Chính sách của Quang Trung đối với tôn giáo thông qua bức Trướng thêu của người em gái Nguyễn Gia Thiều và sự bảo lưu văn vật ấy đến ngày nay

Cách đây không lâu, chúng tôi có may mắn phát hiện tại Huế một văn vật của Phật giáo đã làm ra từ gần hai trăm năm trước. Đó là một bức trướng thêu do sư nữ Diệu Tâm đứng ra thực hiện dưới thời Tây Sơn (1788 - 1801). Bà tên thật là Nguyễn Thị Nhu, em gái của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều (1741 - 1748). Bà làm Phật sự nầy khi đang trụ trì ở chùa Thầy (cách Hà Nội 25km, nay thuộc tỉnh Hà Sơn Bình ) vào những năm cuối cùng của thời Cảnh Thịnh (1793 -1801). Nhưng sau đó, vì thời cuộc đổi thay, bức trướng đã bị lưu lạc từ miền Bắc vào Huế qua tay nhiều chủ nhân, để cuối cùng được giữ kín ở một ngôi chùa tại đây.

Điều đáng lưu ý nhất ở bức trướng thêu này là có liên quan đến vua Quang Trung nói riêng và thời Tây Sơn nói chung, và thái độ của triều đại này đối với đạo Phật.

Trong bài này, chúng tôi xin giới thiệu sơ lược hình thức, nội dung bức trướng, và thông qua hiện vật ấy, thử tìm hiểu chính sách của vua Quang Trung và nhà Tây Sơn đối với đạo Phật bấy giờ, rồi cuối cùng, xin nói đến sự bảo lưu bức trướng trong gần 2 thế kỷ nay.

I — GIỚI THIỆU HÌNH THỨC VÀ NỘI DUNG BỨC TRƯỚNG.

A) Hình thức: Bức trướng làm bằng vải quí, trên đó thêu khoảng 7.000 chữ Hán và hai hình người với chỉ ngũ sắc. Bức trướng được cuốn lại thành một cuộn tròn đặt trong một cái trắp nhỏ làm bằng gỗ trầm hương, trên các mặt chạm khắc rất tinh xảo một số cảnh vật và sinh hoạt của con người thời thường thấy ở các chùa chiền miền Bắc.

Nếu trải toàn bộ bức trướng ra thì chiều dài đo được 4,47m, bề rộng khoảng 0,25m. Nó có hai lớp vải. Lớp trước là lụa màu vàng, chữ và các hình ảnh đều được thêu ở lớp này. Lớp sau là nhiễu điều, nguyên có dệt hoa lá và bướm, không thêu thùa gì, chỉ dùng để lót cho bền. Bốn cạnh chung quanh bức trướng đều được viền nhiễu màu hỏa hoàng. Gân đường biên có trang trí hoa văn bằng chỉ màu gạch, màu lục và xanh đậm. Chữ thêu theo lối chữ chân. Chỉ thêu chữ gồm 4 màu : xanh, trắng, lục và gạch. Màu chữ thường thay đổi liên hoàn theo thứ tự đó. Hai hình người được thêu nổi bằng chỉ kim tuyến. Người thứ nhất ở đầu bức trướng là hình ảnh đức Phật Thích Ca Mâu Ni đang ngồi thiền định trên tòa sen, ngực thêu chữ vạn: được một cánh hoa sen rất lớn dựng đứng lên làm nền cho phần từ phía trái đến đỉnh đầu. Nằm lót dưới cánh hoa là ngọn lá bồ đề. Theo chữ phạn, bồ đề cổ nghĩa là giác ngộ. Cánh hoa sen tượng trưng cho sự giải thoát. Điều đáng lưu ý là trong lòng cánh hoa có thêu 2 dòng chữ:

Vương nghiệp cầu vô cương

Pháp luân thường chú chuyển.

( Cầu mong cho sự nghiệp của triều đại (Tây Sơn) kéo dài mãi mãi, và giáo lý nhà Phật luôn luôn chuyển động lưu truyền ).

Hình ảnh thứ hai, nằm gần cuối bức trướng, là một vị hộ pháp ở tư thế đứng, như đang cử động, đầu đội mũ có chóp, mình mặc nhung y, chân mang giày, hai tay nâng thanh kiếm.

