I. Tiểu sử .
Ngọc Hân công chúa sinh năm 1771, là con thứ 21 (con gái thứ 9) của vua Lê Hiển Tông với bà Nguyễn Thị Hiền (người xã Phù Ninh, tổng Hạ Dương, phủ Từ Sơn, Bắc Ninh).
- Năm 1786 (Bính Ngọ) bà kết duyên với Nguyễn Huệ.
- Năm 1789 (Kỷ Dậu) sau khi vua Quang Trung thắng quân Thanh, chỉnh tu nội bộ, bà được phong làm Bắc Cung Hoàng Hậu.
- Năm 1792 vua Quang Trung mất (29 tháng 7 năm Nhâm tý)
- Năm 1799 bà mất, được vua Cảnh Thịnh truy tôn: Như Ý Trang Thận Trinh Nhất Vũ hoàng hậu.
Tác phẩm còn để lại:
- Ai tư vãn (còn gọi “Khuê Phụ thán”)
- Văn tế vua Quang Trung.
II. Ngọc Hân, tiếng lòng trước cảnh tử biệt.
Trong số 21 người con của vua Lê Hiển Tông (1746 - 1786) sử sách nói nhiều đến Lê Ngọc Hân một phần vì bà kết duyên với Quang Trung - một mối duyên ban đầu có tính cách dàn xếp chánh trị để kéo dài thời gian suy sụp của Lê triều, nhưng về sau đã trở thành một cuộc tình nồng thắm - một phần vì văn tài của bà thể hiện bằng những lời ai oán não nuột ...
Văn nghiệp của bà nổi tiếng từ cái chết của Quang Trung. Năm 1792, trong khi cặp vợ chồng tài sắc này đang sống cuộc đời hạnh phúc: người chồng đang nhìn về tương lai của quốc gia dưới sự lãnh đạo của mình với những cải tổ hợp thời (dùng chữ Nôm chánh thức, sửa sang việc võ bị, nông nghiệp, thuế khóa...). Người vợ đang nghĩ về cuộc tình duyên đẹp đẽ mà bà cả quyết dù rằng non nước biến dời [1], mối tình của bà cũng chẳng chút vơi [2] thì chồng đột ngột từ giã cõi đời sau mấy ngày bạo bệnh. Nỗi lòng đau khổ của Ngọc Hân biểu lộ trong hai tác phẩm:
- Văn tế Vua Quang Trung [3]
- Ai tư vãn.
Ở đây Ngọc Hân than van, thương tiếc cho Quang Trung, một hình ảnh lớn, sáng chói, một đối tượng cho mọi người... nay mất đi không gian như u ám lạnh lùng:
“Chín tầng ngọc sáng bóng Trung tinh [4],
ngoài muôn dặm vừa cùng trông vẻ thụy [5].
“Một phút mây che vầng Thái Bạch [6],
trong sáu cung thoắt đã nhạt hơi hương ”.
(Văn Tế)
Từ khanh tướng đến thứ dân, ai cũng thương tiếc cho vị anh hùng yểu mạng. Tiếng khóc than nghe khắp mọi nơi, từ triều đình đến hang cùng ngõ hẻm, từ loài người là giống có tình cảm đến thiên nhiên như cỏ cây, hoa lá, núi rừng, vốn được coi như vô tình, lãnh đạm:
“Dưới bệ ngọc hàng uyên [7] vò võ,
Cất chân tay thương khó xiết chi
Hang sâu nghe tiếng than bì,
Kẻ sơ còn thế huống gì người thân”.
(Ai Tư vãn)
Hay:
“Hang núi cũng phàn nàn đòi chốn.
Cỏ hoa đều sùi sụt mấy hàng”.
(Văn tế)
Đi xa hơn bà so sánh hình tượng anh hùng của Quang Trung như công lao dựng nước của Võ, Thang, Nghiêu, Thuấn bên Trung Quốc, một công trình gian khổ bắt đầu từ số không (áo vải cờ đào) đến khi thành công rồi thì ban bố hồng ân xuống khắp từng lê thứ:
“Nghe trước có đấng vua Thang, Võ [8]
Công nghiệp nhiều tuổi thọ thêm cao.
Mà nay áo vải cờ đào [9]
Giúp dân dựng nước biết bao công trình.
Nghe rành rành trước vua Nghiêu Thuấn [10]
Công đức dày ngự vận càng lâu
Mà nay lượng cả ơn sâu,
Móc mưa tưới khắp chín châu [11] đượm nhuần”
(Ai tư vãn)
Một người xuất thân từ dân chúng, thành đạt vẫn còn ở trong lòng dân chúng, một người đức rộng bao la, không cậy lợi thế của mình để bắt hiếp những người thất thế sa cơ. Khi đại quân ông kéo ra Bắc, chỉ một cái vẫy tay cơ nghiệp nhà Lê có thể tiêu vong, nhưng ông nghiêm dặn quân sĩ không được tơ hào đến những gì của vua Lê. Chính ông cũng giữ lễ: ra mắt vua Lê ở điện Cần Chánh, tế lễ các tôn miếu, từ đường, giúp đỡ người họ hàng thân tộc của vua Lê:
“Thành Xuân [12] theo ngọn long kỳ, đạo tề trị gần nghe tiếng ngọc.
