Tư liệu duy nhất có ghi về mộ vua Quang Trung. Đó là một dòng trong sách Đại Nam chính biên liệt truyện
Ảnh do nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cung cấp
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân xem như là “chiếc chìa khóa vàng” mở ra toàn bộ bí ẩn lăng mộ vua Quang Trung, vốn là nơi sống và làm việc của vua thời ở Phú Xuân có tên là cung điện Đan Dương.
Cung điện Đan Dương: gần chùa Thiền Lâm
Dữ liệu mà ông Xuân sử dụng để giải mã “lăng mộ vua Quang Trung” gồm hai nguồn chính là: tư liệu thành văn và kết quả khảo sát thực địa (khu vực ấp Bình An, Huế).
Tư liệu thành văn là các sách sử của triều Lê, chúa Nguyễn, vua Nguyễn, Tây Sơn, đặc biệt là ghi chép của người Pháp vào thời điểm vua Quang Trung đang ở kinh đô Phú Xuân, các bài thơ của hai vị cận thần vua Quang Trung là Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích.
Năm 1793, Ngô Thì Nhậm được cử sang Trung Quốc báo tang với triều Mãn Thanh. Trong những ngày đi sứ, ông nhớ về vua Quang Trung và viết bài thơCảm hoài với câu kết: “Đan Dương cung điện nhật tam thu”.
Đặc biệt có câu chú giải bên dưới mà ông Xuân cho rằng đó là lời chú của Ngô Thì Nhậm: “Cung điện Đan Dương là sơn lăng phụng chứa bảo y tiên hoàng ta”.
Ông Xuân nhấn mạnh đây là thông tin vô cùng quý giá, cho thấy có một cung điện mang tên Đan Dương của vua Quang Trung; khi vua băng hà thì trở thành nơi an táng (phụng chứa bảo y tức là chôn cất thi hài); nằm ở nơi có địa hình đồi núi (sơn lăng).
Hành động “tận pháp trừng trị” của Gia Long, trong đó có việc tiêu hủy toàn bộ tài liệu liên quan đến nhà Tây Sơn, khiến việc tìm kiếm thông tin liên quan đến lăng mộ vua Quang Trung trở nên vô cùng khó khăn.
Các nhà nghiên cứu chỉ tìm thấy duy nhất thông tin ghi trong sách Đại Nam liệt truyện của triều Nguyễn, phần “Truyện chép về Ngụy Tây”: “táng vu Hương Giang chi nam” (chôn ở phía nam sông Hương).
Thông tin đó xác định lăng mộ của vua Quang Trung táng ở Huế chứ không phải là nơi nào khác. Việc còn lại là phải xác định vị trí nào trong một vùng bao la phía nam sông Hương.
Ông Nguyễn Đắc Xuân xác định tọa độ của lăng Quang Trung bằng yếu tố “phía nam sông Hương” và giả thiết là nằm trên trục Phu Văn Lâu – đàn Nam Giao. Ông Xuân lại tìm thấy trong bài thơ Mùa xuân ở công quán ghi việc của Phan Huy Ích có câu chú dẫn: “nhà của thái sư (Bùi Đắc Tuyên) là chùa Thiền Lâm cũ, nằm ở phía nam sông Hương…”.
Tìm trong tập thơ Dật thi lược toản của Phan Huy Ích, ông Xuân tiếp tục thấy một thông tin vô giá là câu nguyên chú trong bài thơ mang số thứ tự 266: “Lúc bấy giờ bọn tiểu giám giữ lăng thường đến hầu rượu”.
“Trời ơi, tôi có cảm giác như Phan Huy ích đã gửi lại cho tôi một thông tin vô giá khác” – ông Xuân thốt lên.
Ông cho biết Phan Huy Ích làm bài thơ này trong giai đoạn 1792-1794, khi ông đang làm quan dưới trướng thái sư Bùi Đắc Tuyên, lúc Quang Trung vừa mất. Như vậy, theo ông Xuân, lăng mà bọn tiểu giám giữ đó chính là lăng vua Quang Trung.
Kết hợp các yếu tố trên đây, ông Xuân xác định: lăng mộ vua Quang Trung nằm gần chùa Thiền Lâm, phía bắc đàn Nam Giao.
|
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân giới thiệu với GS Phan Huy Lê (thứ tư từ trái) và giới sử học về một hiện vật đá với hoa văn rất đẹp, phát hiện tại cồn Bông Sứ. Tại đây có khá nhiều hiện vật như thế – Ảnh: Minh Tự |
Trước kia là phủ Dương Xuân?