Nhìn chung, cái trắp gỗ chạm và bức trướng thêu đều chứng tỏ các tác giả của chúng đã đầu tư vào đó rất nhiều tư duy và công xảo.

B) Nội dung: Nội dung chữ thêu trong bức trướng gồm 3 phần chính:

Phần đầu là hai bài tựa viết về quyển kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật, gồm 1.153 chữ.

Phần giữa là nguyên văn quyển kinh ấy, gồm khoảng 5.000 chữ.

Phần cuối là bài bạt hậu viết về quyển kinh về việc thêu bản kinh ; gồm 329 chữ.

Về nguyên bản quyển kinh Kim Cang, thiết tưởng khỏi phải giới thiệu dài dòng, vì nó tương đối phổ biến đối với nhiều người. Chỉ cần nói rằng quyển kinh ghi lại cuộc đối thoại giữa đức Phật Thích Ca Mâu Ni về một môn đồ của ngài là Tu Bồ Đề. Cuộc đối thoại quay chung quanh vấn đề hữu tướng, vô tướng và thật tướng của vạn hữu. Kinh cho rằng thật tướng của vạn sự vạn vật là ở thể chân không, vì nếu hữu tướng thì còn nằm trong vòng sinh diệt. Đọc kinh này sẽ mở mang trí tuệ ( bát nhã ) hầu đạt được cứu cánh ( ba la mật: đáo bỉ ngạn: đến bờ kia) đề giải thoát.

Kinh Kim Cang đã được các nhà nghiên cứu Phật học trên thế giới xem là một trong những quyển kinh có giá trị triết lý cao nhất trong giáo lý của nhà Phật.

Dưới đây chỉ xin đề cập đến nội dung hai bài tựa và bài bạt hậu, là những phần có liên quan đến giai đoạn lịch sử mà chúng ta cần tìm hiểu.

1. Bài tựa thứ nhất tương đối ngắn (248 chữ), nhưng nhan đề lại khá dài: “Thái Thượng Hoàng Đế Ngự Chế, Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh”. Nghĩa là bài tựa của Thái Thượng Hoàng Đế viết về quyển kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Đa.

Bài tựa mở đầu bằng cách nhắc đến một câu nổi tiếng nhất trong quyển kinh: “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” ( Cụ Đào Duy Anh dịch: Đừng bám vào gì mà để lòng vào). Nội dung chính của bài tựa là ca ngợi sự uyên thâm của triết lý trong kinh. Tác giả muốn mọi người đọc kinh ấy để hiểu sự kỳ diệu của nó.

Bài tựa được viết ra vào thời điểm nào, không thấy ghi rõ, nhưng lại kết thúc bằng câu. “Thì, hoàng Nguyễn Triều Cảnh Thịnh thất niên, tuế tại Kỷ Mùi, lục nguyệt, hoàng đạo nhật, cẩn chí” (Kính cẩn ghi vào một ngày tốt, tháng sáu năm Kỷ Mùi, là năm Cảnh Thịnh thứ bảy của hoàng triều nhà Nguyễn (Tây Sơn), tức là tháng 7-1799).

Các bộ từ điển lớn bằng chữ Hán cho biết: Một trong những ý nghĩa của chữ “Thái Thượng” là dùng để gọi người ở vào địa vị đáng tôn kính (vị cư tôn thượng chi vị giả). Nếu áp dụng ý nghĩa này vào trường hợp trên đây, thì có lẽ vua Cảnh Thịnh đã dùng nhóm chữ “Thái Thượng Hoàng Đế” để chỉ vị vua tiền nhiệm, tức là Hoàng Đế Quang Trung.

2.  Bài tựa thứ hai nhan đề là “Ngự chỉ Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật kinh tự” dài đến 905 chữ, viết với danh nghĩa vua Cảnh Thịnh. Bài tựa mở đầu:

“Trẫm nghĩ rằng đạo Phật sâu rộng kín đáo, cảm thông được một cách thần diệu, lấy từ bi để đem điều lợi cho mọi vật, dùng trí tuệ để giác ngộ cho mọi người, vượt hẳn lên trên vạn hữu để được độc tôn, trải qua nhiều kiếp mà chẳng bao giờ bị hủy hoại. Trong đó, kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật là có giá trị cao hơn hết”.