………………….
Ơn sâu nhuần gội cỏ cây, chốn lăng tẩm chẳng phạm chồi du tử,
Lộc nặng thơm tho hương khói, nơi miếu đường nào khuyết lễ chưng thường [13],
Mọi nỗi mọi nhờ trọn vẹn.
Một điều một được vẻ vang”
(Văn tế)
Hay:
“Khắp tôn thân cùng đội ơn sang.
Miếu đường còn dấu chưng thường.
Tùng thu [14] còn rậm mấy hàng xanh xanh”
(Ai Tư Vãn)
Quang Trung qua sự mô tả của Ngọc Hân đầy đủ đức tính của bậc lãnh đạo nhân hậu, biết lẽ phải, một hình ảnh đáp ứng được lòng kỳ vọng của nhân dân cũng như người thân thuộc.
Thế nhưng thợ trời ác độc, sớm đoản mạng anh hùng, bốn mươi tuổi sự nghiệp tuy “thành” nhưng chưa hoàn tất, thì:
“Miền cực lạc, xe mây vùn vụt”.
(Văn Tế)
“Công nhường ấy mà nhân nhường ấy,
Cõi thọ sao hẹp bấy hóa công!”
(Ai Tư Vãn)
Quang Trung mất, từ đây Bắc Cung Hoàng Hậu thui thủi một mình, lạnh lẽo cô phòng, không còn tha thiết gì đến tiếng nhạc, đến dung nhan; những thứ trước đây là công việc hằng ngày khi còn người chồng quân vương, bây giờ bà bỏ phế tất cả:
“... duyên hảo cầu sao bỗng dở dang,
Ôi! gió lạnh buồng đào ...
Sương pha cung đỏ, hoen phấn mờ gương”.
(Văn tế)
Không gian lạnh lẽo, u buồn, đâu đâu đối với bà cũng bao phủ một màu ảm đạm, thê lương:
“Gió hiu hắt phòng tiêu lạnh lẽo,
Trước thềm lan hoa héo ron ron!
Cầu Tiên [15] khói tỏa đỉnh non,
Xe rồng thăm thẳm bóng loan [16] rầu rầu !”
(Ai tư vãn)
Vốn mang nặng thâm ân thêm vào lòng kính mến và tình yêu nồng nàn đối với vua Quang Trung, Ngọc Hân như chết một cõi lòng khi người thân mất đi, bà sầu thảm, khóc thương, trách hận trời xanh:
“Nỗi lai lịch dễ hầu than thở?
Trách nhân duyên mờ lỡ cớ sao?
Sầu sầu thảm thảm xiết bao ...
Sầu đầy giạt bể, thảm cao ngất trời.”
(Ai tư vãn)
Bà càng buồn thảm hơn khi kỷ niệm cũ trở về: thuở nào bên cạnh long nhan cùng vui yến tiệc, lúc nào hầu cận mình rồng khi nhà vua chăm vui công vụ:
“Tiệc vầy vui nhớ hãy rành rành, nhịp ca múa bỗng khuây chừng Thần ngự;
Buổi chầu chực tưởng còn phảng phất, chuông điểm hồi sao vắng tiếng Cảnh Dương? [17]”
(Văn tế)
Thuở nào song song ngắm cảnh, nghe ca, thuở nào đêm vắng cùng nhau thủ thỉ:
“Xưa sao gang tấc gần chầu,
Trước sân phong nguyệt, trên lầu sênh ca,
………………………..
Xưa sao sớm hỏi khuya bày,
Nặng lòng vàng đá cạn lời tóc tơ.”
(Ai tư vãn)
Hình ảnh xưa trở lại đối với người chinh phụ của Đặng Trần Côn đã đau thương, nhưng còn có thể an ủi: bây giờ gián đoạn, mai kia bốn phương thái bình cảnh cũ lại tiếp tục, ở Ngọc Hân, bà không có được niềm hy vọng mong manh đó. Đối với bà quá khứ tan biến vào cõi vô cùng, người xưa ra đi vĩnh viễn không bao giờ trở lại. Việc cũ chỉ tái diễn trong tâm hồn khiến bà hoàn toàn sống trong mộng ảnh:
“Hé nhà sương ngắm quyển cung châm [18],
tiếng chi phất hãy mơ màng trên gối;
Nương hiên nguyệt ngẫm lời đình chỉ [19],
bóng thúy hoa còn nhấp nhoáng bên tường.
(Văn tế)
Nỗi đau đớn càng dồn dập khi đối chiếu với thực tại: vò võ một mình, trước sau vắng vẻ, hai phương xa cách:
“Giờ sao bỗng thờ ơ lặng lẽ,
Tình cô đơn ai kẻ xét đâu.
……………………….
Giờ sao bỗng cách xa đôi cõi.
Tin hàn huyên khôn hỏi thăm lênh.”
