Trong bài ấy, Vương tiên sinh có viết: “cả hai đàng (vua bên Tây-Sơn và chúa Nguyễn-Ánh) vừa công văn, vừa tiền, vẫn còn dùng niên hiệu chính thống vua Hiển Tôn (Cảnh-Hưng)”. Về việc dùng niên hiệu các vị vua, có khi kế tiếp, có khi cộng tồn, người ta theo cách nào ?
Khi triều Lê tồn tại, nhân dân Bắc-Hà (từ sông Gianh trở ra) lĩnh thổ của nhà Lê, dùng niên hiệu các vua triều Lê, đó là bổn phận của thần dân. La Sơn phu tử Nguyễn Thiệp, trong các thư từ gởi Nguyễn-Huệ, dùng niên hiệu nhà Lê, Cảnh Hưng rồi Chiêu Thống, để tỏ rằng mình là thần tử nhà Lê, và để tỏ cả ý riêng mình không muốn theo Nguyễn Huệ. Đối với La Sơn, Nguyễn-Huệ là người nước khác, trong thư, La Sơn gọi là “quý-quốc” nước này bắt đầu từ Thuận Hóa trở vào Nam. Nguyễn Huệ cũng nghĩ như thế, tự cho mình là người nước khác đối với La Sơn, nên trong các thư từ, nói đến “bản-quốc” (nước tôi). Trong nước An Nam của Nguyễn Huệ (Nguyễn-Huệ xưng là An Nam Đại nguyên súy) có một vị vua, đó là vua Thái Đức, nên trong thư từ, Nguyễn Huệ dùng niên hiệu Thái Đức, chứ không bao giờ dùng niên hiệu các vua Lê. Vậy là rõ rệt, La Sơn cũng như Nguyễn Huệ, tự coi là người hai nước, có hai vua khác nhau, ai nấy là thần tử của vua mình.
Nhưng khi vua Lê mất nước, Nguyễn Huệ lấy đất của vua Lê, xưng Hoàng đế, đặt niên hiệu Quang-Trung, thì dù muốn, dù không, La Sơn cũng như mọi người dân Bắc Hà khác, trở thành dân của nước do Nguyễn Huệ lập, nên phải dùng niên hiệu Quang Trung trong các thư từ, cũng như sẽ dùng các niên hiệu Cảnh Thịnh, Bảo Hưng sau này của các triều Nguyễn Tây Sơn.
Lại phải nói ngay rằng khi vua Quang Trung xưng Đế, nước của vua chỉ gồm từ Quảng Nghĩa ra đến hết Bắc Hà mà thôi, còn từ Quy-Nhơn vào Nam là đất của vua Thái Đức (Quang Trung năm đầu ngang với năm Thái Đức thứ 11). Trong phần đất này quan và dân vẫn dùng niên hiệu Thái Đức là lẽ dĩ nhiên.
Đối với Nguyễn Ánh vua Thái Đức, vua Quang Trung là giặc, Nguyễn Ánh không khi nào dùng các niên hiệu Thái Đức, Quang Trung, chỉ dùng niên hiệu vua nhà Lê, tự coi là thần tử nhà Lê, như tổ tiên vẫn làm. Các chúa Nguyễn dù tự chủ trong thực tế, vẫn theo chính sách của nhà Lê. Nhưng Nguyễn Ánh không dùng niên hiệu Chiêu Thống, mà tiếp tục dùng niên hiệu Cảnh Hưng của vua Lê Hiển Tôn, mặc dù Hiển Tôn không còn sống nữa. Hiển Tôn băng năm Bính Ngọ (1786) Cảnh Hưng thứ 47 và Mẫn đế lên ngôi, đổi năm sau làm Chiêu Thống nguyên niên, vậy mà Nguyễn Ánh vẫn dùng niên hiệu Cảnh-Hưng cho đến năm thứ 63, khi cải nguyên thành Gia Long nguyên niên. Không dùng niên hiệu Chiêu Thống, Nguyễn Ánh không nhận vua Chiêu Thống là vua của mình, cho rằng vua Chiêu Thống do nhà Tây Sơn dựng lên. Sự ấy có đúng không ?
Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô-thì Chí, một quyển sử liệu chép theo hình thức tiểu thuyết chương hồi, viết về việc Chiêu Thống lên ngôi: “Nguyễn-Huệ không thích Hoàng tự tôn vì Công Chúa Ngọc Hân thường bảo là nhân phẩm cháu mình tầm thường và khen anh mình là người hiền (Sùng Nhượng Công Duy Cẩn trước đã được chúa Trịnh ép vua Hiển Tôn đặt làm Thái-Tử, nhưng bị phế khi quân Tam Phủ đòi đặt Duy-Kỳ làm Hoàng tự tôn). Đến lúc bệnh của Hoàng thượng (Hiển tôn) đã nguy, triều đình bàn nhau lập Hoàng tự tôn làm vua, bèn sai người ra nói với Bình tên khác của Nguyễn Huệ). Bình không nghe. Sứ giả về triều lập lại lời Bình, cả triều bàn bạc phân vân, không biết làm ra thế nào. Thình lình trong bọn có người nói lớn: “Tự tôn không được làm vua thiên hạ ắt loạn, họ Lê sẽ mất, ấy là lỗi tại Công chúa. Công chúa đã làm hại đến việc lớn của Xã-Tắc, thì nên xóa tên trong sổ họ, để cho Công chúa về nước Tây Sơn mà hưởng phú quý, họ ta không thiếu gì một người ấy. Mọi người đều nhìn xem ai thì là Hoàng-thân Vương quận công. Công chúa nghe nói cũng sợ, liền về phủ để xin với Bình, Bình bằng lòng cho”.
Lại còn chuyện bài chiếu đổi niên hiệu ra Chiêu Thống. Đêm hôm trước, Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ bỏ Thăng-Long, rút quân về Nam, không cho vua Chiêu Thống biết, sáng ra thì quân Tây Sơn đi hết rồi. “Các quan ngơ ngác nhìn nhau không biết nên nói thế nào. Tả hữu chợt có người tâu: Hôm qua vâng có chỉ truyền sớm nay đặt triều. Bây giờ ngự giá đã tới, dám xin nhắc lại. Hoàng thượng hỏi các quan: Triều hãy thôi chăng ? Các quan đều nói Hoàng thượng ra triều để giáng chiếu đổi niên hiệu đó là việc lớn, sao lại thôi ? Hoàng thượng bèn ra coi triều, rồi ban tờ sắc công bố việc đổi niên hiệu, lấy năm sau, năm Đinh Vị làm Chiêu Thống nguyên niên. Trong tờ sắc đó, một rằng nhờ quý quốc Vương (chỉ Nguyễn Nhạc) hai rằng nhờ quý quốc Thượng công (chỉ Nguyễn Huệ) giọng văn đại để đều là lời nói khi chúa Tây Sơn còn ở. Lúc ấy, có người bàn rằng: hắn đã về rồi thì những chỗ kia nên đổi lại cả. Song trong khi vội vàng không thể đổi kịp, rồi cứ để nguyên văn như cũ”.
Với tờ chiếu đổi niên hiệu như thế, hỏi làm sao Nguyễn Ánh có thể coi vua Chiêu Thống là vua của mình được? Nguyễn Ánh, không nhận vua Chiêu Thống, nhưng chưa dám đoạn tuyệt với triều Lê, nên vẫn dùng niên hiệu cảnh Hưng như cũ.
Năm Nhâm Tuất (1802), sau khi thu phục Phú Xuân, và sau 22 năm xưng vương (từ Canh Tí 1780) Nguyễn Ánh mới đổi niên hiệu, tự đặt niên hiệu là Gia Long nguyên niên. Đổi niên hiệu để tỏ ý rằng không còn là thần tử nhà Lê nữa, dòng Lê đã hết, và ra thu phục Bắc Hà là lấy đất cho mình, lấy từ tay nhà Tây Sơn, không phải lấy đất của nhà Lê, mà cũng không phải lấy cho nhà Lê. Đổi niên hiệu xong, vua Gia Long sai sứ sang Trung quốc cầu phong, nghĩa là cầu được Trung quốc công nhận là vua nước Nam, thay cho nhà Tây Sơn, chứ không phải thay nhà Lê, vì Trung quốc đã công nhận nhà Tây Sơn là vua nước Nam khi phong vương cho Nguyễn Huệ.