Đoạn tiếp theo ca ngợi sự uyên thâm mầu nhiệm của quyển kinh và khuyên mọi người nên tụng niệm, học tập kinh nầy để được giác ngộ giáo lý nhà Phật.

Tác giả kết thúc bài tựa bằng cách kể lại câu chuyện cổ tích nói đến gia đình ông Thi Đà La nguyên làm nghề giết dê để bán thịt, nhưng sau đó, nhờ làm Phật sự nên gặp được nhiều điều tốt lành cho con cái.

Ngay sau bài tựa thứ hai ấy là một bài “tán” dài 308 chữ, và một bài “kệ” dài 40 chữ. Rồi bắt đầu thêu nguyên văn quyển kinh Kim Cang với câu “Như thị ngã văn: Nhất thời Phật tại Xá Vệ quốc ...”.

3. Bài bạt hậu nằm ở phần cuối bức trướng; mang tựa đề là “Kim Cang kinh trang kim tự bạt hậu”, nghĩa là bài bạt nói về việc thêu chữ bản kinh Kim Cang ấy. Nội dung có những điểm đáng lưu ý sau đây:

Tác giả bài bạt, cũng là tác giả bức trướng thêu, pháp danh là Diệu Tâm, người làng Liễu Ngạn, huyện Siêu Loại, phủ Thuận An, đạo Kinh Bắc (nay là huyện Thuận Thành, tỉnh Hà Bắc ) đã xuất gia đầu Phật, rồi trụ trì ở chùa Sài Sơn (Sài Sơn am, tức chùa Thầy). Bà đứng ra thêu quyển kinh nầy để hồi hướng công đức, “cung tiến” cho cha mẹ đã mất là tướng công họ Nguyễn và Công chúa Quỳnh Liên. Ở đoạn cuối ghi tên họ một số Phật tử đã đóng góp chỉ kim tuyến và gấm để làm bức trướng: gồm có sư nữ Diệu Bình, bà Nguyễn Thị Định cùng con gái là Nguyễn Thị Hòa và rể là Phan Hay Thực (1778 - 1844). Cuối cùng là lời cầu nguyện cho tổ tiên của những người ấy và của tác giả được siêu thoát.

Bài bạt hậu nói riêng và bức trướng thêu nói chung được chấm dứt bằng câu “Cảnh Thịnh bát niên thập nhất nguyệt sơ nhật ký” (ghi vào ngày mồng một tháng mười một năm Cảnh Thịnh thứ tám, tức là ngày 16-12-1800).

Sau khi tìm hiểu, chúng tôi biết được rằng sư nữ Diệu Tâm tên thật là Nguyễn Thị Nhu, em gái của Nguyễn Gia Thiều, tác giả Cung Oán Ngâm Khúc. Vị tướng công họ Ngnyễn, thân sinh của họ, tên thật là Nguyễn Gia Ngô. Dưới thời Lê Trịnh, ông đã là một võ qnan cao cấp và được phong tước hiệu Đạt Võ Hầu. Công chúa Quỳnh Liên, thân mẫu của họ, tên thật là Trịnh Thị Ngọc Tuân, con gái chúa Trịnh Cương (1709 - 1729 ). Còn Phan Huy Thực thì sau đó trở thành một trong những tác giả nổi tiếng của dòng họ Phan Huy, Phan Huy Ích (1751 - 1822 ), Phan Huy Chú (1782 - 1840), vv...

Như vậy, bức trướng thêu ấy là một hiện vật mang giá trị lịch sử và văn hóa của một thời: Thời Tây Sơn.

II - CHÍNH SÁCH CỦA QUANG TRUNG ĐỐI VỚI PHẬT GIÁO THÔNG QUA BỨC TRƯỚNG THÊU:

Ngoài thiên tài quân sự, Quang Trung còn là một vị vua đã thực hiện nhiều cải cách trên mặt trận văn hóa tư tưởng, trong đó đạo Phật đã được thuần thiết hóa cho đúng bản chất đích thực của nó. Chính sách đúng đắn của vua Quang Trung nói riêng và thời Tây Sơn nói chung đã áp dụng được nhu cầu đòi hỏi của giới Phật tử chân chính bấy giờ.

