Vũ Trung Lương
Bàn về Mỹ Thuật thời Tây Sơn, với đặc thù của ngôn ngữ là loại văn hóa tinh thần vừa là loại văn hóa vật chất, đứng trong không gian, tồn tại với thời gian, chứng minh cho lịch sử, cứ liệu cho các ngành khoa học. Nhưng cho đến nay, trong vòng hai thế kỷ mà những hiện vật, công trình, những di tích văn hóa nghệ thuật nói chung, Mỹ Thuật nói riêng của thời đại Tây Sơn còn lại quá ít ỏi, nếu không nói là nghèo nàn, đã để lại cho chúng ta bao khó khăn trong công tác nghiên cứu khoa học nghệ thuật.
Nếu khí hậu thời tiết ở một nước nhiệt đới như nước ta đã hủy hoại nhiều công trình lịch sử, nhất là những công trình ngoài trời, thì hai cuộc chiến tranh yêu nước chống Pháp chống Mỹ, trong vòng 30 năm khói lửa bom đạn đã tàn phá biết bao công trình. Ngoài lý do khách quan nói trên, thì chủ quan con người, việc một Triều đại mới lên cầm quyền, quyết tiêu diệt những gì của Triều đại trước cũng là lẽ bình thường. Nhưng ở đây, Triều đại nhà Nguyễn, mở đầu là Gia Long cùng những người kế vị, ngoài việc rước voi về giày mả Tổ, đã đối lập và hủy diệt nền Văn hóa Dân tộc, đốt sạch, phá sạch, giết sạch những gì có liên quan với Tây Sơn, đã nói lên một sự trả thù hèn mạt dã man và tàn bạo của một Triều đại chưa từng có trong lịch sử.
Bàn về Mỹ Thuật thời Tây Sơn, chúng ta cần tìm hiểu rộng ra các ngành nghệ thuật khác có tính phối hợp, liên kết để nghiên cứu về một chuyên ngành, bởi lẽ như trên đã đề cập, các hiện vật, tác phẩm, công trình Mỹ Thuật, làm cứ liệu có tính lịch sử thời Tây Sơn, cho đến ngày nay còn lại quá ít ỏi, đòi hỏi các Nhà Nghiên cứu tiếp tục sưu tầm phát hiện.
Nếu thời kỳ Tây Sơn có một Ngô Thì Nhậm, một Phan Huy Ích là những Nhà Văn Chính luận tiêu biểu vừa là Nhà Chính trị, Nhà Ngoại Giao Nhà Tư Tưởng, Nhà Sử Học, nhất là Ngô Thì Nhậm một con người lịch lãm, học rộng, uyên thâm, đã chọn đúng đường, đi với phong trào Nông Dân Tây Sơn và đã cống hiến cho dân tộc nhiều công trình văn học thơ ca bằng chữ Nôm và chữ Hán đặc sắc như: Kim Mã Hành Dư - Ban Giao Hảo Thoại - Hoàng Hoa Đồ Phả - v.v... Nếu thời kỳ Tây Sơn có một Nguyễn Du với truyện Kiều, một Đoàn Thị Điểm với Chinh Phụ Ngâm, một Nguyễn Gia Thiều với Cung Oán Ngâm Khúc, một Hồ Xuân Hương với dòng Thơ châm biếm trào lộng kiệt tác, dù các Nhà Văn Thơ tài hoa lỗi lạc ấy đã sinh ra trước thời Tây Sơn và mất sau thời Tây Sơn, nhưng họ đã khước từ tư tưởng “Trung Quân” đến với chính nghĩa, đứng về phía quần chúng nhân dân lao động, gắn liền với phong trào Nông Dân Khởi Nghĩa Tây Sơn. Các tác phẩm của họ là những bản cáo trạng đanh thép, lên án chế độ phong kiến đòi quyền sống con người trong xã hội.
