Xây dựng lại đất nước (1789 - 1792)

Với kháng chiến chống Thanh toàn thắng, thù trong giặc ngoài về cơ bản đã bị đánh bại, nhưng đất nước vẫn đứng trước nhiều khó khăn bề bộn. Chế độ thống trị của Trịnh, Nguyễn và hàng chục năm chiến tranh triền miên để lại những hậu quả nặng nề. Kinh tế sa sút, nhân dân lầm than, đói khổ. Từ năm 1787 – 1788, Nguyễn Ánh lại trở về chiếm Gia Định và bắt đầu mở những cuộc tiến công ra khu vực Nguyễn Nhạc.

 

Đằng sau Nguyễn Ánh là các thế lực phong kiến thù địch trong nước được tập hợp lại và bọn tư bản phương Tây. Nền độc lập dân tộc và thống nhất quốc gia vừa giành lại đang bị đe dọa. Với cương vị là Hoàng đế của một vương triều mới, Quang Trung đã sớm nhận thấy những yêu cầu bức thiết của lịch sử và đề ra nhiều chủ trương, biện pháp kiên quyết nhằm xây dựng lại đất nước về mọi mặt.

Trước hết, Quang Trung chủ trương nhanh chống lập lại quan hệ hòa hiếu với nhà Thanh để tạo lập điều kiện thanh bình cho công cuộc xây dựng đất nước. Từ khi tập kết đại quân ở Tam điệp, trước lúc xuất trận, Quang Trung đã phác họa chủ trương hòa bình đó: “Lần này ta thân hành cầm quân, phương lược tiến đánh đã định sẵn. Chẳng qua 10 ngày có thể đuổi được quân Thanh. Nhưng nghĩ chúng là nước lớn gấp mười nước mình, sau khi bị thua một trận, ắt lấy làm xấu hổ mà lo mưu báo thù. Như thế thì việc binh đao không bao giờ dứt, không phải là phúc cho dân, nỡ nào mà làm như vậy. Đến khi ấy, chỉ có người khéo lời lẽ mới dập nỗi binh đao, không phải là Ngô Thì Nhậm thì không ai làm được”. (Hoàng Lê nhất thống chí).

Sau khi giành được thắng lợi quyết định trên chiến trường, đánh sụp mộng tưởng xâm lược của kẻ thù, Quang Trung giao cho Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích lo việc giao thiệp với nhà Thanh nhằm dùng “lời lẽ bang giao khôn khéo” để “dứt việc binh đao”. Bằng những biện pháp ngoại giao mềm mỏng nhưng kiên quyết, chỉ nửa năm sau khi cuộc kháng chiến kết thúc, quan hệ bang giao hòa bình giữa hai nước đã được thiết lập. Mùa hè 1789, nhà Thanh tiếp nhận phái đoàn ngoại giao đầu tiên của Tây Sơn. Mùa thu năm đó, phái đoàn ngoại giao Thanh đến Thăng Long. Trong quan hệ bang giao, nhà Thanh tỏ ra kiêng nể Quang Trung và trọng thị đối với nước ta. Tham gia sứ bộ Tây Sơn sang Thanh năm 1790, Phan Huy Ích rất tự hào thổ lộ trong bài thơ:

Phiên quốc phụng thám tần,

Kỷ đắc kỳ tao ngộ.

Phi tiên báo quốc nhân:

Hoàng hoa đệ nhất bộ.

(Các nước phiên sang chầu,

Mấy ai được như thế.

Báo tin về trong nước:

Sứ bộ ta là nhất).

Đầu năm 1789, Quang Trung ban hành Chiếu khuyến nông nhằm phục hồi nông nghiệp. Tờ chiếu nói lên thực trạng bi đát của nền kinh tế: “Từ trải qua loạn lạc đến nay, binh hỏa liên miên, lại thêm đói kém, dân lưu tán, ruộng bỏ hoang, thực số đinh và điền chẳng còn được 4,5 phần 10 so với trước”. Trên cơ sở đó, tờ chiếu đề ra những chính sách cụ thể, kêu gọi dân phiêu tán trở về quê hương, nhận ruộng công và ruộng tư bỏ hoang để cày cấy, góp phần phục hồi kinh tế nông nghiệp. Qua một thời hạn quy định, nếu ruộng công còn bỏ hoang thì phải nộp thuế gấp đôi, ruộng tư bỏ hoang thì bị tịch thu. Nhờ những biện pháp kiên quyết đó, mùa thu 1791, sử cũ ghi nhận, mùa màng trở lại phong đăng và một nửa nước được thanh bình.