Vừa mở bức trướng ra, chúng ta thấy ngay câu đối nói lên sự hài hòa tốt đẹp giữa nhà làm chính trị và kẻ tu hành, giữa nhà vua và nhà chùa, giữa chính quyền và tôn giáo:

Vương nghiệp cầu vô cương,

Pháp luân thường chú chuyển.

Phật giáo đã có những đóng góp xứng đáng vào việc xây dựng và phát triển nền văn hóa của đất nước Đại Việt dưới các thời Lý, Trần (thế kỷ XI - XIV). Qua thời Hậu Lê (từ thế kỷ XV trở đi), đạo Phật không còn giữ địa vị độc tôn nữa, mà bị đẩy xuống hàng thứ yếu sau Nho giáo. Trong hơn ba thế kỷ tranh chấp quyền bính giữa các thế lực chính trị và gây ra các cuộc nội chiến đẫm máu giữa nhà Mạc, nhà Lê, họ Trịnh, họ Nguyễn, tư tưởng của nhân dân Đại Việt đâm ra hoang mang, và họ mất tin tưởng về phía chính quyền. Do đó, thần quyền có cơ hội phát triển. Thần thánh chẳng những ngồi chễm chệ trong các am miếu mà còn xâm nhập vào trong các chùa chiền mọc lên khắp nơi nữa.

Sau khi lên ngôi, Quang Trung thấy rõ sự hổn độn giữa đạo Phật thuần túy và mê tín dị đoan, cho nên, nhà vua đã thi hành một chính sách chấn chỉnh Phật giáo trong cả nước.

Chùa Trúc Lâm (Huế), nơi bảo lưu bức trướng thêu từ năm 1945 đến nay

Một đoạn của bức trướng thêu

Cách đây khoảng 50 năm, một sử gia Việt Nam đã viết:

“Vua Quang Trung thấy làng nào cũng có chùa chiền, mà những người đi tu thì ngu dốt, không mấy người đạt được cái đạo cao sâu của Phật, chỉ mượn tiếng thần thánh mà đánh lừa kẻ ngu dân, ngài xuống chiếu bắt bỏ những chùa nhỏ ở các làng, đem gỗ gạch làm ở mỗi phủ một huyện một cái chùa rất to, rất đẹp, rồi chọn lấy những tăng nhân có học thức, có đạo đức, ở coi chùa thờ Phật. Còn những người không xứng đáng thì bắt về làm ăn. Ý vua Quang Trung muốn rằng chỗ thờ Phật phải cho tôn nghiêm, mà những người đi tu hành thì phải là người chân tu mộ đạo mới được. Những việc cải cách ấy rất có nghĩa lý...” (1). Trong bài tựa thứ nhất ở bức trướng thêu, có một đoạn nhà vua viết rằng:

“Trẫm từ khi lên ngôi bao giờ cũng dùng đạo để cai trị thiên hạ. Nay được thong thả, muốn nuôi dưỡng chân lý của trời, mong được phúc đức yên ổn, làm được việc thiện là lấy làm vui, để hết tinh thần vào đạo huyền diệu, tìm hiểu lý lẽ sâu kín của chân kinh, rồi bảo các nhà sư in thành sách cho đẹp đẽ mà truyền bá rộng rãi để mong mọi người trong thiên hạ hiểu rõ được sự kỳ diệu của kinh này”.

Một người đã từng đi sâu vào những nghĩa lý uyên thâm của Phật pháp như thế, chắc hẳn không thể nào chịu để cho tôn giáo ấy bị lợi dụng như một thứ bùa phép làm mê hoặc lòng người. Với chính sách cải cách trên đây, chúng ta thấy vua Quang Trung đã có thái độ đúng đắn và biện pháp đúng mức đối với đạo Phật.

