyễn Huệ đã làm rạng danh đất nước bằng hai chiến thắng oanh liệt chống quân xâm lược Xiêm - Thanh. Trong khi đó, người đời luôn nhớ ơn nhà Nguyễn mở cõi và giữ gìn từng tấc đất của tiền nhân để lại; nhớ ơn Nguyễn Ánh thống nhất đất nước, nhưng sách sử hầu hết lên án gay gắt việc Nguyễn Ánh cầu viện Xiêm (1784) là rước voi về dày mả tổ, cầu viện Pháp bằng hiệp ước Versailles (1787) là bán nước, là ‘cõng rắn cắn gà nhà’, cháu thấy có một cái gì đó chưa thuyết phục.
Vì sao?
Vì Nguyễn Ánh là người cháu độc nhất còn sót lại của dòng tộc chúa Nguyễn ở Đàng Trong, mang trọng trách dù chết cũng phải thu hồi cơ nghiệp do Nguyễn Hoàng tạo dựng. Vào thời mạt Lê, tình hình cát cứ của các thế lực quân phiệt, phong kiến khá phổ biến. Cho nên, người đương thời xem giang sơn là đất ai thì của người đó. Cầu viện Xiêm La, hoặc lực lượng nào khác, cũng chỉ nhằm đoạt lại cái tiền đồ cha ông mình đã mất. Nguyễn Ánh nhiều lần thập tử, nhất sinh đâu để được ‘cõng rắn’ hay để được ‘bán nước’ mà đó chỉ là cái kế cùng hạ sách, vì quá muốn thu hồi nhanh giang san về lại cho dòng tộc Nguyễn Phúc của mình. Nếu ta đề cao Nguyễn Huệ quá mức, hạ thấp Nguyễn Ánh đến tận đáy, thì chưa khách quan và công bằng. Thật ra, xét cho cùng triều đại Tây Sơn thời buổi ấy quá ngắn ngủi, cũng chẳng phải là một chính thể hoàn toàn thống nhất. Việc ký Hiệp ước Versailles (1787) với Pháp cũng chỉ là hiệp ước trên giấy không hơn không kém. Chẳng phải vì hiệp ước mà nước ta bị bán, hoặc vì hiệp ước mà Pháp mới biết nước ta, hay vì hiệp ước mà Pháp đánh ta và ta mất nước. 38 năm sau ngày Gia Long mất, năm 1858 chính quyền Napoléon III đánh ta đâu vì hiệp ước 1787. Giận là giận Thiệu Trị, Tự Đức làm mất nước. Há lẽ, giận Thiệu Trị, Tự Đức mà ta đổ cả cái ghét vào đầu Gia Long?
Hà uống ngụm nước lạnh, rồi nói tiếp: “Cũng có đôi khi, vì biết không rõ mà ta vội đưa ra những phê phán rất chủ quan và cay nghiệt. Lịch sử là tài sản chung của dân tộc, không ai được quyền thu tóm riêng mình - dẫu có thu tóm cũng vô ích - Bởi, lịch sử là kí ức của mồ hôi, nước mắt, của máu xương dân tộc, xây dựng và bảo vệ giang sơn gấm vóc.
Xin ai đừng biến lịch sử làm của riêng mình và dùng nó như một công cụ hoặc phương tiện làm ly tán lòng người hôm nay và, cả mai sau!”.
Với cháu, nếu như Lý Công Uẩn là người lập ra một quốc gia thực sự cho dân Việt, thì Nguyễn Hoàng là người mở cõi tạo ra nửa nước Đại Việt. Cháu là kẻ hậu sinh nhớ ơn và trân quí biết dường nào. Dù sao, trong lòng cháu vẫn mến mộ Gia Long, một con người đi từ gian khổ, đói khát, đi từ trong cái chết đi ra và bước lên ngôi vị Hoàng đế. Ông vừa là một vị vua có công lớn thống nhất đất nước Việt Nam, vừa bị đóng đinh là người cõng rắn cắn gà nhà.
* * *
Tía và chú Chín cùng phụ Hà tưới bông. Trong lúc tưới, chú Chín bảo: “Thiện ác đồng hành, âm dương đồng hiện. Suy cho cùng, đó là ý Trời, chẳng qua cũng chỉ là góc khuất dưới chưn đèn thôi, cháu ạ!”.
Trần Bảo Định
NHỮNG BÀI VIẾT CUỐI CÙNG TRONG NĂM 2016
ĐÃ ĐĂNG TẠP CHÍ VĂN HÓA PHẬT GIÁO
số 264/ 01.1. 2017
Sách tham khảo:
1. Nhà Tây Sơn, Quách Tấn - Quách Giao.
2. Đại Nam chính biên liệt truyện.
3. Đại Nam thực lục.
4. Lịch sử nội chiến Việt Nam (1771-1802) - Tạ Chí Đại Trường, Sài Gòn 1971, Nxb Công An Nhân Dân 2007.
5. Những khám phá về hoàng đế Quang Trung - Đỗ Bang, Nxb Văn Hóa Thông Tin 2006. Ảnh từ trái: Hoàng đế Quang Trung, Hoàng đế Gia Long.