(Ai tư vãn)
Biết không thể xum hợp được với người thương, người chết là mất nhưng vì tình yêu quá nồng nàng, vì lòng tôn quí quá thâm sâu, bà cũng cất tiếng cầu xin: nếu tạo hóa thương tình cho vua Quang Trung sống lại, bà chịu chết thay, để tuổi trời lại cho người mình yêu kính:
“Rộng cho chuộc được tuổi Rồng,
Đổi thân ắt hẳn bõ lòng tôi ngươi.”
(Ai tư vãn)
Lời cầu xin này bộc lộ tính cách chân tình của một người yêu tha thiết; không muốn cảnh đau thương giáng xuống đầu người thân, thà mình cam gánh chịu những bất trắc, khổ sở. Lời cầu xin đồng thời cũng là tiếng than não nề cho ta nhận chân được sự bi đát ở chỗ cái chết tạo nên sự chia ly không thể nào cải biến được. Lời thỉnh cầu tuy vô lý, nhưng thiết tha và gây cảm xúc mạnh nơi người đọc vì cuối cùng tạo hóa vẫn dửng dưng, bà phải sống để tâm hồn mình đắm chìm trong những khổ sở, đau buồn thương nhớ.
“Buồn thay nhẽ sương rơi gió lọt,
Cảnh đìu hiu thánh thót châu sa!
Tưởng lời di chúc thiết tha,
Khóc nào lên tiếng, khóc mà cũng mơ.
Buồn thay nhẽ! Xuân về hoa nở!
Mối sầu riêng ai gỡ cho xong.”
…………………………
“Cảnh ly biệt nhiều phần bát ngát.
Mạch sầu tuôn ai tát cho vơi!
Càng trông càng một xa vời
Tấc lòng thảm thiết, chín trời biết chăng?
Buồn trông trăng, trăng mờ thêm tủi,
Gương Hằng Nga đã bụi màu trong ”
(Ai tư vãn)
Đối với bà, vua Quang Trung là tất cả, là mùa Xuân, là cuộc đời. Mùa xuân đã qua, cuộc đời đã hết, bà ở lại, nhưng chỉ ở lại thể xác còn tâm hồn như tan biến mất rồi, do đó bà ngóng trông tứ phía để tìm mùa Xuân, để tìm cuộc đời mình, nhưng nào thấy gì đâu, chỉ có cảnh vật vô tình, cũng vành trăng xưa, nhưng bây giờ đã lu mờ ...
Thất vọng, nhớ thương gặm mòn tâm hồn nên lúc nào bà cũng vò võ, trông chờ. Nhiều khi bà nhìn về bốn phía cố tìm hình ảnh người chồng, tưởng chừng nhà vua chưa mất, nhưng thực tế phũ phàng, bà chẳng thấy gì hơn ngoài cảnh vật thản nhiên, dửng dưng:
“Trông mái đông: lá buồm xuôi ngược,
Thấy mênh mông những nước cùng mây.
Đông rồi thì lại trông Tây:
Trông non ngây ngất, thấy cây rờm rà
Trông Nam thấy nhạn sa lác đác,
Trông Bắc thì ngàn bạc màn sương!”
(Ai tư vãn)
Mây nước bao la, non cao chất ngất, cây lá chập chùng, chim bay vài cánh có thể tạo thành hình ảnh nên thơ, nhưng lòng người đã mang tâm sự cảnh này càng gợi thêm sầu, sầu vì cảm thấy mình nhỏ nhoi, cô độc, lạc lõng trước thiên nhiên tạo vật. Thêm vào đó bà có ấn tượng như cảnh vật cũng đang lâm vào trạng huống như mình: hoa héo hắt, cánh hải đường thấm sương, chim lẻ bạn:
“Buồn xem hoa, hoa buồn thêm thẹn,
Cánh Hải đường đã quến gió sương!
Trông chim càng dễ đoạn trường,
Uyên ương chiếc bóng, phượng hoàng lẻ đôi.
Cảnh nào cũng ngùi ngùi cảnh ấy,
Tiệc vui mừng còn thấy chi đâu”
(Ai tư vãn)
Diễn tả những tình cảm trên, “Ai tư vãn” thật sự là một tiếng than thảm thiết của một người vợ yêu chồng rất mực, nhưng, “duyên hảo cầu ...bỗng dở dang [20]”. Lâm vào trạng huống tuyệt vọng quá đột ngột nên tác giả không còn muốn sống, lúc nào cũng có tư tưởng
“Quyết liều mong vẹn chữ tòng,
Trên rường nào ngại, giữa dòng nào e”.
(Ai tư vãn)
không quý tiếc thân mình, chỉ muốn được đi theo gần người yêu dấu:
“Liều trâm ngọc mong theo chốn chân du [21] da tóc trăm thân nào có tiếc”.
(Văn tế)
Nhưng nghĩ lại, con trẻ bơ vơ hai đứa, nếu mình có bề nào ai người chăm sóc:
“...Sữa măng đôi chút lại thêm thương”
(Văn tế)
hay:
“Còn trứng nước thương vì đôi chút,
Chữ thâm tình chưa thoát được đi”.