Bài tựa thứ hai trong bức trướng thêu có đoạn viết: “Bức Như Lai đã dùng sự giác ngộ cao cả nhất và lòng từ bi rộng lớn của ngài để thương xót cảnh trầm mê của thế nhân, và ngài nghĩ đến sự tối tăm của chúng sinh nên nói ra kinh này để mở rộng cho người thấy rõ phương cách cởi bỏ những ràng buộc của cuộc sống, rửa sạch bụi đời..., chuyển si mê thành trí tuệ, bỏ tối tăm thành ra sáng suốt. Đó là công đức quảng đại của kinh này vậy”.

Sự kiện nhà Tây Sơn tôn trọng đạo Phật nói riêng và các tôn giáo khác nói chung đã được xác nhận qua câu nói sau đây của một chứng nhân đương thời là giáo sĩ Le Roy trong bức thư của ông gửi cho Blandin đề ngày 18-7-1793:

Từ khi nhà Tây Sơn lên làm chủ, tôn giáo được tiến bộ

Các tư liệu khác còn cho biết rằng dưới thời Tây Sơn, hai ngôi chùa nổi tiếng xưa nay ở miền Bắc là chùa Tây Phương và chùa Kim Liên đã được tu sửa và tôn tạo. Tại chùa Tây Phương còn có những tự khí rất quí của thời này, như quả chuông đồng trên đó ghi bài minh của Phan Huy Ích, và đây cũng là “nơi tập trung nhiều pho tượng có giá trị nghệ thuật lớn, nổi tiếng nhất là tượng Phật Tuyết Sơn và tượng 18 vị tổ, lấy đề tài trong sự tích đạo Phật nhưng vẫn thể hiện sâu sắc những con người Việt Nam rất hiện thực và gợi cảm. Những kiệt tác nghệ thuật tạc tượng ấy đã được nhiều nhà nghiên cứu lịch sử mỹ thuật Việt Nam (trong đó có cố giáo sư Nguyễn Đỗ Cung) chứng minh là thuộc thời Tây Sơn” (2).

Ở miền Bắc, một số khá nhiều chuông khánh bằng đồng thời Tây Sơn cũng còn tồn tại trong một số đền chùa cổ, như chùa Đức Diễm, chùa Ngọc Quán, chùa Sủi, chùa Keo, đền Hạ Lôi, quán Trấn Vũ, v.v... Ngay tại Bình Trị Thiên, một quả chuông đồng trên đó có khắc tên danh tướng Vũ Văn Dũng cũng đã được tìm thấy ở chùa làng La Chữ, và gần đây nhất, một quả chuông khác cũng đã được phát hiện ở làng Cảnh Dương.

Trong bài bạt hậu của bức trướng thêu, có một câu viết rằng: “Ngài Tổ sư trong một bài kệ ca ngợi vị minh quân có nói rằng một giọt mồ hôi của nhà vua cũng đủ làm cho muôn đời mát mẻ. Môn đồ của đạo pháp nhiều vô cùng nhưng đều được soi sáng. Công đức ấy thật khó mà đền đáp và không thể quên được”. Phải chăng “vị minh quân” nói đến trong bài kệ chính là Quang Trung?

Nhìn chung, thông qua bức trướng thêu này, chúng ta thấy rõ hơn chính sách vua Quang Trung và nhà Tây Sơn đối với Phật giáo bấy giờ, và chúng ta cũng thấy được cảm tình của giới

phật tử bấy giờ đối với triều đại. Tình cảm đó vẫn tiếp tục duy trì mãi cho đến ngày nay qua việc bảo lưu bức trướng thêu để hiện tại chúng ta còn có được để chiêm ngưỡng.

III- SỰ BẢO LƯU BỨC TRƯỚNG THÊU TRONG GẦN 200 NĂM NAY :

Bối cảnh địa lý và lịch sử, cũng như tên tuổi và quê quán của các nhân vật được ghi chép trong bài bạt hậu đều cho phép khẳng định rằng xuất xứ của bức trướng thêu và cái trắp đựng nó là miền Bắc, cụ thể là chùa Thầy. Ngôi chùa này, còn gọi là chùa Phật Tích, Sài Sơn am, Thiên Phúc tự, mãi đến ngày nay vẫn còn hầu như nguyên vẹn và được xem là một danh lam thắng cảnh nổi tiếng ở thôn Đa Phúc thuộc xã Sài Sơn, Hà Sơn Bình. Nhưng tại sao hiện nay bức trướng thêu không còn nằm ở chùa ấy nữa mà lại có mặt ở chùa Trúc Lâm tại Huế ?

