Đình Dương Xuân Hạ nằm trên gò Dương Xuân, nhìn xuống khu Ruộng Phủ
và cách bờ sông Hương khoảng 800m – Ảnh: Ngọc Dương
Tòa phủ này đã trở thành một ẩn số quan trọng trong việc giải mã lăng mộ vua Quang Trung từ khi nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đưa ra lập luận: phủ Dương Xuân của chúa Nguyễn là tiền thân của cung điện Đan Dương và là lăng Đan Dương của vua Quang Trung sau khi băng hà.
Phủ Dương Xuân nằm trên gò đồi, gần bờ nam sông Hương
Căn cứ vào các nguồn sử liệu nói trên, nhà nghiên cứu Nguyễn Anh Huy (bác sĩ, ở Huế) xác định phủ Dương Xuân được xây dựng vào năm 1691, khi chúa Nguyễn Phúc Chu mới lên ngôi.
Đến năm 1700, chúa Nguyễn Phúc Chu cho trùng tu, phát hiện một ấn đồng nên phủ có tên khác là phủ Ấn.
Năm 1740, chúa Nguyễn Phúc Khoát đã cho trùng tu lớn phủ Dương Xuân to đẹp hơn, làm cung điện mùa đông, nơi sống và làm việc của chúa (và gia đình chúa) vào mùa mưa để tránh lụt. Năm 1754, lấy phủ Tập Tượng phía trên phủ Dương Xuân làm điện Trường Lạc, là cung điện mùa hè.
Theo nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh (nguyên giảng viên khoa văn Trường đại học Sư phạm Huế), từ năm 1766 dưới thời chúa Nguyễn Phúc Thuần, phủ Dương Xuân không được chăm sóc nên hư hỏng dần.
Suốt 12 năm chiếm đóng ở Phú Xuân (từ 1775-1786), nhà Trịnh bỏ trống các phủ Dương Xuân, điện Trường Lạc nên càng làm cho nó rơi vào điêu tàn. Năm 1776, Lê Quý Đôn đã đến đây và ghi nhận tình trạng này trong sách Phủ biên tạp lục.
Cũng theo ông Vinh, đến khi Nguyễn Huệ đánh chiếm Phú Xuân năm 1786 thì các phủ điêu tàn này không phải là mối quan tâm của ông để tái thiết.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Anh Huy phân tích từ tám nguồn sử liệu liên quan để lấy ra các chi tiết mô tả phủ Dương Xuân về: địa điểm, quy mô, cấu trúc, cảnh quan, cự ly của các công trình, đối chiếu thực tế… Từ các chi tiết đó, ông Huy lắp ráp lại để hình dung ra phủ Dương Xuân.
Mô tả toàn cảnh: vương phủ này có cung điện chính nằm trên một gò; tổng thể toàn cung điện cả thành quách; nằm ở bờ (nam) sông Hương, đối diện với một hòn đảo;
Nhánh bên phải cung điện nhìn ra con kênh; nằm gần phường thợ đúc; rộng 1-2 dặm (khoảng 1,5 cây số vuông) và chứa được cả ngàn quân lính đứng canh; là khu vực riêng biệt, có cung nữ ở, tấu nhạc, huấn luyện voi, duyệt binh…
Mô tả cận cảnh: gần cổng phủ có một cái phòng nhỏ nền thấp hơn để tiếp khách; một nhánh cung điện ở tầng cao hơn phòng tiếp khách, đối diện với một cái hồ, nơi chúa đã giăng lưới bắt cá.
“Mô tả của thương gia James Bean cho thấy phủ Dương Xuân là một nơi rất rộng lớn, có tàu ngựa, tàu voi, cung môn, súng thần công, chứa được cả 1.000 binh lính, cung phi mỹ nữ. Mô tả khá chi tiết, nhưng không hề thấy chi tiết nào của chùa chiền cả!” – ông Huy nói.
Vậy phủ Dương Xuân được mô tả khá chi tiết đó nằm vị trí nào? Nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh xác định: trước hết, nó phải ở gần nhà thờ Thợ Đúc (khoảng cách chừng một cây số) và phải nằm ở trên đồi để tránh lụt lớn.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Anh Huy nhấn mạnh hai chi tiết mà theo ông là rất quan trọng: cả giáo sĩ P. Koffler và thương gia Pierre Poivre đều mô tả phủ Dương Xuân: nằm ở bờ sông (nguyên văn tiếng Pháp: “sur la rive”, “sur le bord du fleuve”).
Cả Pierre Poivre và James Bean đều mô tả: đối diện với một hòn đảo. “Đối chiếu với các tiêu chí khác được mô tả thì bờ sông này chính là sông Hương và hòn đảo đó là cồn Dã Viên” – ông Huy xác định.