(Ai tư vãn)
Nhất là cảnh thực tế càng làm đứt ruột hơn: con nhỏ chưa biết gì, còn vụng dại nhưng cũng đã buồn thảm trước bàn thờ người quá cố:
“Gót lân chỉ [22] mấy hàng lẫm chẫm,
Đầu mũ mao mình tấm áo gai.
U ơ ra trước hương đài,
Tưởng quang cảnh ấy chua cay dường nào”
(Ai tư vãn)
Cuối cùng bà đành chấp nhận chuyện trời bày: người sống, kẻ chết, “nẻo hoàng tuyền xa cách mấy trùng [23]” trong khi vẫn trách trời đất tạo nên tử biệt khiến mình ôm mối sầu đến ngày dứt nợ trần ai:
“Phút giây bãi bể nương dâu,
Cuộc đời là thế biết hầu làm sao.
Chữ tình nghĩa trời cao đất rộng,
Nỗi đoạn trường còn sống còn đau!
Mấy lời tâm sự trước sau,
Đôi vần nhật nguyệt trên đầu chứng cho”.
(Ai Tư vãn)
Mà thật vậy, vì quá sầu thảm, bảy năm sau (1799) bà mất lúc còn rất trẻ, chưa đầy ba mươi tuổi .
III. Giá trị tác phẩm của Ngọc Hân.
Cả hai bài “Văn tế Quang Trung” và “Ai tư vãn” đều trình bày một dòng tư tưởng gồm những ý sau:
- Vua Quang Trung mất như một sự sụp đổ lớn lao đối với mọi người nhất là đối với tác giả.
- Ca tụng vua Quang Trung về nhiều phương diện: tài đức, trung hậu, nhân ái, rộng lượng, cần mẫn ...
- Diễn tả sự nhớ thương, buồn thảm của tác giả .
- Than cuộc đời ngắn ngủi và cảm thương phận mình .
Bài văn tế theo thể phú nên lời văn có huynh hướng bác học, xúc tích, điển cố. Mặc dầu vậy ở đây không có những điển cố cầu kỳ với những đoạn trưng dẫn đầy dẫy văn liệu, thành ngữ của Trung Hoa, trái lại các điển cố được dùng đều khá thông dụng và được đặt rất đúng chỗ tạo nên một không khí tuy vẫn chưa cao sang, nghiêm chỉnh nhưng nhẹ nhàng, bộc lộ được tình cảm. Ngô Tất Tố nhận xét rất đúng khi cho rằng: “Cả bài (văn tế) ý nghĩa rõ ràng, lời lẽ chải chuốt, dùng điển cũng đắc thể và xác đáng [24]”.
Đối với bài vãn, nhạc điệu man mác, bi thương trầm buồn, tác giả đã sử dụng tài tình âm điệu của thể song thất lục bát. Nhiều đoạn ngắt câu tài tình đi ra khỏi thông lệ tạo một âm điệu mênh mang khiến người đọc lâng lâng xúc động:
Khi trận gió/hoa bay/thấp thoáng.
Ngỡ hương trời/bảng lảng /còn đâu!
Vội vàng/ sửa áo/lên chầu.
Thương ôi/ quạnh quẽ trước lầu nhện giăng!
Thường ở câu bát sự ngắt câu như sau:
2 / 2 / 2 / 2
hoặc: 4 / 4
ở đây: 2 / 6
khiến ta nghe như một sự than thở triền miên kéo dài của người thất vọng cùng độ. Sự ngắt câu này tạo đoạn song thất lục bát trên thành:
X / X / X
X / X / X
X / X / X
X / X /
gây một âm hưởng ban đầu dồn dập, rồi lê thê phù hợp với hành vi và tâm trạng của một người mừng rỡ rồi thất vọng, bẽ bàng ...
Về hình ảnh, nhiều cảnh tượng tác giả vẽ ra mang tính chất thành thực của một tình yêu không biên giới, một tình yêu độc hướng Trương Chi, vọng phu hóa đá:
“Cậy ai có phép gì tới đó,
Dâng vật thường xin ngỏ lòng trung.
Này gương là của Hán cung,
Ơn trên xưa đã soi chung đòi ngày.
Duyên hảo hợp xót rày nên lẻ,
Bụng ai hoài vội ghẽ gì đâu?
Xin đưa gương ấy về chầu,
Ngỏ soi cho tỏ gót đầu trong ơn”
(Ai Tư Vãn)
Tiếng khóc than bi thiết của Ngọc Hân trong “Ai tư vãn ”, do hai yếu tố tạo thành - tình yêu vợ chồng, và lòng biết ơn sâu xa của người thọ ân đối với người ban ân.
Biết ơn vì nhà vua đã không đạp đổ vương quyền do tổ tiên bà tốn công gây dựng, bây giờ là chút gì còn sót lại của người cha già. Ngoài ra mồ mả tổ tiên, miếu đường tổ phụ cũng được nhà vua tôn trọng. Người Việt Nam thứ nhất người phụ nữ, tình gia tộc rất mạnh, từ sự cảm mến sang kính trọng rồi sang tình yêu không mấy chốc, huống chi, trong lúc võ lực của Quang Trung như sóng tràn thác lũ, nhà vua vẫn giữ “nghĩa tôn phù vằng vặc bóng dương” [25] vẫn “nơi miếu đường nào khuyết lễ chưng thường” [26].