Chùa Trúc Lâm, được thiết lập vào năm 1903 thời Thành Thái, là một trong những ngôi chùa nổi tiếng ở cố đô. Chùa ẩn mình ở một vùng gò đồi yên tĩnh, cây cối xanh tươi, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 6km về phía nam.

Chúng tôi được Hòa Thượng Mật Hiền (năm nay 83 tuổi, trụ trì chùa này) và Sư Bà Diệu Không (85 tuổi, trụ trì chùa Hồng Ân gần đó) cho biết:

Sư nữ Diệu Tâm sau khi xuất gia đầu Phật một thời gian thì được “thọ đại giới” và làm trụ trì chùa Thầy. Tại đây, người nữ tu ấy đã đứng ra quyên góp chỉ và gấm do một số phật tử cúng dường, và tự tay mình thực hiện bức trướng thêu. Bà thêu trong nhiều năm mới hoàn tất, vì cứ thêu xong mỗi chữ là “trì chú mười biến tâm kinh Kim Cang Bát Nhã”. Thời điểm hoàn thành bức trướng đã được thêu rõ ở cuối bài bạt hậu là “Cảnh Thịnh bát niên thập nhất nguyệt sơ nhất nhật” tức là ngày 16-12-1800.

Thực hiện xong xuôi thì bức trướng được tôn trí thờ phụng ở tại chùa Thầy. Ngay lúc đó, tác gỉả của nó (Diệu Tâm) đã làm thêm Phật sự cuối cùng, là tự nguyện tự thiêu thân xác mình để cúng dường chư Phật!

Sau đó một vài năm, nhà Nguyễn tiêu diệt nhà Tây Sơn, tác phẩm văn hóa thuộc triều Tây Sơn ấy bị tịch thu đưa vào kinh đô Huế. Nhưng triều đình nhà Nguyễn đã không thủ tiêu văn vật ấy, vì thấy nó quá quí, và vì vua quan nhà Nguyễn phần lớn đều tôn sùng đạo Phật, nhất là các bà vợ, vua, mẹ vua đều rất mộ đạo. Họ đã từng lập chùa, xây tháp, đúc tượng, đức chuông rất nhiều ở Huế và khắp nơi. Cho nên, bức trướng quí báu ấy được đưa vào thờ tại Phước Thọ Am (còn gọi là Khương Ninh Các), là ngôi chùa dành riêng cho các bà Hoàng Thái Hậu cũng như phi tần cung nữ tụng kinh niệm Phật ở phạm vi cung Diên Thọ trong Đại nội.

Dưới thời Thành Thái (1889 - 1907) Hòa thượng Phước Huệ, tức là ngài Thập Tháp ở Bình Định, được Bà Hoàng Thái Hậu Từ Minh (vợ vua Dục Đức) mời vào Đại nội để giảng kinh, thuyết pháp. Cho nên, Hòa thượng biết đến bức trướng thêu ấy.

Dưới thời Duy Tân (1907 - 1916) hay thời Khải Định (1916 - 1925) gì đó, khi uy thế của triều Nguyễn sa sút hẳn, thì văn vật ấy bị lưu lạc ra ngoài Hoàng thành.

Trong thời kỳ Chấn hưng Phật giáo, vào khoảng năm 1935, Hòa thượng Thập Tháp ra dạy tại trường Đại học Phật giáo ở Huế. Trường bấy giờ mở tại chùa Tây Thiên (cách Huế khoảng 5km đường bộ về phía nam và cách chùa Trúc Lâm chừng 1 km về phía bắc). Nghe nói bức trướng thêu trong Đại nội bị thất thoát, Hòa thượng liền hỏi bà Từ Cung (mẹ vua Bảo Đại) về điều đó. Bà cho biết văn vật ấy đã mất thật. Hòa thượng bảo một môn đệ là sư nữ Diệu Không và một số tăng cang đi tìm.