“Chúng tôi đã đi điền dã khu vực này và nhận thấy gò Dương Xuân đáp ứng các đặc điểm này. Trên gò đó hiện đang có ngôi đình của làng Dương Xuân Hạ, nhìn ra cánh đồng Bàu Vá.
Phủ Dương Xuân vốn tọa lạc tại vị trí của ngôi đình này. Hãy đến hiện trường sẽ hình dung rõ ràng hơn” – ông Vinh nói và đưa phóng viên Tuổi Trẻ đến hiện trường.
|
Một con rồng đắp bằng gạch và vữa, nằm cạnh lối đi lên đình Dương Xuân Hạ. Nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh cho rằng đó là một hạng mục của một công trình trước đó đã mất Ảnh: Ngọc Dương |
Đó là vị trí đình Dương Xuân Hạ
Từ ga Huế đi theo đường Bùi Thị Xuân ven bờ nam sông Hương hơn một cây số sẽ thấy một con đường bên trái dẫn vào khu ruộng Bàu Vá (hiện đã san lấp một phần làm khu dân cư).
Ông Vinh cho biết đây chính là Ruộng Phủ mà học giả L.Cadière đã nhắc đến trong bài khảo cứu “Phường Trường Súng” đăng tạp chí B.A.V.H. năm 1925. Tiếp giáp với khu ruộng là gò Dương Xuân, phía trên đó đang tọa lạc ngôi đình của làng Dương Xuân Hạ.
Chúng tôi theo những bậc cấp đi lên ngôi đình nằm ở lưng chừng gò đồi, trên một mặt bằng rộng chừng vài ngàn mét vuông. Dọc các bậc cấp dẫn lên đình vẫn còn một hình rồng đắp bằng gạch đã bong tróc lớp vữa, có những viên gạch nhỏ mà ông Vinh cho biết là kiểu gạch thời chúa Nguyễn.
Trên sân đình vẫn còn nhiều viên đá granite vuông, đá táng lót chân cột; trong khuôn viên đình có nhiều gạch ngói vụn vỡ. Các vật liệu này khác hẳn vật liệu xây dựng đình, nên dễ dàng nhận ra dấu hiệu của một công trình kiến trúc trước đó đã bị hạ giải.
Đứng ở cổng đình có thể nhìn bao quát cả vùng xung quanh, sông Hương nằm trước mặt với khoảng cách hơn 500m. Phía chân gò ngay bên trái đình là một ao nước, mới bị san lấp một phần. Phía bên kia ao tiếp liền với chân gò đồi khác là khu dân cư cũ của làng.
Nhìn sang phía đối diện chếch về phía tây bắc là đình Xuân Giang, đã được xác định nguyên là vị trí của điện Trường Lạc. Khu ruộng trước mặt điện Trường Lạc vẫn còn rõ dấu tích khu vực thao diễn của voi ngựa và binh lính chúa Nguyễn.
“Những đặc điểm này cho phép nhận định nơi đây có khả năng là mặt bằng của phủ Dương Xuân ngày xưa.
Sau khi phủ Dương Xuân điêu tàn, vào cuối đời Tự Đức dân làng Dương Xuân Hạ đã xây dựng đình làng của mình trên một phần mặt bằng của phủ. Các phế tích gạch đá chính là vật liệu của phủ Dương Xuân” – ông Vinh nói.
Các nhà nghiên cứu Trần Viết Điền, Lê Nguyễn Lưu, Hồ Tấn Phan và Nguyễn Anh Huy cũng có quan điểm tương tự nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh.
Vị trí của phủ Dương Xuân mà các vị này xác định cùng nằm trên gò Dương Xuân với chùa Thiền Lâm, nhưng cách chùa này một khoảng chừng 500m và gần phía bờ sông Hương.
Phủ Dương Xuân mất tích trên thực tế, nhưng may mắn thay đã được ghi chép khá rõ trong nhiều tài liệu lịch sử. Nhà nghiên cứu Nguyễn Anh Huy đã thống kê có đến 8 nguồn tài liệu của: nhà sư Thích Đại Sán (người Trung Quốc, tài liệu chép năm 1695), giáo sĩ P. Koffler (người Pháp, từ 1740-1755), thương gia Pierre Poivre (người Pháp, từ 1749-1750), linh mục Lefebvre (người Pháp, 1750), thương gia James Bean (người Anh, 1765), các sử thần Lê – Trịnh và Lê Quý Đôn (1776), Phan Huy Chú (từ 1809-1819), Quốc sử quán triều Nguyễn (sách Đại Nam thực lục, Đại Nam nhất thống chí). Ngoài ra còn có thư của giáo sĩ La Bartette (1788), bài nghiên cứu của linh mục L. Cadière trên tạp chí B.A.V.H. năm 1925. |