Vua Quang Trung khởi nghĩa ở đất Tây Sơn – Nghĩa Bình, nhưng lại dựng nghiệp ở Huế. Ông đến giải phóng Phú Xuân ra khỏi tay quân Trịnh từ năm 1786, hai năm sau lên ngôi tại núi Bân cũng chính trên mảnh đất ấy. Ông làm vua ở Huế được 4 năm thì mất, con ông là Quang Toản tuổi nhỏ, thiếu tài nên chỉ kéo dài thêm được gần mười năm thì bị Nguyễn Ánh – một hậu duệ của các chúa Nguyễn trước kia nhờ tàu đồng và súng đạn Tây phương đánh chiếm lại. Kinh thành Phú Xuân – nơi cha con vua Quang Trung đã bị Nguyễn Ánh triệt hạ, những dấu vết có liên quan đến phong trào Tây Sơn nói chung và vua Quang Trung nói riêng đều bị xóa sạch, đồ tự khí bằng đồng bị nấu chảy, đúc thành 9 khẩu súng Thần công còn để lại bên trong hai bên cửa Ngọ Môn ngày nay ấy. Lăng mộ vua Quang Trung cùng ông anh là Nguyễn Nhạc bị đào bới xương cốt, giả thành bột bắn đi tứ phía, sọ đều bị bỏ vào “vò” ràng rịt giây xích sắt giam vào ngục thất. Có thể nói thời đại hiển hách của Quang Trung trên đất Huế đã bị Nguyễn Ánh (sau lên ngôi lấy niên hiệu là Gia Long) xóa trắng.
Từ ngày nhà Nguyễn cáo chung (1945) đến nay ngót bốn mươi năm qua – đặc biệt là mười năm giải phóng trở lại đây – các nhà nghiên cứu, đồng bào yêu nước đã tích cực tìm lại những di tích có liên quan đến thời đại Quang Trung để tôn tạo phục vụ việc giáo dục lớp trẻ, phục vụ khách du lịch đến tham quan Huế. Anh Đỗ Bang đã có nhiều đóng góp đáng kể - điểm phát hiện nổi bật nhất là xác định được địa điểm núi Bân, nơi vua Quang Trung đã lên ngôi và từ đó phát khởi cuộc hành quân thần tốc ra tiêu diệt 29 vạn quân Thanh đang dày xéo Thăng Long… Anh Phan Thuận An với những di tích có liên quan đến thời Quang Trung ở La Chữ - Hương Điền. Riêng chúng tôi chưa có điều kiện để nghiên cứu sâu đề tài này, hôm nay chỉ xin cung cấp thêm một số chỉ dẫn qua những tư liệu đã có sẵn trong tay.
I – MỘT DI TÍCH CÓ LIÊN QUAN ĐẾN KINH ĐÔ PHÚ XUÂN THỜI ĐẠI QUANG TRUNG LÀ ĐÌNH PHÚ XUÂN:
Kinh đô Phú Xuân có tự bao giờ? Đại nam thực lục (tiền biên) của sử quán triều Nguyễn cho biết:
“Mùa thu, tháng 7 (chúa Nguyễn Phúc Trăn) lấy phủ cũ làm miếu Thái Tông, dời phủ mới sang Phú Xuân, lấy núi đứng trước (tức Ngự Bình) làm án, đắp tường thành, xây cung điện, trước mặt đào hồ lớn, trồng hoa cỏ cây cối thể chế rất tráng lệ” (tr.134).
Viết đoạn sử này, các sử gia triều Nguyễn đã lấy tài liệu từ sách Phủ biên tạp lục của Lê Quí Đôn ở đoạn này:
“Tháng bảy năm ấy (1687) (Phúc Trăn) sai đổi phủ cũ làm đường Dũng Triết Vương, dời làm phủ mới cách phủ cũ (tức Kim Long) hơn 5 dặm, lấy hòn Mô là quả núi cao và ngay ngắn làm tiền án, trồng cây, đắp nền, xây tường, sửa đường, nhà ngói thành gạch, cung vàng gác báu rất là hoa mĩ, xa xỉ, tức là phủ Phú Xuân ngày nay” (tr.146).