Bên cạnh Văn Thơ thời kỳ Tây Sơn, thì nghệ thuật Tuồng, Chèo, Dân ca đã gắn liền với cuộc sống nhân dân trong cả nước khắp miền ngược xuôi, vô cùng phong phú, mà quê hương Tây Sơn một trong những cái nôi của nghệ thnật Hát Bội, cuối thế kỷ XVIII đã đạt đến đỉnh cao của Nghệ Thuật. Theo truyền thuyết thì Nguyễn Huệ rất ham thích Hát Bội và là một nghệ sĩ sân khấu đã từng cùng với tướng lĩnh của mình diễn tuồng và lấy Hát Bội làm phương tiện giáo dục và giải trí cho quân đội.
Nếu thời kỳ Tây Sơn là thời kỳ phục hưng Văn Hóa vĩ đại trong lịch sử với những đỉnh cao của Văn Học Thơ ca, Tuồng Chèo, thì Mỹ Thuật cũng có chỗ đứng xứng đáng với tầm cỡ lịch sử ở cuối thế kỷ XVIII, gắn liền với phong trào khởi nghĩa Tây Sơn. Phải chăng Mỹ Thuật là một tiếng nói im lặng, một ngôn ngữ câm, người nghệ sĩ vô danh không cần tên tuổi, và tác phẩm công trình của họ vẫn tồn tại cụ thể trong không gian, sống mãi với thời gian, gắn liềp với cuộc sống, tâm tư và nguyện vọng của quần chúng.
Thật vậy, cùng với Truyện Kiều, Chinh Phụ Ngâm, Cung oán Ngâm Khúc vv... và những truyện nôm dài như: Phan Trần, Nhị Độ Mai, Phạm Công Cúc Hoa vv... thì hơn 20 pho tượng tròn đặt tại chùa Tây Phương là những công trình Điêu Khắc tuyệt vời, xứng đáng với tầm cỡ Nghệ Thuật Thế Giới, được các Nghệ Sĩ sáng tác dưới thời Tây Sơn.
Phải chăng Phật Giáo Việt Nam trong suốt quá trình lịch sử cho đến cuối thế kỷ XVIII chủ yếu là theo Phái Đại Thừa, cho nên đạo và đời, đời và đạo quyện với nhau làm một. Tại Chùa Tây Phương (Thạch Thất, Hà Sơn Bình) hiện nay đang thờ 61 pho tượng lớn nhỏ được sáng tác chủ yếu dưới thời kỳ Tây Sơn. Ngoài nhóm tượng: Phật A-Di-Đà, Quan Thế Âm và Đại Thế Chí được sáng tác theo một công thức nhất định với lý tưởng đạo Phật, còn lại pho tượng Tuyết sơn, các pho tượng Kim Cương và nhất là 18 pho tượng cáo vị Tổ được các nghệ sĩ sáng tác với tình cảm tự do, phóng khoáng, cởi mở, sinh động và hiện thực.
Người nghệ sĩ thế kỷ XVIII đã sống và chứng kiến một xã hội đầy rẫy bất công, bi ai và sầu khổ, phi đạo lý và vô nhân tâm, họ mong muốn một cuộc sống hòa bình hạnh phúc, họ khát khao tự do, tình yêu, công bằng và bác ái. Người nghệ sĩ lao động nghệ thuật, sống trong lòng nhân dân, gắn liền với phong trào Nông Dân trong quá trình lịch sử, họ chia sẽ nỗi đắng cay chua xót ngọt bùi, cùng cực và khổ hạnh với quần chúng, giữ vững niềm tin, lạc quan và sức mạnh quật khởi, để cùng với quần chúng trong cuộc đấu tranh mà cao trào là cuộc Nông Dân Khởi Nghĩa Tây Sơn, tự giải phóng mình trong lao động sáng tạo, đưa Mỹ Thuật đến đỉnh cao của thời đại. Người nghệ sĩ vô danh, với lý tưởng nghệ thuật, qua ý niệm Phật Giáo, nhuần nhuyễn giữa đạo và đời, họ đã tạo ra những pho tượng không thuần túy là tượng Phật, mà là những mẫu người thật ngoài xã hội, được nghệ thuật hóa một cách sâu sắc với tầm cao của tính Nhân Văn. Người nghệ sĩ vô danh ấy với tài nghệ của mình đã đưa thế giới đời thường vào cuộc sống nghệ thuật trong không gian Phật Giáo đã dẫn dắt chúng ta đi vào một thế giới tâm linh rộng mở, cao siêu, uyên thâm mà vẫn bình dị, thực tế, chứ không phiêu diêu cực lạc hay trần tục lố lăng.