Đối với kinh tế hàng hóa, Quang Trung ra lệnh bãi bỏ nhiều thứ thuế nặng nề trước đây, khuyến khích các hoạt động công thương nghiệp và mở rộng quan hệ buôn bán với người nước ngoài. Một số cửa ải vùng biên giới Việt – Trung được mở lại và các chợ Kỳ Lừa, Hoa Sơn (Lạng Sơn), Mục Mã (Cao Bằng) được khôi phục. Bộ mặt kinh tế của Thăng Long cũng được sống lại với các hoạt động công thương nghiệp như “lò Thạch Khối khói tuôn nghi ngút”, “lửa đóm nhen Năm Xã gây lò”, “chày Yên Thái nện trong sương chệnh choảng”, “lười Nghi Tàm ngăn ngọn nước quanh co”,“khách Ngô Sở chợ Tây ngồi san sát…” (Nguyễn Huy Lượng, Tụng Tây Hồ phú).

Cũng trong năm 1789, Quang Trung ban hành Chiếu lập học nhằm phục hồi và phát triển nền văn hóa giáo dục. Quang Trung có hoài bão lớn xây dựng một nền văn hóa dân tộc, coi trọng chữ Nôm và nền văn học tiếng Việt. Năm 1791, viện Sùng chính được thiết lập ở Nghệ An do Nguyễn Thiếp làm Viện trưởng, phụ trách công việc giáo dục và phiên dịch sách chữ Hán ra chữ Nôm.

Cùng với những chính sách canh tân dựng nước, Quang Trung rất chăm lo việc củng cố chính quyền và tăng cường lực lượng quốc phòng. Đối với quan lại của các vương triều cũ, Quang Trung áp dụng chính sách cầu hiền rất chân thành và tỏ ra khoan dung đối với những ai lui về cuộc sống ẩn dật. Nhưng mặt khác, Quang Trung kiên quyết trấn áp và trừng phạt những hành động chống đối, bạo loạn. Hàng loạt mưu đồ “cần vương” của bọn quan lại sĩ phu cũ bị dập tắt. Đặc biệt, năm 1790 hình thành một âm mưu liên kết nguy hiểm giữa bọn phong kiến phản động trong nước và bọn phong kiến can thiệp nước ngoài. Theo kế hoạch của chúng :

Em ruột Lê Chiêu Thống và Lê Duy Chỉ đang chiếm cứ vùng Cao Bằng sẽ đánh xuống Thăng Long.

Phong kiến Xiêm đang thống trị Vạn Tượng (Viên Chăn) sẽ cùng một số chúa Lào thân Xiêm đánh phá vùng Nghệ An, Thanh Hóa.

Nguyễn Ánh từ Gia Định liên kết với Xiêm sẽ tiến công ra vùng Đình Thuận.

Sứ giả vua Quang Trung được cử sang thông hiếu với Vạn Tượng bị bắt giữ và đem nộp cho vua Xiêm. Trước âm mưu nguy hiểm và thái độ ngoan cố của kẻ thù, Quang Trung chủ trương phải kiên quyết và chủ động phá tan kế hoạch phối hợp của bọn chúng.

Năm 1791, một đạo quân Tây Sơn từ Thăng Long được lệnh tiến lên Cao Bằng, tiêu diệt sào huyệt của Lê Duy Chỉ. Cùng lúc đó, đốc trấn Nghệ An là Trần Quang Diệu chỉ huy một đạo quân tinh nhuệ, tiến đánh quân Xiêm ra khỏi Vạn Tượng và truy kích đến tận biên giới Xiêm rồi rút về nước.

Trong cuộc tiến quân sang Vạn Tượng, quân Tây Sơn được nhân dân Lào và các chúa Lào yêu nước đồng tình ủng hộ. Nhân dân vùng ngoại ô Viên Chăn còn lưu truyền một bài vè ca ngợi triều đình “Phù Xun” (tức Phú Xuân) đã cử binh sang giúp Lào đánh đuổi giặc Xiêm tàn ác. Châu mường Xiêng Khoảng đem quân cùng phối hợp chiến đấu với quân đội Tây Sơn. Một số tư liệu thời Tây Sơn mới phát hiện ở miền tây Nghệ Tĩnh trong thời gian gần đây cho biết, năm 1792 quân Xiêm trở lại chiếm Viên Chăn và các chúa Lào yêu nước vẫn giữ liên lạc mật thiết với chính quyền Tây Sơn, đã yêu cầu quân Tây Sơn sang dẹp giặc Xiêm một lần nữa để người Lào được yên “yên mường, yên nước”. 