Lê Quí Đôn “tức là phủ Phú Xuân ngày nay” cũng tức là phủ Phú Xuân khi quân Trịnh vào chiếm đóng và chính Lê Quí Đôn là người đứng đầu bộ máy hành chánh ở Thuận Hóa – Phú Xuân với cái chức là Hiệp trấn tham tán quân cơ.
Sự thật thì phủ Phú Xuân do quân Trịnh chiếm năm 1775 không phải xây dựng từ đời Nguyễn Phúc Trăn. Như chúng ta biết, con của Nguyễn Phúc Trăn là Nguyễn Phúc Chu năm 1712 đã từng bỏ phủ Phú Xuân của bố để chạy ra dựng phủ mới ở làng Bác Vọng, mãi đến năm 1738, cháu nội của Chu là Nguyễn Phúc Khoát mới trở lại Phú Xuân. Nhưng Khoát lại không sử dụng mảnh đất cũ của ông cố, mà cho xây ở bên tay trái phủ cũ một dinh cơ mới nguy nga tráng lệ hơn. Đến đầu năm Kỷ Mùi (1739) công việc xây cất phủ mới hoàn thành (Thực lục tr.201). Đến năm 1741, Nguyễn Phúc Khoát lên ngôi, phủ chính Phú Xuân đổi lại thành Đô thành Phú Xuân (Thực lục tr.208).
Đô thành Phú Xuân dưới thời Nguyễn Phúc Khoát là Kinh đô của nước Việt Nam thời Quang Trung. Lúc Nguyễn Ánh chiếm lại Phú Xuân, cơ sở của cái Kinh đô nầy đã bị triệt hạ hết, để làm lại Kinh thành Huế như ta thấy bây giờ. Tuy vậy cái tên Phú Xuân vẫn giữ như cũ. Người dân Phú Xuân rất tự hào mình là dân Kinh đô. Do đó mà như Cadière[1] cho biết dân Phú Xuân dù bị phân tán ra nhiều nơi, từ chung quanh Huế đến tận Quảng Trị - Quảng Bình, họ vẫn giữ cái tên Phú Xuân và hằng năm vẫn tìm cách trở về mảnh đất tổ, lễ bái tại tổ Đình Phú Xuân. Gia Long biết rõ điều đó cho nên dù phải triệt hạ hết các di tích cũ để xây dựng nên Kinh đô của riêng dòng họ mình, ông vẫn phải giữ lại cái Tổ đình của miếng đất Phú Xuân huy hoàng ấy. Đại nam nhất thống chí của triều Nguyễn còn ghi:
“Ở phía Bắc đàn Tiên Nông trong kinh thành, khi trước dân xã Phú Xuân lập đình để thờ Linh thần trong xã. Bản triều, đầu niên hiệu Gia Long đắp Kinh thành, đình ấy lọt vào trong thành, cho cứ phụng sự như cũ, quan cấp tiền cho cúng tế. Năm Minh Mạng thứ 10 (1829) cấp 200 quan tiền giao cho xã dân trùng tu (tập Kinh sư, tr.91).
Ở những vị trí chung quanh ngôi đình này (hiện nay nằm trên đường Thái Phiên – phường Tây Lộc) còn có nhiều di tích thuộc làng Phú Xuân cũ: Ở phía Đông bắc có miếu Hội đồng, hồ vuông của ông Thượng tiên chi làng Phú Xuân (tên Nguyễn Thanh), phía tây ngay bên đình có đàn âm hồn, phía tây nam (bên trái con đường ra cửa Chánh Tây) có đất, ruộng cũng thuộc làng Phú Xuân. Đình được trùng tu sửa chữa nhiều lần. Bên trong ở gian giữa còn có tấm hoành ghi mấy chữ “Dự quốc đồng hưu” – các cụ bô lão giải thích là “cả nước cùng lo” cho cuộc sống của dân làng Phú Xuân”.