Biết ơn vì nhà vua tượng trưng cho hình ảnh người hùng ngóng đợi của muôn dân, một “bóng trung trinh” đã áo vải cờ đào, giúp dân dựng nước, lèo lái quốc gia thoát khỏi chế độ phong kiến hà khắc, và vòng ngoại xâm cường bạo.
Tuy nhiên, không phải mọi chi tiết mô tả trong tác phẩm đều thực, chúng ta thỉnh thoảng bắt gặp nhiều hình ảnh sáo rỗng (đoạn tác giả nhìn 4 hướng, ở trên). Tuy nhiên ở đây ta không thể lấy nhãn quan ngày nay để phê phán người xưa, tính chất không thực trong thi phẩm của Ngọc Hân cần thiết ở chỗ tạo nên một vẻ não nùng, đứng về phương diện tình cảm không thể chối bỏ được.
Về vần, một khúc ngâm dài 164 câu được viết trong khi mạch sầu tràn ngập nên có vài khuyết điểm như cưỡng vận ép lời:
- “Theo buổi trước ngự đèo Bồng đảo,
Theo buổi sau ngự nẻo sông Ngân.
- Còn trứng nước thương vì đôi chút.
Chữ tình thâm chưa thoát được đi.
- Tưởng phong thể xót xa đòi đoạn,
Mặt rồng sao cách gián [27] lâu nay”.
Tuy nhiên một vài vần không trôi chưa thể đánh mất giá trị bài văn vì ở đây phần nhiều vần được dùng rất gần vần bắt buộc.
Một người phê bình về hình thức “Ai tư vãn” đã viết: “Nói chung, người ta có cảm tưởng như từ Hoa Tiên bước xuống Phan Trần, hơn thế từ truyện Kiều mà bước xuống Tống Trân Cúc Hoa” [28]. Chúng tôi cho rằng nhận xét trên quá đáng, sự cách biệt giữa “Ai Tư vãn” với “Chinh Phụ ngâm” và “Cung Oán ngâm khúc” tuy có nhưng không thể xa đến như vậy.
IV. Kết luận
Với “Văn tế vua Quang Trung” và “Ai Tư Vãn”, Ngọc Hân Công Chúa đã gởi cho chúng ta tiếng than não nuột của một thiếu phụ thất vọng vì sự ra đi vĩnh viễn của người chồng, tiếng than cho thân phận một người dân trông đợi nơi người hùng nhưng người hùng mệnh đoản, tiếng khóc của một người thấy trước sự bẽ bàng của hoàn cảnh thực tế đời mình. Thực tế với người chồng đột ngột mất đi, “duyên kia đã vậy thân nầy nương đâu” [29]. Rồi đây công lao của mình cố gắng hoàn thành cuộc hôn nhân bỗng trở thành mây khói, còn lại chăng chỉ hình bóng cũ, đôi mái đầu thơ một khung cảnh đầy ghét ghen, nghi kỵ của những người không thân thuộc trong khi ngòi lửa chiến tranh vẫn tiếp tục lan tràn.
Tiếng thơ của Ngọc Hân do đó đóng vai trò tiếng thơ của một bậc nữ lưu đặc biệt về phương diện tình cảm và thời thế ...
Phụ lục I
VĂN TẾ VUA QUANG TRUNG
Tác phẩm của Ngọc Hân Công Chúa.
Than rằng:
1. Chín từng ngọc sáng bóng trung tinh, ngoài muôn dặm vừa cùng trông vẻ thụy;
Một phút mây che vầng Thái Bạch, trong sáu cung thoắt đã nhạt hơi hương.
2. Tơ đứt tấc lòng ly biệt;
Châu sa giọt lệ cương thường.
3. Nhớ phen bến Nhị thuận buồm, hội bái việt chín châu lừng lẫy;
Vừa buổi cầu Ngân sẵn nhịp, đoàn ỷ la đôi nước rõ ràng.
4. Hôn cấu đã nên nghĩa cả;
Quan san bao quản dặm trường.
5. Nhờ lượng trên cũng muốn tôn Chu, tình thân hiếu đã ngăn chia đôi nước;
Song thế cả trót đà về Hán, hội hỗn đồng chi cách trở một phương ?
6. Lòng dẫu xót thấy cơn cách chính;
Thân lại nhờ gặp hội hưng vương.
7. Thành Xuân theo ngọn long kỳ, đạo tề trị gần nghe tiếng ngọc;
Cung Hữu rạng mầu địch phất, tình ái ân muôn đội nhà vàng.
8. Danh phận ấy cậy vun trồng mọi vẻ;
Nề nếp xưa nhờ che chở trăm đường.
9. Ơn sâu nhuần gọi cỏ cây, chốn lăng tẩm chẳng phạm chồi du tử;
Lộc nặng thơm tho hương khói, nơi miếu đường nào khuyết lễ chưng thường.