Nếu Nguyễn Du đã để lại cho chúng ta một Từ Hải, một Kim Trọng, một Thúy Kiều, một Tú Bà vv... thì người Nghệ sĩ vô danh kia đã dành cho chúng ta một nụ cười sảng khoái, hồn nhiên và bình dị, một nụ cười của cuộc đời được gắn liền với vị Tổ Phật Đa-Nan-Đề, và muốn có một nụ cười đầy hoan hỷ, kín đáo mà thông minh, xin hãy đến với vị Tổ A-Nan-Đà. Tìm đến cái khổ hạnh chịa đựng trong con người gầy khô xương xẩu mà đầu óc tỉnh táo với vầng trán rộng cao, hãy chiêm ngưỡng pho tượng Tuyết Sơn và cái phong lưu đài các, quyền quý được thể hiện ở vị Tổ La-Hầu-La-Đa v.v... Nhìn chung các pho tượng ở chùa Tây Phương là cả một thế giới nội tâm vô cùng phong phú, đa dạng của con người thời đại Tây Sơn được phản ảnh vào trong nghệ thuật điêu khắc tượng tròn ở Chùa Tây Phương.
Bắn cung, đấu gươm, đánh vật Chạm gỗ - Chùa Ngọc Cảnh, Vĩnh Phú – thế kỷ 18
Bàn về Mỹ Thuật thời Tây Sơn, chúng ta tìm hiểu Truyện Kiều để có một mối liên tưởng về Hình Tượng thẩm mỹ nói chung, còn Mỹ Thuật với hình Tượng tạo hình cụ thể, tồn tại trong không gian và thời gian, mãi mãi trước mắt chúng ta, đòi hỏi chúng ta phải nắm bắt đặc thù của ngôn ngữ Mỹ Thuật, khác với Văn Học Thơ ca, Âm nhạc, để đọc, nghe và đối thoại bằng ngôn ngữ của chính nó, để thưởng thức và đồng cảm với một loại hình nghệ thuật Thị Giác, một tiếng nói im lặng không lời. Chính đó là cái khó khăn để cắt nghĩa tại sao ngành Mỹ Thuật Tạo Hình, đến nay chúng ta vẫn chưa phổ cập được rộng rãi trong quảng đại quần chúng.
Mỹ Thuật thời Tây Sơn không tách rời khỏi mảnh đất của Cha Ông, nhất là Nghệ Thuật thế kỷ XVII với phong cách đậm đà tính dân gian, đã phản ánh trung thực đời sống tình cảm, tư tưởng của người dân lao động, nói lên tính lạc quan, yêu đời và sức sáng tạo của quần chúng trên các bức chạm gỗ ở các đình chùa, trong những bức tranh dân gian. Phong cách nghệ thuật Điêu Khắc ở Chùa Tây Phương được tiếp sức từ nghệ thuật dân gian trước đó đến thời kỳ Tây Sơn, tính chất Hiện Thực và Bình Dị được nâng lên thật kỳ diệu.