Đình làng Phú Xuân không phải là một di tích trực tiếp có liên quan đến thời đại Quang Trung, nhưng có thể nói nó là một di tích hiếm có, liên quan đến Kinh thành Huế thời Quang Trung. Đây là một vị trí đặc biệt sẽ giúp cho các nhà nghiên cứu xác định vị trí Kinh thành Phú Xuân dưới thời Quang Trung.
II. – CHÙA THIỀN LÂM:
Chúng ta đã từng biết vua Quang Trung có một người anh em vợ là Bùi Đắc Tuyên. Sau khi vua Quang Trung mất, Tuyên làm Thái sư cho vua Quang Toản. Lợi dụng chức vụ Thái sư, Tuyên đã tiếm quyền làm nhiều điều bậy bạ: hút xách, rượu chè, cờ bạc, giết hại công thần… Việc suy sụp sự nghiệp của vua Quang Trung một cách nhanh chóng là do một tay Tuyên gây nên. Từ ngày vua Quang Trung còn sống, Tuyên không ở trong Kinh thành Phú Xuân mà kéo thuộc hạ lên chiếm chùa Thiền Lâm làm sào huyệt. Nhiều lần vua Quang Trung đã vi hành lên đây gặp Tuyên. Sau ngày vua Quang Trung mất thì Quang Toản cũng hay đến . (Theo lời kể của Thượng tọa Mật Hiển) Đại Nam nhất thống chí (Thừa Thiên phủ tập thượng) kể rằng:
“Tương truyền Hòa thượng Thạch Liêm, lập nên (chùa Thiền Lâm), cảnh trí u tịch. Khi trước Thái sư Tây Sơn là Bùi Đắc Tuyên đến ở, sau Tuyên bại, người trong ấp nhân đó sửa lợp lại. Trong niên hiệu Gia Long, Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu quyên tiền trùng tu, nay hư hỏng chỉ còn chùa chính. Bên trái chùa có một cái chuông đồng lớn cao 4 thước, lưng tròn 6 thước, dày 4 tấc, ở bên có khắc chữ: đúc năm Vĩnh Thạnh 12 (1716) – Vĩnh Thạnh tức là niên hiệu của vua Lê Dụ Tông vậy. Đầu niên hiệu Gia Long dẹp xong Bắc Thành chở về đăng vào kho, sau sửa chùa xong, dời đem lên chùa” (tr.88).
Chùa Thiền Lâm ngày nay vẫn còn dưới chân đồi Quảng Tố. Nó không phải là một di tích có gắn bó nhiều với thời Quang Trung, nhưng nó vẫn là một điểm cần lưu ý khi nghiên cứu đến triều đại Quang Trung ở Huế.
III. – “ĐAN LĂNG” – LĂNG VUA QUANG TRUNG Ở HUẾ.
Như chúng ta đã từng biết, năm 1802, trong lễ tế trời (lễ Hiến phù), vua Gia Long trả thù vua Quang Trung, bằng cách quật lăng vua Quang Trung lấy một phần hài cốt giã nhỏ trộn với thuốc súng bắn tung lên trời, duy cái sọ dừa của vua Quang Trung và sọ của Nguyễn Nhạc thì giữ lại và giam vào ngục thất. Vì thế mà từ sau ngày chế độ quân chủ cáo chung ở Việt Nam, nhiều nhà học giả đã đi tìm vết tích của lăng mộ vua Quang Trung vẫn chưa ra.
L.Cadière – người chủ trương tạp chí nổi tiếng Đô thành Huế cổ (Bulletin des Amis du Vieux Hué – viết tắt là B.A.V.H) và ông Nguyễn Thiệu Lâu[2] cho “Lăng Ba vành” ở gần nhà thờ Thiên An là dấu vết cũ của lăng Quang Trung. Giả thuyết đó đã bị bác bỏ một cách khoa học của Phan Huy Lê, Đỗ Bang, Bửu Kế, Phan Thuận An… Cho đến nay chưa ai có một giả thuyết nào khác.