Đến chuyện tiền đồng. Xin nói về tiền để tiêu dùng, không nói đến thứ tiền đúc ra chỉ để thưởng công hay để kỷ niệm. Quả như Vương tiên sinh đã nhận xét, không thấy sử liệu nào nói rằng triều Quang Trung có đúc các thứ tiền lớn, đường kính đến 124 ly và 50 ly, mà cho đến nay chỉ thấy có thứ tiền Quang Trung 25 ly. Vua Quang Trung: cũng như các vua nước ta, khi đặt hay đổi niên hiệu, liền cho đúc tiền mang niên hiệu mới, để cho dân biết có niên hiệu ấy. Vua cuối cùng triều Lê, dù ở ngôi không được bao lâu, trong lúc nước loạn, kho hết, cũng có đúc tiền Chiêu Thống.
Vương tiên sinh bảo rằng trong triều Nguyễn, tiền Quang Trung là ngụy tiền, phải đem chôn giấu. Kể ra muốn giấu tiền, tưởng cũng chẳng cần phải chôn, chỉ việc đem đúc ra thành đồ, vết tích niên hiệu ngụy triều sẽ biến mất ngay, và nếu giá đồng cao, lại có lời nữa. Nhưng không phải khi niên hiệu Gia Long xuất hiện, các loại tiền của triều Nguyễn Tây Sơn bị cấm ngay đâu mà người ta phải chôn giấu. Năm Gia Long thứ 2 (1803) mở sở đúc tiền gọi là Bửu Tuyến cuộc (dân gọi nôm là sở Trường tiền) ở Bắc Thành, đúc tiền đồng và tiền kẽm, mỗi đồng nặng 7 phân (mỗi phân bằng 0g377).
Nhưng chắc rằng số tiền mới đúc ra chưa được nhiều, không đủ để đổi cho dân thu tiền cũ về, mà nhất đán cấm ngay tiền cũ, làm tổn hại cho dân nên triều mới vẫn còn để dân gian tiêu dùng đồng tiền cũ, cùng với tiền mới. Việc cho tiêu tiền cũ này kéo dài đến năm Mậu Dần (1818). Theo các tờ chiếu ngày 2 tháng Chạp năm Đinh Sửu, Gia Long thứ 16 (8-1-1818) gửi ra cho các trấn, có định rằng từ tháng Giêng năm Mậu Dần (5-3-1818), vì đã có tiền kẽm mới đúc xong cho đem ra thông dụng nên không được tiêu “ngụy tiền” nữa. Trong các tờ chiếu ấy, lại nhắc rằng trước kia, đã cho ngụy tiền lưu thông năm năm, hết năm năm phải tiêu hủy. Do đó mà thấy rằng từ khi có niên hiệu Gia Long, tiền các triều Tây Sơn vẫn còn được lưu hành và triều đình đã có lần báo trước cho biết là dân gian còn được tiêu ngụy tiền năm năm nữa, và sau hạn ấy, ngụy tiền bị tiêu hủy. Chiếu của triều đình nói tiền ngụy bị tiêu hủy mà không thấy nói đến đổi thành tiền mới ? Phải chăng từ trước đến lúc ấy, tiền cũ đã được đổi nhiều rồi, nhưng chưa hết, vẫn còn cho tiêu dùng, chỉ từ tháng Giêng năm Mậu dần mới không được tiêu nữa vì thời hạn cho đổi đã hết? Lại xin mách ở đây rằng, loại “ngụy tiền” ấy, ngoài tiền Thái Đức, Quang Trung, Cảnh Thịnh ra, lại có tiền Minh Đức của vua Thái Đức, hai chữ Minh Đức không phải là niên hiệu mà chỉ là chữ có nghĩa hay mà thôi.