Bàn về tính Hiện Thực trong nghệ thuật Điêu Khắc thời Tây Sơn, nhìn sang phương Tây cùng thời, từ thiên tài Michel-Ange Đỉnh cao của Nghệ Thuật Điêu Khắc hiện thực thời kỳ Phục Hưng thế kỷ XVI đến Rodin thế kỷ XIX thì nghệ thuật Hiện Thực Châu Âu, với phương pháp Duy Lý, dùng khoa học phân tích mổ xẻ và miêu tả đối tượng, còn Hiện Thực trong nghệ thuật Điêu Khắc thời Tây Sơn cuối thế kỷ XVIII, người nghệ sĩ Việt Nam, tiếp thu triết học Phương Đông Cổ, với phương pháp thực nghiệm, để khái quát và gợi tả đối tượng. Nếu trong Hội Họa Phương Đông người nghệ sĩ đã dùng bảng màu Ngũ sắc với phương pháp tương ứng, tương khắc, tương đồng theo quan niệm Ngũ Hành, xây dựng những mảng màu bẹt với chiều sâu sống động và phối hợp với những đường nét có tính trang trí nhằm gợi cảm để tạo ra một không gian nghệ thuật với phong cách phương Đông (perspective dynamique orientale) thì trong nghệ thuật Điêu Khắc, người nghệ sĩ với cái nhìn đại thể, khái quát, tạo ra thế lớn, vận dụng khối âm dương rộng rãi, phối hợp cùng những đường nét trang trí mềm mại uyển chuyển mà gợi cảm. Nghệ thuật Hiện Thực trong Điêu Khắc thời kỳ Tây Sơn mà tiêu biểu là các pho tượng tại chùa Tây Phương, chúng ta khiêm tốn nhưng tự hào, đó là đỉnh cao của Nghệ Thuật Hiện Thực thế kỷ XVIII, tương quan trong lịch sử Mỹ Thuật thế giới.
Bàn về Mỹ Thuật thời kỳ Tây Sơn, ngoài Nghệ Thuật Điêu Khắc, có hội hoa và trang trí, nhất là Trang Trí trong Kiến Trúc, trong Thẩm Mỹ Môi Trường, trong Hóa Trang Phục Trang Sân Khấu, trong Tiểu Thủ Công Mỹ Nghệ phục vụ đời sống.
- Thẩm Mỹ môi trường trong kiến trúc quân sự ở Thành Hoàng Đế, Phượng Hoàng Trung Đô, Thành Phú Xuân, Đàn tế Trời, mặc dù cho đến nay những di tích lịch sử đó đã bị hủy hoại và tàn phá, nhưng những dấu vết còn lại cũng đã nói lên quan niệm Thiên Nhân Hợp Nhất, con người gắn liền với thiên nhiên, của người Phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng trong Thẩm Mỹ Môi Trường, dù đó là những kiến trúc quân sự.
- Kiến Trúc các đền, chùa, lăng tẩm, thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX bị ngăn cấm và đình trệ, mặt khác bị hủy hoại dưới thời Nhà Nguyễn, đến ngày nay còn lại 2 chùa với Nghệ Thuật Trang Trí và Kiến Trúc tiêu biểu được xây dựng trong thời kỳ Tây Sơn đó là Chùa Tây Phương (Thạch Thất - Hà Sơn Bình) và Chùa Kim Liên Hà Nội. Nghệ Thuật Kiến Trúc theo kiểu chồng mái, hình chữ Tam, với đường nét, hình khối nhẹ nhàng thanh tao với các đầu đao cong vút, bảo đảm độ thông gió, ánh sáng và thoát nước. Đường nét chạm khắc trang trí với những hình hoa, lá, rồng, phượng được khái quát và cách điệu theo phong cách Hiện thực bình dị không cầu kỳ, phối hợp với Kiến Trúc một cách hài hòa tuyệt vời.
Trang Trí - Kiến Trúc dân sự nhà ở thời Tây Sơn, vùng Bình Định (nay là 3 Huyện Tây Sơn, An Nhơn, Tuy Phước) xây dựng loại nhà “lá mái” ảnh hưởng phần nào Kiến Trúc Chàm và được định hình thành một phong cách Kiến trúc dưới thời Tây Sơn. Bố trí mặt bằng Kiến trúc gồm: nhà trên, nhà ngang, nhà lẫm, nhà bếp, các chuồng trại, cùng với cấu trúc rường cột bên trong theo lối chồng mái, một mái trát bằng đất và mái bên ngoài lợp bằng tranh dày từ 30 đến 50 phân, với các đầu đao cong vút, hai đầu hồi có trang trí những hình hoa thị.