Tôi không có điều kiện nghiên cứu kỹ về Quang Trung nhưng tôi cũng rất bận tâm đến vấn đề nầy. Vì thế tôi đã rất lưu ý đến nó khi đọc văn học cổ Việt Nam, tìm kiếm trong ấy có một lời mách bảo vô tình nào không?
Phan Huy Ích, một nhà thơ cổ điển đã từng phục vụ cho triều đại Quang Trung, trong một đoạn nguyên dẫn một bài thơ thù tạc trong tập Cúc Thu Bách Vịnh, tác giả có nhắc đến việc qua đời của vua Quang Trung, nhắc đến nỗi cảm hoài của ông khi đứng trước “Đan dương”[3].
Tôi rất lưu ý đến hai chữ “Đan Dương” – cái tên Đan dương – tức là “mặt trời đỏ” nó nhắc tôi nghĩ đến “hệ thống” tên dưới triều Quang Trung “áo vải cờ đào”. Tôi tiếp tục tìm hiểu ý nghĩa của hai chữ “Đan dương” nầy.
May thay, khi đọc thơ văn Ngô Thời Nhậm, một người “ngoại tướng” được vua Quang Trung tin cẩn và mến chuộng nhất, tôi được biết cụ thể hơn hai từ nầy.
Năm 1793, sau khi vua Quang Trung mất, Ngô Thời Nhậm đi sứ sang Tàu, vua Tàu đã đón tiếp họ Ngô rất tử tế. Bởi lẽ vua Tàu rất kính nể cái uy danh của ông vua Việt Nam – Quang Trung. Được hưởng cái đặc ân đó làm cho Ngô Thời Nhậm nhớ đến vua Quang Trung và không cầm được nước mắt. Ngồi trên đất Tàu, Ngô Thời Nhậm viết bài “Cảm hoài” và kết bằng hai câu:
“Trang tụng tỉ như tăng cảm niệm
Đan dương cung điện nhật tam thu”.
(Trang đọc chiếu thư càng tăng lòng cảm xúc
Trông về điện Đan dương một ngày coi hình ba thu).
Ngô Thời Nhậm còn cẩn thận chừa thêm một lời chú thích: “Cung điện Đan dương là sơn lăng phụng chứa bảo y tiên hoàng ta tức Quang Trung”[4].
Điện Đan dương đã trở thành Đan lăng của vua Quang Trung cũng giống như Khiêm cung trở thành Khiêm lăng – lăng vua Tự Đức.
Ngô Thời Nhậm đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần đến tên cái “Lăng đỏ” nầy trong thơ mình.
- Bài Sóc vọng thị tấu nhạc Thái tỏ miếu, cung ký (ngày lễ rằm, mồng một tấu nhạc miếu Thái Tổ kính ghi) có câu:
“Thanh miếu dài đầu quân hán nhỉ,
Đan lăng thức mục tử vân thâm”.
(Nơi thanh miếu, ngẩng đầu miền quân hán gần gũi,
Chốn Đan lăng ngước mắt, áng tư vấn âm u).
- Bài tòng giá bái tảo Đan lăng cung ký
(Theo xa giá đi bái tảo Đan lăng kính ghi).
Như thế chúng ta có thể tin chắc rằng Đan lăng (Lăng đỏ) là lăng của vua Quang Trung ở Huế. Nhưng trước khi thành Đan lăng, nó là điện Đan dương, vậy cái cung điện “Đỏ” nầy nằm ở đâu và ai xây dựng và xây dựng từ năm nào? Căn cứ vào danh sách cung điện ở Phú Xuân thời Nguyễn Phúc Khoát (sau vua Quang Trung dùng làm Kinh đô Huế) không hề có điện Đan dương, theo cách đặt tên này “Điện Mặt trời Đỏ” chưa hề có dưới thời các chúa Nguyễn, ngược lại, nó lại rất phù hợp với tính cách “áo vải cờ đào” của phong trào Tây Sơn. Do đó, bước đầu ta có thể kết luận Điện Đan dương là cung điện làm dưới thời Quang Trung, sau nó trở thành Đan lăng là lăng mộ vua Quang Trung. Còn địa điểm tọa lạc của nó ở đâu thì phải tiếp tục tìm.