Cũng để trù liệu việc đổi tiền vào tháng Giêng Mậu Dần, ngay từ tháng Hai năm trước, đã có nhiều chuyến sai, mang lính và tàu ghe ra Bắc thành chở tiền mới đúc về Kinh. Chiếu ngày 22 tháng 2 năm Gia Long thứ 16 sai Chưởng thủy quân Đô thống chế, đem quân thủy bộ gồm 4.124 người, 69 chiếc tàu, 15 chiếc ghe ra Bắc để vận tải tiền mới đúc và các sản vật khác về Huế. Tài liệu này và nhiều tài liệu khác nữa cho thấy rằng đến triều Minh Mệnh, vẫn còn đúc tiền đồng và tiền kẽm tại Bảo Tuyến cuộc ở Bắc thành (nay là khu đất ở cuối phố Trường tin Hànội, tên người Pháp đặt là phố Paul Bert và con đường ở sau mà người Pháp đặt tên là rue de la Sapèquerie), chắc rằng ở ngoài ấy, có sẵn thợ và sẵn nguyên liệu hơn ở kinh đô.
Thứ tiền để dân gian lưu hành, qua các triều đại, chỉ có đường kính chừng 25 ly, thứ tiền lớn và nặng (124 và 50 ly) mà Vương tiên sinh thấy nói trong báo và bán ở ngoài phố đó, có để tiêu dùng không ? Bên Trung quốc, sử liệu cho biết rằng, có triều đại, vì khan tiền và vì thiếu đồng để đúc nhiều tiền nhỏ, phải đúc những tiền lớn. Đời Tam qnốc, nhà Ngụy đúc đồng tiền lớn ăn 500 đồng tiền nhỏ, nhà Ngô đúc đồng tiền lớn ăn 1000 đồng tiền nhỏ, đồng tiền nhỏ này là thứ tiền ngũ thù chế ra từ đời Hán-Vũ-đế. Gọi là tiền lớn, ăn 500 đồng tiền nhỏ, nhưng đem cân lên, đâu có bằng trọng lượng 500 đồng tiền nhỏ, thứ tiền lớn ấy chỉ là thứ tiền lưu hành cưỡng bách, giá trị không đúng với giá trị thật của bản chất.
Các đồng tiền lớn mang niên hiệu Quang Trung và Minh-Mệnh, Vương tiên sinh có nói đến, phải chăng được đúc ra vào lúc thiếu đồng hay, như Vương tiên sinh ức đoán, vào lúc thừa đồng ?
Về triều Quang Trung, sử liệu còn rất khó mà nay có thì biết được triều ấy có đúc tiền lớn không và nếu có, đúc ra đề làm gì ? Sử liệu triều Minh-Mệnh còn nhiêu, nhưng cứ Vương tiên sinh cho biết thì Cụ Nguyễn văn Tố cũng chưa tìm ra công dụng của đồng tiền lớn triều Minh-Mệnh. Trong triều Minh-Mệnh, tiền thông dụng là tiền kẽm nhỏ, chứ không phải tiền đồng. Chỉ có ở Kinh là tiêu nhiều tiền đồng. Số tiền đúc ra để tiêu từ năm Mậu Dần (1818) về sau cũng là tiền kẽm, trái với triều Lê, tiền thông dụng là tiền đồng, tuy từ đời Cảnh Hưng về sau có cho dùng cả tiền kẽm.
Đồng tiền lớn triều Minh-Mệnh, dù có đúc ra để tiêu dùng, không phải sẽ được thay bằng đĩnh bạc, đĩnh vàng đâu. Vàng, bạc vẫn được tiêu song hành với tiền đồng, tiền kẽm. Một đỉnh bạc, nặng một lạng, ăn tiền đồng hai quan tám, và một lạng vàng giá 17 lạng bạc.
Giả sử nay chứng minh được rằng triều Quang-Trung và triều Minh-Mệnh có đúc tiền lớn, vấn đề phải xét là các đồng tiền hiện thấy, có phải đã đúc ra trong các triều ấy không, có thể mới có giá trị cổ vật, hay là mới đúc ngày nay, nghĩa là đồ giả để lừa người chơi đồ cổ không sành.
Nhân đọc bài của Vương tiên sinh về tiền đồng, xin góp thêm vài thiển kiến, để thông cảm với tiên sinh về giá trị đồng tiền, xưa và nay, khi xưa, ba tiền đã mua được con gà (... thoạt tiên mua ba tiền gà), ngày nay con gà đáng bao nhiêu?
NGUYỄN-TOẠI
[Nguồn Bách Khoa thời đại, năm thứ mười, số 225 (15.5.1966), tr.59-63]