Tây-sơn lên cầm chính-quyền, có ảnh-hưởng đến quốc-văn thế nào?

Anh em Tây-sơn, Nguyễn-Nhạc và Nguyễn-Huệ, với áo vải, cờ đào, nhân thời-thế, nổi lên từ năm tân-mão (1771).

Từ thế-kỷ thứ XVII, Việt-nam thành một cục-diện địa-phương cát-cứ: từ sông Gianh (Linh-giang) ra Bắc, gọi là Bắc-hà, nhà Trịnh[1] vịn họ Lê, cầm quyền thống-trị; từ sông Gianh vào Nam, gọi là Nam-hà, nhà Cựu-Nguyên[2] làm chúa ở Thuận, Quảng[3], riêng nắm chính-quyền.

Đến cuối thế-kỷ XVIII, nhất là từ năm kỷ-sửu (1769) trở đi, suốt nước rối loạn, đói kém, nhân dân điêu-đứng lầm-than; quốc-nạn ngày một trầm-trọng.

Anh em Tây-sơn, Nguyễn-Nhạc và Nguyễn-Huệ, với áo vải, cờ đào, nhân thời-thế, nổi lên từ năm tân-mão (1771).

Qua năm mậu-tuất (1778), Nguyễn-Nhạc lên ngôi hoàng-đế ở Qui nhơn, đặt niên-hiệu là Thái-đức.

Ta nên nhớ rằng trong buổi loạn-lạc, những người có thủ-đoạn, thường bỏ bút-nghiên, tập cung-kiếm, chứ không mấy khi giữ lề-lối, do khoa-cử mà xuất-thân. Cho nên từ anh em Tây-sơn đến các tướng ở bên vua Thái-đức bấy giờ hầu hết là những tay quân-nhân thượng-võ.

Hán-văn, đối với họ, có thể bị coi là những món xa lạ, không sát thực-tế. Vậy nên quốc-văn bấy giờ, vì nhu-cầu của thời-đại, vì sở-năng của cá-nhân, đã được đóng một vai trò lịch-sử khá quan-trọng.

Chứng-cớ là vua Thái-đức từ khi lên ngôi (mậu-tuất, 1778) đến năm mậu-thân (1788) đã mười một năm đằng-đẳng, rất có đủ thì-giờ để tuyển dùng những nhà túc-nho, những tay khoa-bảng làm việc thảo sắc-thư, viết chiếu-chỉ; nhất là Bình-vương Nguyễn-Huệ, bấy giờ đang làm đại-nguyên-súy, tổng-quốc-chinh, rất có đủ điều-kiện và quyền-lực mà “động-viên” hết cả những bậc thông-nho ở khu “ảnh-hưởng” của Tây-sơn để nhờ giúp việc văn-hàn từ-lệnh. Vậy mà tờ chiếu do Bình-vương Nguyễn-Huệ gửi cho La sơn phu-tử Nguyễn-Thiệp[4], đến năm Thái-đức thứ mười một (1788), cũng viết bằng chữ nôm. Nguyễn-văn như dưới đây:

“ Chiếu truyền La-sơn phu-tử Nguyễn-Thiệp khâm tri[5]:

“ Ngày trước ủy cho phu-tử về Nghệ-an tướng địa làm đô cho kịp kỳ này hồi-ngự [6]. Sao về tới, đô chưa thấy đặng việc nhỉ?[7]. Nên hãy giá-hồi Phú-xuân kinh, hưu-tức sĩ-tốt [8].

“ Vậy chiếu ban hạ, phu-tử tảo-nghi dữ trấn-thủ Thận cộng-sự, kinh chi, doanh chi[9], tưởng địa tu đô tại Phù-thạch hành-cung sao hậu cận sơn. Kỳ chính địa phỏng tại dân-cư chi gian hay là đâu cát-địa khả đô, duy phu-tử đạo-nhãn giám định, tảo tảo tốc-hành[10].

“ Uỷ cho trấn-thủ Thận tảo lập cung-điện, kỳ tam nguyệt nội hoàn-thành, đắc tiện giá ngự [11]. Duy phu-tử vật dĩ nhàn hốt thị[12].

“ Khâm tai! Đặc-chiếu[13].

“Thái-đức thập nhất niên[14], lục nguyệt,

sơ nhất nhật”[15].