IV. – NGỤC THẤT – NƠI GIAM GIỮ MỘT PHẦN HÀI CỐT CỦA VUA QUANG TRUNG.
Như trên đã viết, một phần hài cốt của anh em Quang Trung đã bị Gia Long nhốt vào ngục thất.
Qua tài liệu của ông Roux – cuốn Vestiges Religieux et Profanes du Vieux Huế[5] (Những di tích tôn giáo và thế tục ở Huế xưa) Cadière[6] và Nguyễn Đình Hòe[7] cho biết:
“Nguyễn Ánh đã làm lễ khải hoàn vào mùa đông năm Nhâm Tuất (1802) lấy niên hiệu là Gia Long, ông tổ chức một cuộc lễ long trọng ở miếu thờ hoàng gia (gọi là lễ Hiến phù). Để nói lên ý nghĩa của cuộc lễ ấy, vua đã ra lệnh đào thi hài của các vua Tây Sơn là Nguyễn Văn Nhạc và Nguyễn Văn Huệ lên để nghiền nát và ném cho bay theo gió. Riêng những cái sọ… thì để lại nhưng đưa vào ngục thất[8] và bỏ vào trong những cái vò kía”.
… Mấy cái vò nầy bị giam giữ trong những ngăn cách biệt nhau của Khám đường. Chúng bị xích lại và các cánh của các ngăn ấy đều bị niêm phong. Mỗi tháng đều có một phái đoàn đặc biệt đến xem xét, xác nhận lại sự giam giữ ấy.
Mãi sau ngày thất thủ Kinh đô 1885, người Pháp đến phá cái Ngục thất – Khám đường nầy, mấy cái sọ ấy mới biến mất.
Vậy cái Ngục thất – Khám đường ấy ở đâu?
Trong các sách sử do nhà Nguyễn biên soạn (kể cả Đại nam nhất thống chí soạn thời Duy Tân) không hề nói đến Ngục thất Khám đường nầy. Nhưng trái lại, phần lớn các tấm bản đồ của người phương Tây về Kinh thành Huế thì rất lưu ý đến nó. Bởi lẽ, từ triều Minh Mạng trở đi, nhiều giáo sĩ Tây phương bị tình nghi làm mật vụ cho thực dân đã bị giam ở đây. Vị trí chính xác của Ngục thất – Khám đường ở góc Tây – Bắc, Kinh thành Huế. Tôi xin liệt kê các tấm bản đồ ấy như sau:
- Bản đồ vẽ năm 1863, khi đại tá Tây ban nha Palanca Gutierry đến Huế với đề đốc hải quân Bonard ký hiệp ước hòa hoãn với vua Tự Đức.
- Bản đồ vẽ năm 1875 thời Bonard ở Huế. Tác giả là ông Simbet – một nhân viên vẽ bản đồ ở sở Công chánh Sài gòn. Bản đồ cho biết Khám đường xây trên một cái đảo nằm cô độc giữa một cái hồ lớn. Khu Ngục thất Khám đường có 4 cái nhà. Dãy nhà lớn nhất nằm phía trước ngay con đường dẫn vào đảo, ba dãy phía sau hẹp hơn sắp thành một hàng dọc theo chiều dài của đảo. Có lẽ dãy phía trước là văn phòng và trại lính canh giữ Khám đường Ngục thất, ba dãy phía sau là trại giam và hai cốt vua Quang Trung đã để 1 trong 3 cái nhà dài nầy.
- Trong các bản đồ của Génie Julien vẽ cuối năm 1884, và nhiều bản đồ khác của thực dân Pháp đều có vẽ cái nhà tù quan trọng nầy. Đặc biệt linh mục Rony của hội truyền giáo Paris hành giáo tại Huế đã làm một công trình nhỏ nhưng rất cặn kẽ về cái nhà tù nầy. Công trình của Rony đăng trên B.A.V.H năm 1914, sau Rony đưa vào cuốn sách nhỏ đã nêu tên ở trên.