10. Mọi nỗi, mọi nhờ trọn vẹn;
Một điều, một được vẻ vang.
11. Phép hằng gìn hạc thược, tước thoa, buồng quế rạng khuôn Nội Tắc;
Điềm sớm ứng Chung Tư, Lân Chỉ, Phái Lam thêm diễn thiên hoàng.
12. Mảy chút chưa đền đức cả;
Gót đầu đều trọn ơn sang.
13. Đền Vị Ương bóng đuốc bừng bừng, lòng cần mẫn vừa khi dóng dả.
Miền Cực Lạc xe mây vùn vụt, duyên hảo cầu sao bỗng dở dang ?
Ôi!
14. Gió lạnh buồng đào, rơi cầm nẩy sắt;
Sương pha cung đỏ, hoen phấn mờ gương.
15. Tiệc vầy vui nhớ hãy rành rành, nhịp ca múa bỗng khuây chừng Thần Ngự.
Buổi chầu chực tưởng còn phảng phất, chuông điểm hồi sao vắng chốn Cảnh Dương.
16. Vấn vít bấy, bảy năm kết phát;
Đau đớn thay, trăm nỗi đoạn trường.
17. Hé nhà sương ngắm quyển cung châm, tiếng chi phất hãy mơ màng trên gối.
Nương hương nguyệt, ngẫm lời đình chỉ, bóng thúy hoa còn phấp phới bên tường.
18. Hang núi cũng phàn nàn đòi chốn;
Cỏ hoa đều sùi sụt mấy hàng!
19. Liều trâm ngọc mong theo chốn châu du, da tóc trăm thân nào có tiếc.
Ôm cưỡng bảo luống ngập ngừng di thể, sữa măng đôi chút lại thêm thương.
Tiếc thay!
20. Ngày thoi thắm thoắt;
Bóng khích vội vàng.
21. Thuyền ngự tọa đã ngang ghềnh Thái Thủy! Bóng long xa thẳng trỏ lối tiên hương.
22. Nẻo hoàng tuyền xa cách mấy trùng, ngao ngán thêm ngừng cơn biệt duệ.
Chén hoàng thủy kính dâng một lễ, xét soi xin thấu cõi minh dương.
(Theo Đông Thanh tạp chí số 05,1932)
Phụ lục II
AI TƯ VÃN
Tác phẩm của Ngọc Hân Công Chúa
1. Gió hiu hắt phòng tiêu lạnh lẽo.
Trước thềm lan hoa héo ron ron!
Cầu Tiên khói tỏa đỉnh non.
Xe rồng thăm thẳm bóng loan rầu rầu!
5. Nỗi lai lịch dễ hầu than thở,
Trách nhân duyên mờ lỡ cớ sao?
Sầu sầu, thảm thảm xiết bao.
Sầu đầy dạt bể, thảm cao ngất trời
Từ cờ thắm trỏ vời cõi Bắc.
10. Nghĩa tôn phù vằng vặc bóng dương.
Rút dây vâng mệnh phụ hoàng,
Thuyền lan, chèo quế thuận đường vu qui.
Trăm ngàn dặm quản chi non nước,
Chữ “nghi gia” mừng được phải duyên.
15. Sang yêu muôn đợi ơn trên.
Rỡ ràng vẻ thuý, chối chen tiếng cầm.
Lượng che chở, vụng lầm nào kể,
Phận đinh ninh cặn kẽ mọi lời.
Dẫu rằng non nước biến dời,
20. Nguồn tình ắt chẳng chút vơi đâu là!
Lòng đùm bọc thương hoa đoái cội,
Khắp tôn thân cùng đội ơn sang.
Miếu đường còn dấu chưng thường,
Tùng thu còn rậm mấy hàng xanh xanh.
25. Nhờ hồng phúc đôi cành hòe quế.
Đượm hơi dương, dây rễ đều tươi.
Non Nam lần chúc tuổi trời,
Dâng ca Thiên bảo, bày lời Hoa Phong.
Những ao ước trập trùng tuổi bạc,
30. Nguyền trăm năm ngõ được vầy vui.
Nào hay sóng cạn bể vùi,
Lòng trời giáo giở, vận người biệt ly.
Từ nắng hạ mưa thu trái tiết,
Xót mình rồng mỏi mệt chẳng yên.
35. Xiết bao kinh sợ lo phiền!
Miếu thần đã đảo, thuốc tiên lại cầu.
Khắp mọi chốn đâu đâu tìm rước,
Phương pháp nào đổi được cùng chăng?
Ngán thay máy tạo bất bằng,
40. Bóng mây thoắt đã ngất chừng xe loan!
Cuộc tụ tán, bi hoan kíp bấy?
Kể xum vầy đã mấy năm nay?
Lênh đênh chút phận bèo mây,
Duyên kia đã vậy, thần này nương đâu?
45. Trằn trọc luống đêm thâu, ngày tối,
Biết cậy ai giập nỗi bi thương.
Trông mong luống những mơ màng,
Mơ hồ bằng mộng bàng hoàng như say.
Khi trận gió hoa bay thấp thoáng.