Vua Quang-trung (1788-1792), trong năm năm trị-vì, hai năm đầu còn phải đấu-tranh bằng quân-sự, rồi bằng ngoại-giao để chiến-thắng Mãn-thanh về hai phương-diện ấy mà giành lấy độc-lập, giữ trọn tự do; đến vài năm sau lại lo chấn-chỉnh vũ-bị, định đánh Mãn-thanh, đòi đất Lưỡng-Quảng. Thế nghĩa là trong khoảng thời-gian ngắn-ngủi ấy, tâm-lực vua Quang-trung hầu chuyên-chú cả vào một việc đối-ngoại. Dẫu vậy, công-cuộc nội-trị của ngài cũng có nhiều đặc sắc. Riêng một việc trọng-dụng quốc-văn đủ làm đại-biểu cho những đặc-điểm ấy.

Ngoài cái chứng-cớ chắc-chắn bằng bức chiếu-văn gửi cho La-sơn phu-tử như đã thấy rõ ở trên, các truyền-văn và dã-sử còn cho ta biết thêm:

1) Mỗi khoa thi, cứ đệ tam trường (kỳ thứ ba), các sĩ-tử phải làm thơ phú bằng quốc-âm[16];

2) Nhờ danh-sĩ Nguyễn-Thiệp dịch kinh, truyện ra tiếng nôm, nhưng Thiệp mới dịch được một ít, thì triều Tây-sơn đổ, nên những dịch-phẩm ấy đều bị tiêu-hủy hết.

Đến đời Cảnh-thịnh (1793-1800), nhiều nhà khoa-bảng rất giỏi Hán-văn như Phan-huy-Ích, Ngô-thì-Nhậm, Nguyễn-huy-Lượng tuy vẫn đang đứng ở trong triều, thế mà những việc quan-trọng như dụ quận Diệu, quận Dũng, dụ quân-dân thành Qui-nhơn và tế Hoàng thái-hậu,v…v… cũng thường thấy viết bằng quốc-văn cả, đủ biết đến triều Cảnh-thịnh (1793-1800), Bảo-hưng (1800-1802), quốc-văn đã chiếm được địa-vị lớn lao là thế nào rồi.

Cái cớ quốc-văn được trọng-dụng, xu-hướng quốc-văn được bùng nổ ở đời Tây-sơn như vậy, tưởng cũng dễ hiểu.

Trong mấy lần Bắc-thuộc, phe chiến-thắng vì muốn giữ vững địa-vị thống-trị, bảo-vệ quyền-lợi của mình, thường dùng những thủ-đoạn tàn-khốc như tiêu-diệt văn-hóa của đối-phương, xóa nhòa tinh-thần dân-tộc của nước bị-trị, để một mặt thì dân bị-trị ấy ngoan-ngoãn thu-hút lấy món giáo-dục ngu-dân, một mặt thì vất-vưởng bấp-bênh như cây đứt gốc, khó lòng cựa lên mà giành được cái quyền sống còn ở dưới ánh-sáng mặt trời. Cho nên hồi Minh đô-hộ (1414-1427), chúng đã cướp hết đồ-thư điển-tịch của ta từ Trần về trước, rồi chúng nhồi sọ cho ta bằng những TỨ-THƯ ĐẠI-TOÀN, TÍNH-LÝ ĐẠI-TOÀN; đồng-thời lại cấm dân ta không được cắt tóc, bắt đàn-bà con gái ta phải mặc áo ngắn, quần dài, theo lối ăn mặc của người Minh.

Mấy triều-đại tự-chủ tuy giữ được chủ-quyền về chính-trị và văn-hóa, nhưng còn những dây liên-lạc với Trung-quốc rất khăng-khít, chưa thể một sớm đã dễ phục-hưng về mặt tinh-thần, nên mãi đến cuối Lê thì tính-chất dân-tộc mới thật chớm nở.

Đến đời Tây-sơn, Nguyễn-Huệ từ đám bình-dân “áo vải” chỗi dậy, có tinh-thần một nhà cách-mệnh, đủ tư-cách một tay lãnh-đạo, nên về phương-diện văn-hóa, vua Quang-trung đã sáng-suốt hơn ai hết: trọng-dụng quốc-văn, vạch rõ con đường tiến tới: phải đi sát với thực-tế, phải gần-gũi với bình-dân để thích-hợp với nhu-yếu của nhân dân và an nhịp với xu-thế của thời-đại. Sau năm năm trị-vì, dẫu cá-thể vua Quang-trung đã mất đi, nhưng cái đà của quốc-văn cứ do đó mà tiến-triển. Vậy nên đến đời Cảnh-thịnh, Bảo-hưng thì cái xu-hướng quốc-văn đã lên cao, cứ việc nở bùng, lan rộng.