Rất may các tài liệu của những người Pháp đến Phú Xuân thời chúa Nguyễn và thời vua Quang Trung miêu tả khá rõ về phủ Dương Xuân – cung điện mùa đông của chúa Nguyễn và nơi làm việc của vua Quang Trung.
Nghiên cứu các tài liệu này và tham chiếu những sách sử của triều Nguyễn, ông Xuân tách ra được các dữ liệu liên quan giữa phủ Dương Xuân và cung điện Đan Dương. Cung điện Đan Dương và phủ Dương Xuân ở phía nam sông Hương, cùng ở phía bắc đàn Nam Giao, gần chùa Thiền Lâm…
Kết quả khảo sát thực địa ấp Bình An với vô số gạch vồ, các loại đá táng, đá lát, đá trang trí… cho thấy tại đây từng có những kiến trúc cung điện đã bị triệt phá chôn vùi.
Với tất cả dấu hiệu thu thập được, ông Xuân đi đến kết luận sâu hơn: phủ Dương Xuân tức cung điện mùa đông của các chúa Nguyễn đã được vua Quang Trung tiếp quản và chuyển thành cung điện Đan Dương.
Đây là nơi vua sống và làm việc suốt thời gian trị vì ở Phú Xuân. Đây cũng là nơi chôn cất thi hài của vua khi băng hà (năm 1792), gọi là Đan Dương lăng. Quan điểm của ông Nguyễn Đắc Xuân nhận được sự ủng hộ của nhiều nhà nghiên cứu, nhưng cũng có nhiều ý kiến không đồng tình, thậm chí phản bác kịch liệt.
Ở hội thảo “Cung điện Đan Dương thời Tây Sơn tại Huế” tổ chức ngày 31-11-2015, nhà nghiên cứu Nguyễn Anh Huy (Huế) cho rằng các tư liệu thơ văn của Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích mà ông Xuân đã tham khảo là không chuẩn.
Cụ thể là câu “Cung điện Đan Dương là sơn lăng phụng chứa bảo y tiên hoàng ta” do người đời sau viết, vì thi sĩ ngày xưa viết thơ văn không bao giờ chú thích nên không thể lấy đó làm căn cứ.
Nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh (Huế) khẳng định: không có cung điện Đan Dương nào cả mà chỉ có một lăng Đan Dương, nơi an táng thi hài của Thái tổ Võ hoàng đế Quang Trung!
Ông Vinh cũng như nhà nghiên cứu Trần Viết Điền đều xác nhận có lăng Đan Dương, nhưng bác bỏ lập luận của ông Xuân rằng tiền thân lăng Đan Dương là phủ Dương Xuân, gần chùa Thiền Lâm.
Ông Vinh, ông Điền và trước đó là các nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan, Lê Nguyễn Lưu, Nguyễn Anh Huy đều cho rằng: phủ Dương Xuân nằm ở một nơi khác, dù đã mất tích nhưng cũng không khó để xác định.
Theo sách Đại Nam thực lục chính biên của triều Nguyễn, Nguyễn Huệ mất vào đêm 29-7 Nhâm Tý, nhằm đêm 15-9-1792. Vua mất khi mới 39 tuổi (theo tuổi âm lịch là 40), sau khi lên ngôi hoàng đế với niên hiệu Quang Trung được năm năm. Theo lời dặn của vua cha, con trai Quang Toản đã giữ bí mật thông tin vua mất, bí mật an táng và hai tháng sau mới báo tang. Sau khi vua mất, con trai trưởng Quang Toản mới 10 tuổi đã phải lên ngôi, triều Tây Sơn bắt đầu suy yếu. Tháng 5-1801, Nguyễn Ánh từ Gia Định kéo quân ra đánh chiếm lại Phú Xuân. Vua Quang Toản và quần thần chạy ra Bắc trú ẩn. Cuối năm 1802, Nguyễn Ánh hành hình vua Quang Toản cùng con cháu và tướng lĩnh triều Tây Sơn; giã nát hài cốt Nguyễn Huệ và Nguyễn Nhạc; nhốt sọ đầu của Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc và Quang Toản vào ngục thất (theo sách Đại Nam chính biên liệt truyện). Năm 1885, kinh thành Huế thất thủ rơi vào tay quân Pháp, ba chiếc vò đựng sọ đầu của các vua Tây Sơn đều biến mất. |
_________