50. Ngỡ hương trời bảng lảng còn đâu.
Vội vàng sửa áo lên chầu,
Thương ôi quạnh quẽ trước lầu nhện giăng!
Khi bóng trăng lá in lấp lánh.
Ngỡ tàn vàng nhớ cảnh ngự chơi.
55. Vội vàng dạo bước tới nơi.
Than ôi vắng vẻ, giữa trời sương sa.
Tưởng phong thái xót xa đòi đoạn.
Mặt rồng sao cách gián lâu nay.
Có ai chốn ấy về đây?
60. Nguồn cơn xin ngỏ cho hay được đành!
Nẻo u minh khéo chia đôi ngả.
Nghĩ đòi phen nồng nã đòi phen.
Kiếp này chưa trọn chữ duyên,
Ước xin kiếp khác vẹn nguyền lửa hương.
65. Nghe trước có đấng vương Thang,
Võ Công nghiệp nhiều, tuổi thọ thêm cao.
Mà nay áo vải cờ đào
Giúp dân dựng nước biết bao công trình.
Nghe rành rành trước vua Nghiêu, Thuấn,
70. Công đức dầy, ngự vận càng lâu.
Mà nay lượng cả, ơn sâu,
Móc mưa tưới khắp chín châu đượm nhuần.
Công dường ấy, mà nhân dường ấy,
Cõi thọ sao hẹp bấy hóa công?
75. Rộng cho chuộc được tuổi rồng,
Đổi thân ắt hẳn bõ lòng tôi ngươi.
Buồn thay nhẽ sương rơi, gió lọt!
Cảnh đìu hiu thánh thót châu sa.
Tưởng lời di chúc thiết tha,
80. Khóc nào lên tiếng, thức mà cũng mê.
Buồn thay nhẽ xuân về, hoa ở!
Mối sầu riêng ai gỡ cho xong.
Quyết liều mong vẹn chữ tòng.
Trên rường nào ngại, giữa dòng nào e.
85. Còn trứng nước thương vì đôi chút,
Chữ tình thâm chưa thoát được đi.
Vậy nên nấn ná đòi khi,
Hình tuy còn ở, phách thì đã theo.
Theo buổi trước ngự đèo Bồng đảo,
90. Theo buổi sau ngự nẻo sông Ngân.
Theo xa thôi lại theo gần.
Theo phen điện quế, theo lần nguồn hoa.
Đương theo bỗng tiếng gà sực tỉnh.
Đau đớn thay ấy cảnh chiêm bao!
95. Mơ màng thêm mỗi khát khao,
Ngọc Kinh chốn ấy ngày nào tới nơi ?
Tưởng thôi lại bồi hồi trong dạ,
Nguyện đồng sinh sao đã kíp phai?
Xưa sao sớm hỏi, khuya bày,
100. Nặng lòng vàng đá cạn lời tóc tơ.
Giờ sao bỗng thờ ơ lặng lẽ?
Tình cô đơn, ai kẻ xét đâu?
Xưa sao gang tấc gần chầu.
Trước sân phong nguyệt, trên lầu sinh ca.
105. Giờ sao bỗng cách xa đôi cõi,
Tin hàn huyên khôn hỏi thăm lênh!
Nửa cung gẫy phím cầm lành.
Nỗi con côi cút nỗi mình bơ vơ!
Nghĩ nông nỗi ngẩn ngơ đòi lúc,
110. Tiếng tử qui thêm giục lòng thương.
Não người thay cảnh tiên hương!
Dạ thường quanh quất mặt thường ngóng trông.
Trông mái đông: lá buồm xuôi ngược,
Thấy mênh mông những nước cùng mây.
115. Đông rồi thì lại trông tây:
Thấy non ngân ngất, thấy cây rườm rà.
Trông nam thấy nhạn sa lác đác,
Trông bắc thời ngàn bạc màn sương!
Nọ trông trời đất bốn phương,
120. Cõi tiên khơi thẳm, biết đường nào đi!
Cậy ai có phép gì tới đó,
Dâng vật thường xin ngỏ lòng trung;
Này gương là của Hán Cung.
Ơn trên xưa đã soi chung đòi ngày.
125. Duyên hảo hợp xót rày nên lẽ!
Bụng ai hoài vội ghẽ vì đâu?
Xin đưa gương ấy về chầu,
Ngõ soi cho tỏ gót đầu trông ơn.
Tưởng linh sảng nhơn nhơn còn dấu.
130. Nỗi sinh cơ có thấu cho không ?
Cung xanh đang tuổi ấu sung,
Di mưu sao nỡ quên lòng đoái thương ?
Gót lân chỉ mấy hàng lẫm chẫm,
Đầu mũ mao, mình tấm áo gai!
135. U ơ ra trước hương đài,
Tưởng quang cảnh ấy chua cay dường nào!
Trong sáu viện ố đào, ủ liễu,
Xác ve gầy, lỏng lẻo xiêm nghê.
Long đong xa cách hương quê,
140. Mong theo: lầm lối, mong về: tủi duyên!
Dưới bệ ngọc hàng uyên vò võ.
Cất chân tay thương khó xiết chi!