San một thời gian dò hỏi rất công phu và khó nhọc, sư nữ Diệu Không đã tìm ra bức trướng thêu. Sở hữu chủ của nó bấy giờ là một nhà trọc phú ở vùng Gia Hội (Huế), vợ một quan Thượng thư đã qua đời. Bà này quí cái trắp gỗ trầm hương hơn là bức trướng thêu chữ Hán được cuốn tròn để ở bên trong. Bà Diệu Không đành phải mua cái trắp với giá 200 đồng (bấy giờ một lượng vàng trị giá 35 đồng) để được mua luôn bức trướng thêu trong đó chỉ bán với giá 50 đồng!

Sau khi đưa về chùa Tây Thiên, Hòa thượng Phước Huệ rất mừng và nói với các môn đệ của mình rằng:

“Bức trướng thêu này còn thì Phật giáo Việt Nam còn”.

Hòa thượng bàn giao cho một môn đệ là Hòa thượng Giác Nhiên tôn trí ở đây.

Sau đó 10 năm, thấy sự cất giữ ở chùa Tây Thiên không được bảo đảm lắm vì trong chùa vừa bị mất một bộ y bát, các Hòa thượng quyết định “thỉnh” văn vật ấy qua thờ ở chùa Trúc Lâm. Nó được Hòa thượng Mật Hiền bảo quản cẩn mật tại chùa này từ năm 1945 đến nay.

Hòa thượng Mật Hiền đã nói với chúng tôi rằng:

“Đây là một pháp bảo quí nhất của chùa”.

Nhân dịp lễ Phật Đản năm ngoái, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Trị Thiên đã tổ chức một cuộc triển lãm về văn hóa Phật giáo tại chùa Từ Đàm (Huế) từ ngày 5 đến ngày 14-5-1987. Mấy nghìn tư liệu và hiện vật quí nhất của Phật giáo ở các chùa chiền miền sông Hương núi Ngự đều được đưa về trưng bày tại đây. Bức trướng thêu thời Tây Sơn đã được đưa ra trưng bày lần đầu tiên trước công chúng. Nó được tôn trí ở vị trí trung tâm của phòng triển lãm để cho hàng vạn lượt khách địa phương và nhiều vùng khác trong cả nước đến tham quan Huế có dịp chiêm ngưỡng.

Tóm lại, qua gần hai thế kỷ với biết bao biến động chính trị và nhất là sự tàn phá của chiến tranh, bức trướng thêu thời Tây Sơn vẫn được bảo lưu cẩn trọng và giữ gìn hầu như nguyên vẹn. Nó đã kinh qua một cuộc hành trình dài từ miền Bắc đến miền Trung, từ chùa Thầy vào Đại nội, rồi từ tay một nhà trọc phú đến chùa Tây Thiên và chùa Trúc Lâm. Nó đã trải qua những cơn sóng gió của thời cuộc, những bước thăng trầm của lịch sử, nhưng vì hiện vật tôn giáo này có được một giá trị văn hóa vượt hẳn lên trên mọi giá trị chính trị đương thời, và lại được lòng người của mọi thời đại gìn giữ, cho nên, nó xin đứng vững mãi với thời gian cho đến ngày nay. Cho hay, mái chùa có khả năng bảo vệ các văn vật hơn là mái cung điện, lâu đài, biệt thự, tư gia.

Bức trướng thêu này góp phần làm sáng tỏ thêm chính sách và thái độ của vua Quang Trung và nhà Tây Sơn đối với Phật giáo. Đây là một điều đáng ghi nhận về lịch sử tư tưởng của thời đại ấy.

Ngoài ra, bức trướng thêu và cái trắp gỗ chạm còn chứa đựng một số vấn đề đáng quan tâm khác nữa đối với các nhà nghiên cứu văn học, sử học, triết học, mỹ thuật về thời Tây Sơn.

Nó là một văn vật quí hiếm và độc đáo trong lịch sử văn hóa dân tộc.

Huế, cuối 1988

P.T.A.

 

(Nguồn Văn Nghệ, Hội Văn học Nghệ thuật Nghĩa Bình, Xuân Kỷ Tỵ 200 năm chiến thắng Đống Đa, số 20, 1989, tr.69-76)

Các bài viết khác:
Vietravel
Khách sạn Midtown
Phú Đạt Gia