- Tuồng, Chèo, Hát Bội đến thời Tây Sơn đã đạt đến đỉnh cao của Nghệ Thuật và Trang Trí Mỹ Thuật đã đóng góp phần quan trọng của mình cho sự thành công của diễn xuất. Về mặt trang trí hóa trang phục trang các hình tượng nhân vật trong Tuồng, Hát Bội thế kỷ XVII còn giản đơn sơ lược, qua thế kỷ XVIII, nhất là thời kỳ Tây Sơn đã được nâng lên với tính khái quát, tượng trưng cao, đi vào thế ổn định có tính quy tắc trên Sân khấu: nhân vật mặt đỏ râu dài tượng trưng các vai Trung, nhân vật mặt mốc râu rìa tượng trưng các vai nịnh. Tạo hình trong các động tác và múa, chất tượng trưng cao.
- Mỹ Thuật với các ngành nghề Tiểu Thủ Công Mỹ nghệ vào đầu thế kỷ XVIII, do cuộc khủng hoảng toàn bộ trong cơ cấu xã hội đã kìm hãm và làm suy sụp nền kinh tế đất nước. Cho đến cuối thế kỷ XVIII dưới thời Tây Sơn nền kinh tế văn hóa mới được phục hưng và nâng cao. Các ngành nghề tiểu thủ công mỹ nghệ như Gốm, Dệt, Chạm, Khảm, Đúc được phát triển mạnh mẽ. Mỹ Thuật đã đóng góp vai trò quan trọng của mình trong việc hình thành Thẩm Mỹ truyền thống. Đàng ngoài có Gốm Bát Tràng, Gốm Thổ Hà, Tơ lụa Hà Đông. Đàng trong vùng Bình Định Tây Sơn có Gốm Phù Mỹ, Gốm Sa Huỳnh, nón Gò Găng, khảm Hiếu Đước, Tơ lụa Phú Phong nổi tiếng .v.v...
*
Để thay cho lời kết, nhìn thẳng vào thực tế sôi động ngoài xã hội suốt thế kỷ XVIII mà cao trào là cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, thật sự đó là chất xúc tác mạnh mẽ, là nguồn cảm hứng dồi dào, sự tự do được cởi trói trong lao động sáng tạo, đã kích thích và thúc giục người nghệ sĩ, một khi mà tình cảm của họ đã được giải phóng, lý tưởng sáng tạo của họ được thực hiện, thì Văn Hóa Nghệ thuật được bay bổng thăng hoa đến đỉnh cao của nó...
Triều Đại Tây Sơn 1786 - 1802 hoặc nhìn rộng ra Thời kỳ Tây Sơn 1771 – 1802, thì phong trào Tây Sơn trong vòng trên dưới 30 năm, thời gian quá ngắn ngủi so với lịch sử, nhưng sự nghiệp của Tây Sơn thì thật vô cùng vĩ đại.
Mà nay áo vải cờ đào
Giúp dân dựng nước xiết bao công trình.
LÊ NGỌC HÂN
Có thể nói Thế Kỷ XVIII là một Bản Anh Hùng Ca hào hùng của Nông Dân Việt Nam, mà tiêu biểu điển hình là cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, là thời kỳ Áo Vải Cờ Đào, người Nông Dân đã đứng lên tự giải phóng mình, đảm nhận sứ mệnh thiêng liêng Cứu Nước và Giữ Nước, là thời kỳ Phục Hưng Văn Hóa với đỉnh cao của Tính Nhân Văn Thời Đại Tây Sơn.
Hà Nội, tháng 10-1988.
[Nguồn Văn Nghệ, Hội Văn học Nghệ thuật Nghĩa Bình, Xuân Kỷ Tỵ 200 năm chiến thắng Đống Đa, số 20, 1989, tr.77-82].