Các ngục thất nầy cũng là một nơi hãi hùng của gia đình vua Thành Thái. Năm 1883, vua Dục Đức (bố vua Thành Thái) nối ngôi của vua Tự Đức được ba ngày thì bị hai ông Tôn thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường tống ngục, đã chết đói và khát ở cái ngục thất nầy. Vì thế sau nầy vua Thành Thái lên ngôi không dùng cái ngục thất nầy nữa, đến đầu thế kỷ XX thì nó tàn rụi. Cố Rony trong khi viết về các ngục thất ở Huế đã đến xem tận nơi thì chỉ còn thấy một mảnh tường đồ, một cái giếng và một cái Khám thờ “ông vò” (hoặc vua ngụy) do tù nhân và những người coi giữ khám đường dựng lên để nhớ vua Quang Trung và mong hương hồn của vua giúp đỡ cho họ được yên ổn.
Đến nay khu đất Ngục thất – Khám thờ năm xưa thuộc về phường Tây Lộc, cái hồ đã thu nhỏ lại nhiều, nhà dân mọc lên san sát, không ai còn nhớ ngày xưa đã là nơi giam giữ một phần hài cốt của vua Quang Trung.
Qua đó, ta thấy rằng Ngục thất – Khám đường là cái “Lăng” mà Gia Long đã chọn cho kẻ thù không đội trời chung của ông là Quang Trung. Thế thì trong lúc chờ đợi tìm địa điểm chính xác của Đan Lăng, ta có nên dựng lại cái di tích Khám đường – Ngục thất hoặc làm một cái bia biển gì đó ở mảnh đất cũ nầy để tưởng nhớ Quang Trung không? Theo tôi, cái di tích tội ác nầy sẽ trở nên một nơi tham quan thú vị có liên quan đến người anh hùng “áo vải cờ đào” đồng thời chuyện kể về nó cũng sẽ nói lên cái dã man của bọn phong kiến xưa đến mức nào!.
V. – CỐNG CHÉM:
Cống chém là pháp trường của triều Nguyễn có liên quan đến Ngục thất – Khám đường nằm ngay phía ngoài Ngục thất Khám đường. Từ Ngục thất ra cửa Chánh Tây phía trái, hoặc ra cửa An Hòa phía phải nhập vào đường số 1 – Bắc – theo cố Rony thì đi được vài trăm mét là đến chợ An Hòa, ngay sau khi vượt qua khỏi ga cũng mang tên An Hòa thì đến một cái cống, trong dân gian gọi là Cống chém. Bên cạnh cống về phía tay phải, có một miếng đất hẹp, ngày xưa là pháp trường của triều Nguyễn. Nhiều văn võ quần thần thời Quang Trung đã bị chém ở đây. Không rõ mảnh đất nầy được sử dụng làm pháp trường từ năm nào. Phải chăng nó đã có từ trước hay chỉ mới “đẻ” ra sau khi có tù nhân đầu tiên của ngục thất đầu tiên của nhà Nguyễn bị chém?.
Cống chém cũng là một vị trí đẫm máu những người trung thành với đạo thiên chúa dưới thời các vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức. Về sau Cống chém lại trở thành pháp trường của bọn thực dân Pháp bảo vệ Thiên chúa giáo sát hại những nhà yêu nước Việt Nam. Vụ tử hình tại Cống chém làm rúng động nhân dân cả nước là vụ thực dân ra lệnh cho triều đình Huế chém đầu những nhà yêu nước đã cùng vua Duy Tân làm cuộc khởi nghĩa chống Pháp năm 1916. Tên hai người trong những tù tội ấy đã vĩnh viễn đi vào lịch sử là Trần Cao Vân và Thái Phiên.