(Nguồn Sách Hiểu-Biết, Sơn-tùng HOÀNG THÚC-LÂM, Quốc-văn đời Tây-sơn, Nhà sách Vĩnh-Bảo Sài-gòn, tr.13-18)

 


[1] Kể từ Bình-an-vương Trịnh-Tùng (1570-1620), miếu-hiệu là Thành-tổ Triết-vương.

[2] Kể từ Đoan-quận-công Nguyễn-Hoàng (1600-1613), được truy-tôn là Thái-tổ Gia-dụ hoàng-đế. Đây gọi “Cựu-Nguyễn” để phân-biệt với Tây-sơn là “Tân-Nguyễn”.

[3] Tức là Thuận-hóa và Quảng-nam. Nguyễn-Hoàng tuy được vào trấn Thuận-hóa từ năm mậu-ngọ (1558) và đến năm kỷ-tỵ (1569) được trấn cả đất Quảng-nam, nhưng bấy giờ mỗi năm vẫn phải nộp thuế cho Lê, Trịnh: bốn trăm cân bạc và năm trăm tấm lụa. Qua năm quý-tỵ (1593), Trịnh-Tùng mới lấy lại được Thăng-long và từ năm canh-tý (1600) trở đi, Nam Bắc mới thật đối-lập, Trịnh Nguyễn mới thật cát-cứ chống nhau.

[4] Đây theo tên đề trong tờ chiếu đời Thái-đức (chấm thủy bên chữ bộ). Còn nhiều sử-sách chữ Hán khác thì viết là Hiệp (chấm thủy bên chữ giáp). Hầu hết sử-sách quốc-ngữ ngày nay đều in là Thiếp.

[5] Chiếu truyền cho thày La sơn Nguyễn-Thiệp kính cẩn biết rằng…

[6] Ngày trước phó-thác thày về Nghệ-an xem đất làm kinh-đô để cho ta kịp lúc này về ngự…

[7] Sau khi ta về tới đó, chưa thấy thày làm xong việc ấy nhỉ?

[8] Vậy nên ta hãy phải trẩy về kinh Phú-xuân (Huế) để ngự và cho quân-lính nghỉ-ngơi.

[9] Vậy nay thấy chiếu này ban xuống, thày sớm nên cùng trấn-thủ Thận cộng-sự: lo-liệu công việc kinh-doanh.

[10] Nên xem đất mà sửa dựng kinh-đô, cắm chỗ chính-địa phỏng vào khoảng dân-gian ở, sau phía hành cung Phù-thạch, gần về mạn núi, hoặc giả chỗ nào là nơi đất tốt có thể đóng đô được thì tùy ở con mắt đạo-pháp của thày định liệu, miễn là sớm làm cho chóng xong.

[11] Giao cho trấn-thủ Thận sớm lập cung-điện, hạn nội ba tháng thì hoàn-thành để ta được tiện về ngự.

[12] Thày chớ nên coi thường việc ấy.

[13] Kính thay, lời chiếu đặc-biệt này.

[14] Tức năm mậu-thân (1788).

[15] Ngày mồng một, tháng sáu, năm Thái-đức thứ 11. – Theo bản phiên-âm ra quốc-ngữ trong cuốn “QUANG-TRUNG”, tập hai, của H.B.H.T.T, suất-bản năm 1944, trang 136-137.

[16] Trong “VIỆT NAM SỬ LƯỢC”, quyển bạ (nhà in Trung-Bắc tân-văn, Hà nội, 1929), tác giả Trần-trọng-Kim có chép: “Đời Tây-sơn việc cai-trị thường hay dùng chữ nôm… Khi thi-cử thường bắt quan (có lẽ sót chữ trường) ra bài bằng chữ nôm và bắt sĩ-tử làm bài bằng chữ nôm” (trang 124). Nhưng không thấy tác-giả nói rõ đặc ăn-cứ vào sử-liệu nào.  

 

Các bài viết khác:
Vietravel
Khách sạn Midtown
Phú Đạt Gia