Sự kiện trên đây cùng với cuộc kháng chiến chống Xiêm năm 1784 – 1785 ghi lại những quan hệ đoàn kết chiến đấu tốt đẹp giữa phong trào Tây Sơn với những lực lượng yêu nước của hai nước láng giềng Lào, Chân Lạp trong cuộc đấu tranh chống lại kẻ thù chung của ba nước Đông Dương.

Cuối cùng, mối đe dọa lớn nhất còn tồn tại là lực lượng Nguyễn Ánh và bọn tư bản. Pháp ở Gia Định. Năm 1792, Quang Trung đã có kế hoạch phối hợp với Nguyễn Nhạc, mở một cuộc tiến công lớn nhằm bao vây tiêu diệt toàn bộ lực lượng kẻ thù ở đây. Ngày 10-7 năm Quang Trung thứ 5 (27-8-1792), Quang Trung đã truyền hịch kêu gọi quan lại và nhân dân hai phủ Quảng Ngãi, Quy Nhơn tham gia, hưởng ứng cuộc tiến công quy mô lớn và có ý nghĩa trọng đại này. Trong tờ hịch, Quang Trung đã nêu cao vai trò và cống hiến của hai phủ vốn là quê hương và căn cứ xuất phát của phong trào Tây Sơn: “Từ hơn hai mươi năm nay tất cả các ngươi từ lớn đến nhỏ, đều chịu ơn huệ của nhà Tây Sơn ta. Trong suốt thời gian đó, nếu Trẫm đã giành được những thắng lợi trong Nam ngoài Bắc thì rõ ràng là cũng nhờ vào lòng trung thành của hai phủ. Chính ở đây, Trẫm đã tìm thấy những người dũng cảm và hiền tài để rúp rập triều đình”. Quang Trung coi Nguyễn Ánh chỉ là “cái thây ma Gia Định” và tuyên bố sẽ “đánh bại quân giặc dễ như bẻ gãy cành khô củi mục”, sẽ lấy lại các vùng đất bị chiếm “trong nháy mắt”. Còn đối với bọn tư bản Pháp mà chúng đã thả khinh khí cầu và khoe khoang những chiếc tàu bọc đồng để lừa bịp nhân dân ta, thì Quang Trung giải thích rõ: “Các ngươi không được quá nhẹ dạ tin vào những lời đồn đại về bọn người Tây Dương. Hạng người đó nào có tài cán gì ? Bọn chúng tất cả đều mắt xanh như mắt rắn và các người chỉ được xem bọn chúng như những xác trôi bị sóng biển Bắc đánh dạt vào. Có gì đáng lạ để tâu trình với ta về những chiếc tàu đồng và khinh khí cầu của bọn chúng”.

Với bài hịch trên, có thể nói, mọi công việc chuẩn bị cho kế hoạch tiêu diệt Nguyễn Ánh ở Gia Định đã hoàn thành và quân đội Tây Sơn đang chờ ngày lên đường. Nhưng chiến dịch chưa kịp thực hiện thì 20 ngày sau, ngày 29-7 năm Nhâm Tý (đêm 15 sáng 16, giờ tý, tháng 9 năm 1792), Quang Trung đã từ trần đột ngột giữa lúc tuổi đời mới 39 và đang ôm ấp nhiều hoài bão lớn.

Kể từ kháng chiến chống Thanh thắng lợi cho đến lúc từ trần, Quang Trung chỉ có hơn 3 năm (1789 - 1792) để xây dựng lại đất nước. Thời gian quá ngắn ngủi để Quang Trung có thể hoàn tất sự nghiệp canh tân dựng nước, tạo ra một bước ngoặt lớn cho lịch sử dân tộc. Nghiệp lớn còn dang dở nhưng những gì Quang Trung đã làm cũng đã đủ nói lên tấm lòng vì nước vì dân cùng tất cả ước mơ, nghị lực của người anh hùng.  

 

(Nguồn Gs.Phan Huy Lê, Quang Trung Nguyễn Huệ con người và sự nghiệp, Sở Văn hóa Thông tin Nghĩa Bình 1986, tr36-42).

 

Các bài viết khác:
Vietravel
Khách sạn Midtown
Phú Đạt Gia