Tên đao phủ nổi tiếng ở Cống chém, mỗi lần nhắc đến tên hắn, người dân Huế phải rợn người, là ông Ngáo. Và cách chém người như thế nào, nhà văn Nguyễn Tuân đã mô tả rất cặn kẻ trong chuyện “Chém treo ngành” – một truyện rất ghê rợn trong tập Vang bóng một thời.
Những di tích nêu trên đều không lớn. Tuy vậy, nếu có một quan niệm thật khoa học thì những di tích nầy đều rất cần cho việc nghiên cứu và giáo dục các thế hệ trẻ mai sau. Tuy chúng nhỏ như thế, nhưng không thể không nhắc đến nếu muốn hiểu biết lịch sử, hiểu biết Huế một cách cặn kẽ.
Và khi ý kiến của chúng tôi được chấp nhận thì có lẽ còn nhiều di tích loại nầy ở Huế và Bình Trị Thiên sẽ được đề cập đến nữa.
Công việc còn nhiều, cần phải có thời gian đầu tư nghiên cứu, phát hiện, với một tinh thần làm việc nghiêm túc mới có thể hiểu biết hết sự phong phú của di tích Tây Sơn trên đất Huế - Bình Trị Thiên. Đến đây ta càng cảm thấy thấm thía với lời nhận xét của một nhà văn Ru-ma-ni khi ông đến thăm tỉnh ta:
“Huế là một cái bảo tàng lớn. Di tích lịch sử và văn hóa của Huế dày đặc chen nhau trên từng đoạn đường đi” [9]. Hiểu như thế, ta càng cảm thấy phải nỗ lực hơn nữa mới hiểu hết được ý nghĩa lịch sử từng thước đất trên quê hương ta.
Nguyễn Đắc Xuân
(Nguồn Tây Sơn Thuận Hóa những dấu ấn Lịch sử, Bảo tàng Tổng hợp Bình Trị Thiên – Huế 1986, tr.85-96).
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1- Phan Thuận An, phòng thành Huế (in Ronéo), 1972.
2- J.B.Roux, Vestiges religieux et Profanes du Vieux Huế, A.J.S. 1943.
3- Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam Nhất thống chí tập Kinh sư, Bộ giáo dục (Sài gòn) 1960.
4- Sử quán triều Nguyễn Đại Nam Nhất thống chí, tập Thừa Thiên phủ (tập thượng) Bộ giáo dục (Sài gòn) 1961.
5- Lê Quí Đôn, Phủ biên tạp lục, Khoa học Hà Nội 1964.
6- Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (tiền biên) Sử học, Hà Nội 1962.
7- Cadière, Bulletin des amis du vieux Huế, 20è année n01-2, Janvier – Juin 1933.
8- Phan Du, Mộng Kinh sư, Cảo Thơm, Sài gòn, 1971.
9- Hành Sơn, Cụ Trần Cao Vân, Minh Tân (Paris), 1952.
10- Thái Văn Kiểm, Cố Đô Huế.
11- Ngô Thời Nhậm, Thơ văn Ngô Thời Nhậm tập 1, Khoa học xã hội, Hà Nội 1970.
12- Phan Huy Ích, Thơ văn Phan Huy Ích tập 3, Khoa học xã hội, Hà Nội 1978.
v.v….
[1] B.A.V.H số Janvier – Juin 1933, tr.84.
[2] Tác giả Quốc sử Tạp Lục, trong ấy có bài Lăng Hoàng đế Quang Trung.
[3] Thơ văn Phan Huy Ích, tập 3, KHXH, HN 1978, tr.43.
[4] Thơ văn Ngô Thời Nhậm, t.I, H.338.
[5] Huế, AJS. 1943.
[6] B.A.V.H. Janviet – Juin 1933, tr.79.
[7] B.A.V.H. 1914, tr.145-146.
[8] Ngục thất là nhà giam. Năm Minh Mạng thứ 6 cho thêm vào đó một trợ từ nữa là Khám đường (phòng thẩm tra tư pháp) thành Khám đường – Ngục thất.
[9] Xem báo văn nghệ số 53 năm 1980.