Hang sâu nghe tiếng thương bi,
Kẻ sơ còn thế, huống gì người thân.
145. Cảnh ly biệt nhiều phần bát ngát
Mạch sầu tuôn ai tát cho vơi!
Càng trông càng một xa vời
Tấc lòng thảm thiết, chín trời biết chăng?
Buồn trông trăng, trăng mờ thêm tủi.
150. Gương Hằng Nga đã bụi màu trong.
Nhìn gương càng thẹn tấm lòng,
Thiên duyên lạnh lẽo, đêm đông biên hà.
Buồn xem hoa, hoa buồn thêm thẹn,
Cánh hải đường đã quyện giọt sương.
155. Trông chim càng dễ đoạn trường,
Uyên ương chiếc bóng, phượng hoàng lẻ đôi.
Cảnh nào cũng ngùi ngùi cảnh ấy,
Tiệc vui mừng còn thấy chi đâu!
Phút giây bãi bể nương dâu,
160. Cuộc đời là thế biết hầu này sao ?
Chữ tình nghĩa là trời cao, đất rộng,
Nỗi đoạn trường còn sống, còn đau.
Mấy lời tâm sự trước sau.
164. Đôi vầng nhật nguyệt trên đầu chứng cho.
(Theo Quốc văn đời Tây Sơn và Thi văn hợp quyển)
Nguyễn Văn Sâm, Văn học Nam Hà, tr.317 - 344
[1] Chữ của Ai Tư Vãn.
[2] Như [1].
[3] Có thuyết cho răng bài văn tế này do Phan Huy Ích viết thay Ngọc Hân công chúa vì lời thương tiếc ở đây ít có tính cách riêng tư như ở Ai tư vãn, một lý nữa là lúc nầy 1792. Phan Huy Ích giữ tất cả việc sổ sách, văn thư của triều đình Quang Trung. Bài văn tế đọc ca tụng con chim đầu đàn năm xuống phải do người như Phan Huy Ích viết mới hợp. Tuy nhiên chúng tôi thấy không có gì chắc chắn về phương diện tài liệu nên vẫn theo thuyết cũ xưa nay.
Vả lại, về ý, bài văn tế là một tóm lược của bài Ai tư vãn, không có một nét mâu thuẫn nào nên chúng tôi không thấy chi trở ngại khi theo thuyết cũ.
[4] Trung tinh: ngôi sao giữa trời, chỉ Vua Quang Trung.
[5] Thụy: điềm lành.
[6] Thái Bạch: vì sao chỉ nhà Vua.
[7] Hàng uyên: các quan trong triều.
[8] Thang Võ: Thành Thang (1763 - 1754 tr. C.N) nhà Thương diệt vua Kiệt nhà Hạ. Võ Vương (1122 - 1115 tr. C.N) nhà Châu diệt vua Trụ nhà Thương.
[9] “Trẫm là người áo vải ở đất Tây Sơn, không có một thước đất, vốn không có chí làm vua, chỉ vì lòng chán ngán đời loạn, mong mỏi được vua hiền để cứu đời yên dân, vì vậy trẫm tập hợp nghĩa binh, mặc áo tơi đi xe cỏ để mở mang núi rừng ... cố ý quét sạch loạn lạc, cứu vớt dân trong vòng nước lửa ...”
(bài chiếu lên ngôi Hoàng Đế của Quang Trung, do Ngô Thời Nhậm viết, bản dịch).
[10] Nghiêu Thuấn: Đường Nghiêu (2357 - 2258 tr. C.N) và Ngu Thuấn (2255 - 2207 tr. CN), những vị minh quân
[11] Chín châu: xưa Trung Quốc chia làm chín châu: Ký Châu, Thanh Châu, Dương châu, Duyện Châu, Từ Châu, Kinh Châu, Dự Châu, Lương Châu, Ung Châu, chỉ khắp nước.
[12] Thành Xuân: Phú Xuân. Nơi Quang Trung xuất quân ra Bắc Hà.
[13] Chưng thường: Chưng, lễ tế vào mùa Xuân. Thường, lễ tế vào mùa Thu.
[14] Tùng thu: Cây cối trồng ở mộ vua. Chỉ mồ mả vua chúa.
[15] Cầu Tiên: Nơi mộ giả của Quang Trung.
[16] Xe rồng, bóng loan: chỉ Quang Trung và Ngọc Hân.
[17] Cảnh Dương: đền vua làm việc.
[18] Quyển cung châm: sách dạy cung nữ.
[19] Đình chỉ: lời vua dạy.
[20] Chữ của bài: “Ai tư vãn”.
[21] Chốn chân du: cõi chết, nơi vua Quang Trung về.
[22] Lân chỉ: con vua.
[23] Chữ của “Văn tế”.
[24] Ngô tất Tố - Thi văn bình chú.
[25] Chữ của “Ai tư Vãn”.
[26] Chữ của “Văn tế”.
[27] Dùng vần thông không phải vần chính.
[28] Phạm Thế Ngũ - Việt Nam văn học giản ước tân biên – quyển II, trang 246.
[29] Chữ “Ai tư vãn”.